Dự án đầu tư

Trai người Kinh lên bản Chứt lấy vợ

Sau gần 25 năm từ rừng sâu ra sống với thế giới văn minh, đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) liên tiếp chứng kiến niềm vui khôn tả khi trai người Kinh lên Bản Chứt lấy vợ.

Đám cưới Nhân-Duyên

Vào đầu tháng Mười vừa qua, cả bản người Chứt ở Rào Tre vui như ngày hội, mổ lợn ăn mừng đón rể mới- một đám cưới ấm cúng giữa cô dâu người Chứt Hồ Thị Duyên (20 tuổi) và chàng rể người Kinh Nguyễn Đình Nhân (19 tuổi) được Đồn Biên phòng bản Rào Tre cùng chính quyền địa phương tổ chức.

Ông Nguyễn Tiến Lành – Phó Chủ tịch HĐND xã Hương Liên không giấu được niềm vui: “Ăn mừng là vì tộc người Chứt nay đã đổi thay, tiến bộ lên nhiều. Sau gần 25 năm được Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh đưa ra khỏi rừng về xã Hương Liên làm nhà lập nên bản Rào Tre, người Chứt ít tiếp xúc với bên ngoài, vì vậy khi lớn lên thanh niên trong bản lại lấy nhau. Còn nay họ đã biết giao lưu với bên ngoài, được sự giúp đỡ của biên phòng và địa phương, họ đã biết trồng lúa nước, biết nuôi lợn, nuôi bò tham gia văn nghệ… Đến nay đã có 3 cặp vợ chồng người Chứt và người Kinh lấy nhau”.

Hatinh24h 01

Đám cưới như chuyện cổ tích của cặp vợ chồng Hồ Thị Duyên và Nguyễn Đình Nhân tổ chức tại bản Rào Tre. (Ảnh: H.A)

Chị Hồ Thị Đinh Mai người Chứt, cán bộ đoàn xã Hương Liên cho biết: “Hồ Thị Duyên dù sinh ra ở bản nhưng rất chăm chỉ học hành, vừa học xong cử nhân luật tại chức. Còn Nhân là chàng trai người Kinh làm trang trại ở xã Hương Liên. Đúng là nhân duyên thật, tình cờ trong buổi diễn văn nghệ của địa phương tổ chức, Nhân và Duyên gặp nhau và từ đó họ đi lại tìm hiểu. Thế nhưng để có được đám cưới như vậy, cả hai gặp không ít khó khăn thử thách từ gia đình, bạn bè. Nhưng bằng tình yêu chân thành của Nhân và Duyên, và đặc biệt được sự xe duyên vun đắp của các anh bộ đội biên phòng cắm bản, hai em đã đến được với nhau”.

Bà Hồ Thị Nam-Trưởng bản Rào Tre vui sướng thốt lên: “Tôi mừng lắm, đã có nhiều thanh niên người Kinh lên hỏi con gái người Chứt. Giờ đây người Chứt không còn lép vế nữa”.

Vơi đi hôn nhân cận huyết

Theo bà Hồ Thị Nam: “Từ ngày về sống ở bản Rào Tre này chưa có năm nào vui như năm ni khi chứng kiến và dự hôn lễ hai cặp vợ chồng trai người Kinh hỏi vợ người Chứt. Ngoài đám cưới Nhân- Duyên vừa được tổ chức thì trước đó tháng 4.2015,  bà con đã được dự đám cưới của cô gái người Chứt Hồ Thanh Mai (19 tuổi) kết hôn với chàng trai người Kinh Lê Xuân Công (23 tuổi). Trước đó cũng có một cặp là anh Hồ Bình người Chứt lấy chị Nguyễn Thị Mai người Kinh ở xã Hương Lâm (Hương Khê) và hiện họ đã có với nhau hai đứa con”.

Thượng tá Dương Thanh Tịnh- Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre, cho biết: “Năm 2015, ghi nhận sự thay đổi ở bản Rào Tre khi liên tục có các chàng trai người Kinh lên cưới vợ là người Chứt. Những đám cưới như trong chuyện “cổ tích” này, đã phần nào làm vơi bớt nỗi trăn trở về vấn đề hôn nhân cận huyết  ở tộc người Chứt”.

Còn theo ông Hoàng Xuân Lý-Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, hôn nhân cận huyết là nỗi ám ảnh với người Chứt từ lâu nay vì họ ít tiếp xúc với bên ngoài nên trong bản lấy nhau, con cái sinh ra còi cọc, dị tật. Cán bộ biên phòng và chính quyền địa phương đã nhiều lần họp bàn, đề ra nhiều phương án để “giải cứu”.

Đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có đề án phát triển dân tộc Chứt từ tuyên truyền vận động, tạo điều kiện và khuyến khích thanh niên trong bản kết hôn với người dân tộc khác sẽ được địa phương cấp đất, nhà ở và một khoản hỗ trợ bằng tiền để bước đầu ổn định cuộc sống.

(theo Dân Việt)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP