Trong nước

TPHCM sắp xếp lại đơn vị hành chính, lo xáo trộn cuộc sống của dân

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm cho biết, với tiêu chí của dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, thành phố phải sắp xếp lại 3 quận và 128/322 phường, xã. Theo ông, việc này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và thành phố cũng khó làm kịp.

Ngày 17/7, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã chủ trì hội thảo góp ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Tại hội thảo, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, nếu sắp xếp lại đơn vị hành chính phải điều chỉnh địa chỉ nhà ở và theo đó là hàng loạt giấy tờ liên quan phải điều chỉnh. Việc này ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, khả năng người dân không đồng tình sắp xếp lại cũng rất lớn.

Theo ông, để sắp xếp lại đơn vị hành chính cần phải vận động nhân dân và đặt ra nguyên tắc xem ý kiến cử tri là một trong những yếu tố xem xét nhất định.

TPHCM có đặc thù diện tích quận nhỏ nhưng dân số rất đông (ảnh minh họa)

Vấn đề này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng cần tuyên truyền nhận thức trong nhân dân để có sự đồng thuận cao. Theo ông, nhiều người chưa hiểu hết vấn đề sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và xã. Do đó, nếu tuyên truyền không tốt sẽ gây phản cảm, ý kiến đồng thuận không cao.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bên cạnh tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, đơn vị hành chính còn chịu tác động của các yếu tố lịch sử, văn hóa, điều kiện địa lý... và các yếu tố đặc thù khác.

Ông Trương Văn Lắm cho biết, căn cứ vào tiêu chí của đề án, số quận, huyện cần sắp xếp của thành phố là 3 và có 128/322 phường, xã phải sắp xếp. Con số này khá lớn.

Theo ông Lắm, tiêu chí của đề án đặt ra là phường có diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên, nhưng thành phố có quận diện tích chỉ đạt 5km2. Trong khi đó, dân số lại rất lớn. Vì vậy, ông kiến nghị cần tính đến đặc thù ở TPHCM, không nên bó buộc 2 tiêu chí này đều phải trên 50%.

Một điểm khó khác của thành phố là từ đây đến 2020 phải hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích, dân số. Do đó, thành phố chỉ chọn một vài đơn vị làm thí điểm.

Theo ông, chỉ điều chỉnh một lần về địa chỉ, chứ nếu năm nay sắp xếp phường, vài ba năm sau sắp xếp quận thì ảnh hưởng đến người dân rất lớn.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn cho rằng TPHCM có tính chất đô thị khác với các tỉnh thành khác, diện tích nhỏ mà dân số tập trung lớn, không thể bó buộc hai tiêu chí đều phải trên 50%.

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và các số liệu tổng hợp từ địa phương, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan đã xây dựng dự thảo Đề án gửi lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trên cả nước.

Đồng thời, tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý về vấn đề sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương, nhằm mục đích xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ năm đến 2021 được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trong đó quy định tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để tiến hành sắp xếp.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2021 thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; từ năm 2022 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.

Theo nghị quyết 1211, tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên; quận có quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên; phường có 15.000 dân trở lên, diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP