Giáo dục

Tp.HCM: Học sinh có thể trở lại trường từ tháng 1/2022

Tùy theo thời gian kiểm soát được dịch Covid-19 mà các địa phương tại Tp.HCM sẽ lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường học.

Chiều tối 7/10, UBND Tp.HCM tổ chức họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, đại diện ngành Giáo dục Tp.HCM cho biết về thực tế việc dạy và học trực tuyến hiện nay và kế hoạch cho phép dạy và học trực tiếp trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM thông tin: “Ngành Giáo dục Tp.HCM đang chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc thực hiện giảng dạy trực tiếp sau khi dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát”.

Trong số 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng cho công tác phòng chống dịch, đến nay có khoảng 150 trường đã kết thúc nhiệm vụ, giao về cho ngành Giáo dục để các đơn vị thực hiện phục hồi, sửa chữa, khử khuẩn phục vụ công tác giảng dạy trực tiếp.

“Nhiều cơ sở khác trên địa bàn nhiều ngày không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Các đơn vị y tế đang thực hiện điều trị cuốn chiếu để giữa tháng 11 có thể hoàn tất nhiệm vụ phòng, chống dịch và bàn giao lại cho ngành giáo dục”, ông Hiếu nói.

Người đứng đầu Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng cho biết, dự kiến, từ đầu tháng 1/2022, khi các học sinh bước vào học kỳ II, Tp.HCM sẽ thực hiện dạy và học trực tiếp trở lại.

Hiện nay, huyện Cần Giờ là địa phương đề xuất quay lại công tác dạy và học trực tiếp sớm nhất Tp.HCM. Cụ thể, UBND huyện Cần Giờ đã có văn bản đề xuất cho 2 trường với hơn 240 học sinh và 60 giáo viên dạy - học trực tiếp từ ngày 11/10.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM tại họp báo ngày 7/10 về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tp.HCM.


Hiện tại, Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM đang kiểm tra và hướng dẫn 2 trường tại huyện Cần Giờ thực hiện các bộ tiêu chí an toàn, khắc phục lại một số nội dung chưa đạt và thành lập đội phòng, chống dịch Covid-19 tại chỗ nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh.

Đối với công tác giảng dạy trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, hiện nay, ở cấp tiểu học, Tp.HCM còn hơn 30.000 em ở các tỉnh, thành khác.

Trong đó, hơn 26.000 học sinh đã đăng ký học trực tuyến và hơn 5.000 em chưa có thiết bị, phải học tạm ở các trường thuộc tỉnh, thành khác.

Trải qua những tuần học trực tuyến đầu tiên, Tp.HCM ghi nhận tỉ lệ học sinh tham gia học tập ở mức cao là 99% học sinh cấp THPT đã đăng ký học trực tuyến. Tỉ lệ này ở cấp THCS và tiểu học là hơn 97%.

Trước đó, vào 5/10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã trình UBND Tp.HCM về Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học, cho các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống...

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại cơ sở giáo dục gồm 10 tiêu chí thành phần. Ở mỗi tiêu chí được chấm điểm "đạt" hoặc "không đạt". Đây là điểm mới khi dự thảo trước đưa ra thang điểm 10.

Nếu cơ sở giáo dục đạt 8-10 tiêu chí thành phần, tức là mức độ an toàn cao thì cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học.

Đạt 6-7 tiêu chí thành phần - mức độ an toàn thì cơ sở giáo dục cũng được tổ chức hoạt động dạy học và trong vòng 48h phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 8 tiêu chí thành phần.

Đạt dưới 6 tiêu chí thành phần- chưa đảm bảo an toàn, cơ sở giáo dục không được tổ chức hoạt động dạy học và phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 6 tiêu chí thành phần mới được tổ chức hoạt động dạy học.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Nguồn tin: nguoduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP