TP Hà Tĩnh

TP Hà Tĩnh: Chủ nợ kéo đến phá cửa, xiết nợ giữa ban ngày

Trưa 14/11/2012, nhiều người đã kéo đến ngôi nhà 293 tổ 1, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh, phá khóa, đột nhập vào nhà lấy hết toàn bộ tài sản bên trong. Xác định ban đầu, đây là những người đã cho chủ nhà vay tiền, tới để xiết nợ.

            >>    TP Hà Tĩnh: Đổ xô đến nhà con nợ lấy tài sản

Hiện trường vụ xiết nợ diễn ra hết sức lộn xộn. Nhiều chủ nợ đã mang phương tiện là xe tải nhỏ, búa, tuốc nơ vít, kìm để đột nhập vào trong ngôi nhà. Thậm chí những người này còn tìm cách leo lên tầng hai từ ngôi nhà bên cạnh để vào trong khuân tài sản. Hơn 20 phút sau, các chủ nợ đã khoắng tất cả những tài sản có giá trị như quạt, tủ trang điểm, cánh cửa, két sắt, bình nóng lạnh, thậm chí là nệm giường… chất lên hai chiếc xe tải đợi sẵn. Chỉ đến khi lực lượng Công an phường Trần Phú có mặt, những người này mới bỏ đi cùng với hai chiếc ô tô chở đồ đạc. Trong khi đó, một số đối tượng trèo cả lên ngôi nhà bên cạnh để đột nhập vào tầng 2 của ngôi nhà số 293, tổ 1, phường Trần Phú để khoắng tài sản. Một lãnh đạo Công an phường Trần Phú cho biết, ngôi nhà này thuộc sở hữu của vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Trúc (hiện đang làm hợp đồng với công ty Dược Hà Tĩnh).

Hình ảnh xiết nợ tại số nhà 293 đường Trần Phú (Tổ 1, phường Trần Phú – TP Hà Tĩnh) năm 2011
“Từ nhiều ngày nay đã có rất nhiều đối tượng đến đây đòi nợ. Trong buổi tối ngày 13/11, có một số người đến đòi nợ có hành vi quá khích, dùng dao chém vỡ tủ kính, lực lượng công an đã có mặt và mời về công an phường giải quyết. Thế nhưng do gia đình chị Trúc không hợp tác với cơ quan công an nên rất khó xử lý” – một vị cán bộ Công an phường Trần Phú thông tin thêm.
Được biết, Nguyễn Thị Thanh Trúc đang lâm vào cảnh vỡ nợ khá lớn. Riêng số tiền liên quan trực tiếp bị Lê Thị Tương, đối tượng công tác tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa bị CQĐT công an tỉnh này khởi tố, đã lên đến trên 17 tỉ đồng. Khi các chủ nợ đã bỏ đi, một hàng xóm cho PV biết, có nhiều người đi trên một chiếc ô tô mang biển kiểm soát phía Bắc đã đến nhà này và đưa con nợ Nguyễn Thị Thanh Trúc đi.
Luật xưa:  Người đòi nợ phải có đơn trình báo trước khi đến xiết nợ
Trong thời kỳ cổ xưa khi xã hội chưa có nhiều định chế để giải quyết các vụ tranh chấp giữa các cá nhân với nhau nên mỗi khi quyền lợi của cá nhân bị xâm phạm, các cá nhân được tự ý trừng phạt lẫn nhau hoặc bắt đối phương làm nô lệ, hay tước đoạt tài sản của họ. Đây là chế độ tư nhân phục cừu. Dấu ấn của chế độ này còn lưu lại trong một số điều của hai Bộ luật Hồng Đức và Luật Gia Long. Theo Điều 591 Bộ luật Hồng Đức thì: “Người đòi nợ không trình quan mà tự ý bắt đồ đạc, của cải của người mắc nợ, nếu quá số tiền trong văn tự thì xử phạt 80 trượng, tính những của cải ấy trả cho người có nợ, còn thừa thì trả cho người mắc nợ”. Như vậy, Bộ luật Hồng Đức cho phép bắt đồ đạc để trừ nợ nếu việc trừ nợ không quá số tiền cho vay. Hạn chế này của Bộ luật Hồng Đức nhằm loại trừ sự tự tiện của chủ nợ trong việc chiếm đoạt tài sản của con nợ để bù vào số tiền cho vay.
Trong Bộ luật Gia Long, Điều 134 cũng đề cập đến vấn đề này nhưng rõ rệt hơn. Bộ luật Gia Long cấm các chủ nợ không được tự tiện bắt gia súc hay tài sản của con nợ và cũng không được bắt thân nhân của họ làm nô tỳ. Ngoài ra, người gây thiệt hại cũng phải nộp một số tiền chuộc để tránh sự trả thù.
Từ các quy định viện dẫn trên chứng tỏ chế độ tư nhân phục cừu đã xuất hiện ở Việt Nam. Có thể nói rằng đây là manh nha của chế độ trách nhiệm dân sự cho dù không có điều khoản nào của hai Bộ luật trên nói đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cả .
Như vậy, trong vụ việc trên, chiếu theo những quy định của pháp luật thời xưa thì các đối tượng kéo đến nhà của con nợ mục đích lấy đồ đạc xiết nợ là chưa thỏa đáng. Mặc dù luật xưa cho phép lấy đồ đạc để xiết nợ nhưng không được lấy quá số tài sản cho phép. Trước khi đến xiết nợ phải trình báo lên cơ quan chức năng.
TƯỜNG LINH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP