Giáo dục

Tốt nghiệp đại học nhận lương trung cấp

Những quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trong thông tư liên bộ 20 - 21 - 22 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đang khiến giáo viên chịu thiệt thòi.

Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Dù tốt nghiệp ĐH nhưng dạy mầm non hoặc tiểu học cũng chỉ nhận mức lương khởi điểm của giáo sinh tốt nghiệp trường trung cấp.

Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng Giáo dục Q.4 (TP.HCM), lý giải theo quy định mới, giáo viên (GV) có 4 phân hạng chức danh nghề nghiệp, mỗi hạng ứng với yêu cầu và bậc lương khác nhau. Trong đó, để được xếp hạng II hoặc III, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, còn có các yêu cầu khác như chứng chỉ bồi dưỡng GV hạng II, III hoặc được công nhận là chiến sĩ thi đua hoặc GV dạy giỏi.

Trong khi đó, phần lớn GV trúng tuyển đều có trình độ ĐH hoặc CĐ, thậm chí cả thạc sĩ nhưng vì không đáp ứng được các điều kiện trên nên phải chịu xếp hạng bậc lương thấp nhất. Có nghĩa, nếu là GV mầm non hoặc tiểu học, dù tốt nghiệp ĐH cũng chỉ nhận lương theo khung lương của bậc học đó, tức bằng GV tốt nghiệp trung cấp sư phạm với hệ số lương khởi điểm chỉ 1,86. Trong khi đó, nếu được xếp hạng II thì GV được hưởng hệ số lương khởi điểm là 2,34.

Một cán bộ phụ trách công tác tuyển dụng phân tích thêm: “GV mới ra trường đạt được các tiêu chuẩn về trình độ nhưng lại không đạt được tiêu chí theo quy định thông tư về thành tích chiến sĩ thi đua, GV giỏi, số năm công tác nên phải xếp vào hạng thấp nhất. Khi đủ điều kiện thì mới xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhưng để đạt chiến sĩ thi đua và GV giỏi không phải ai cũng được do khống chế tỷ lệ. Điều này đã cào bằng trình độ đầu vào, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao”. Vị này so sánh: “Thông tư quy định về tiêu chuẩn mã ngạch của lĩnh vực khác không quy định ràng buộc về thành tích, số năm công tác như thông tư của ngành giáo dục”.

Cần ban hành quy chế thành lập hội đồng tuyển dụng

Bài Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên? đăng trên Báo Thanh Niên ngày 18.9 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng xét về mặt cơ bản thì việc tuyển dụng GV hiện nay cũng dựa trên cơ sở từ các trường. Việc giao hẳn quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng chỉ là nhấn thêm một bước. Tức là quy về một mối. Vậy để việc chuyển giao này đạt hiệu quả thì các cơ quan liên quan phải ban hành quy chế thành lập hội đồng tuyển dụng, xác định thành viên tham gia hội đồng. Để khách quan thì hội đồng tuyển dụng nên có những chuyên gia ngoài trường để đánh giá. Đặc biệt, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan liên quan và đưa ra chế tài phù hợp đối với người được giao quyền nhưng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc cố ý làm trái.

Ông Hà Hữu Thạch (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) cho biết: “Việc trao quyền tuyển dụng GV cho hiệu trưởng nếu muốn khả thi thì nên làm thí điểm ở một số trường có đầy đủ các năng lực thực hiện chứ không nên thực hiện đồng loạt ngay. Đồng thời Sở Nội vụ, phòng tổ chức cán bộ phải có những hướng dẫn cụ thể, xuyên suốt quá trình thực hiện. Mặt khác, phải đặt ra những yêu cầu tối thiểu cho hiệu trưởng khi trao quyền như quy định cụ thể về uy tín, cái tâm với nghề, có sự quyết đoán chính xác… Ngoài ra, hiệu trưởng cũng phải đưa ra được kế hoạch chiến lược phát triển trường chứ không đơn thuần chỉ là giao quyền. Để tránh việc hiệu trưởng lạm quyền, đưa tình cảm cá nhân vào trong quá trình tuyển dụng thì cần có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan lãnh đạo cấp trên để kịp thời có những điều chỉnh, xử lý”.

Lam Ngọc

Tác giả: Bích Thanh

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP