Tin trong nước

Tổng thư ký Quốc hội: ‘Bầu hộ là vi phạm pháp luật’

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chiều 20/5, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị người dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu cơ quan quyền lực cao nhất vì đây là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân với đất nước, không nên bầu hộ, bầu thay.

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho hay, việc bỏ phiếu hộ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ.

“Luật không cho phép bầu hộ, bầu thay nên nếu làm vậy là vi phạm quy định của pháp luật và tùy theo từng mức độ để xử lý”, ông Phúc nói.

tong-thu-ky-quoc-hoi-bau-ho-la-vi-pham-phap-luat

Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Giang Huy.

Về danh sách cử tri, ông Phúc cho hay, đến nay tổng số tổ bầu cử trong cả nước là trên 91.000, tổng số cử tri gần 70.000.000.

Việc thực hiện lời hứa của ứng viên trước cử tri khi đi vận động bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, trong một năm các đại biểu có 4 lần tiếp xúc cử tri (trước và sau kỳ họp) để báo cáo những việc đã làm và hoạt động trên nghị trường. Bên cạnh đó, cử tri có thể theo dõi các phiên họp được truyền hình trực tiếp để có thể giám sát đại biểu.

Ông Phúc cho biết, thời gian qua, Hội đồng bầu cử đã tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong đó nhiều đơn, thư không liên quan đến cuộc bầu cử; có nhiều đơn, thư nặc danh, nội dung không rõ ràng và trùng lặp, một số lợi dụng dịp bầu cử để khiếu nại, khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây.

“Hầu hết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố”, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, theo đề nghị của 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu sớm. Đến 20/5, cả nước đã có một số khu vực thuộc các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Khánh Hòa, Đăk Lăk bỏ phiếu trước ngày bầu cử.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ông Trần Văn Túy thông tin thêm, đến nay trong tất cả 870 ứng viên công bố đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Việc vận động bầu cử đều công khai, minh bạch nên chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của cử tri, nhân dân đối với các ứng viên. “Hãy tin tưởng sự sàng lọc, nhận xét, đánh giá theo quy trình rất chặt chẽ của ủy ban bầu cử các cấp và Hội đồng bẩu cử quốc gia”, ông Túy bày tỏ.

Ngày 22/5, gần 70 triệu cử tri sẽ đi bầu 500 đại biểu Quốc hội; gần 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh; gần 25.000 đại biểu HĐND cấp huyện; trên 294.000 đại biểu HĐND cấp xã.

Trả lời phản ánh của phóng viên về việc mấy ngày gần đây những tin nhắn có từ “bầu cử” không gửi được, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: “Chưa có thông tin về việc các nhà mạng chặn tin nhắn có từ bầu cử. Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay sau đây”.

Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, cả nước đã thành lập 63 ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 712 ủy ban bầu cử cấp huyện; 11.162 ủy ban bầu cử cấp xã; 184 ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.096 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 6.721 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 79.988 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; 91.476 tổ bầu cử.

Võ Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP