Trong nước

Tổng biên tập cơ quan báo chí sẽ là Tổng giám đốc?

Tổng biên tập sẽ được gọi là Tổng giám đốc trong các cơ quan báo chí đó là điểm mới của dự án luật Báo chí sửa đổi. Sự thay đổi này nhận được sự quan tâm của dư luận đặc biệt là những người làm báo

Tổng biên tập sẽ được gọi là Tổng giám đốc trong các cơ quan báo chí đó là điểm mới của dự án luật Báo chí sửa đổi. Sự thay đổi này nhận được sự quan tâm của dư luận đặc biệt là những người làm báo, báo Người Đưa Tin đăng tải quan điểm của các lãnh đạo một số cơ quan báo chí cùng bàn luận về vấn đề này.

Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay

Nếu thay tên nhưng mô hình hoạt động cũ thì vô nghĩa

Đó là cách đặt vấn đề rất thẳng của ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày nay khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo Người Đưa Tin.

P. V: Dự thảo Luật Báo chí bổ sung Điều 27. Theo đó, người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc. Theo ông việc đổi tên như vậy có cần thiết hay không?

Ông Lưu Quang Định: Qua nghiên cứu Dự thảo luật Báo chí mới, tôi thấy Ban soạn thảo đã bổ sung thêm nhiều nội dung, quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của nhà báo; quy định rõ về Quyền tự do báo chí; trách nhiệm trả lời báo chí… Về cơ bản, tôi đồng tình với bố cục, cách xây dựng dự thảo luật, các quy định cụ thể được nêu ra trong dư thảo luật.

Về các nội dung cụ thể, trong đó có quy định mới là: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc, Giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc”, theo quan điểm của tôi là phù hợp với điều kiện phát triển của báo chí trong tình hình hiện nay.

Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí chính là sự gia tăng số lượng các đầu báo, các ấn phẩm. Trước đây, mỗi cơ quan báo chí thường chỉ có tối đa 1- 2 ấn phẩm, chủ yếu là báo giấy, còn hiện nay đã không gói gọn như thế. Một cơ quan báo chí có thể có 7- 10 tờ báo, rồi còn phát triển báo điện tử, truyền hình, báo nói… Ngoài hoạt động báo chí, nhiều đơn vị còn tổ chức sự kiện, tổ chức hội thảo, hội nghị, các hoạt động tư vấn, thậm chí là tổ chức kinh doanh… Tóm lại, xu thế phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Nông thôn Ngày nay.

Chính vì thế, nếu tên gọi của người đứng đầu cơ quan báo chí chỉ là Tổng Biên tập thì e rằng chưa bao quát hết nội dung quản lý của đồng chí đó, cũng như hoạt động của cơ quan báo chí đó. Vì thế, việc đổi thành thành Tổng giám đốc, theo quan điểm cá nhân tôi là phù hợp… Tuy nhiên, từ sự thay đổi tên gọi cho đến việc thay đổi bản chất bên trong của tên gọi này, lại phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân lãnh đạo và cơ quan báo chí đó. Nếu thay tên nhưng mô hình hoạt động vẫn như cũ, không có sự đổi mới hoạt động thì đúng là không có ý nghĩa.

Tổng biên tập cơ quan báo chí sẽ là Tổng giám đốc? - Ảnh 1

Ông Lưu Quang Định- Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay

P.V: Việc đổi tên gọi khiến các cơ quan báo chí phải thay đổi lại con dấu và kéo theo nhiều vấn đề hành chính khác cũng sẽ gây lãng phí không cần thiết? Một số nhà báo cho rằng việc đổi tên gọi chỉ là tiểu tiết, quan điểm của ông về điều này như thế nào?

Ông Lưu Quang Định: Các cơ quan báo chí hiện đang phải vật lộn để tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, khó khăn. Một trong những giải pháp đó là tái cấu trúc bộ máy, nội dung, kể cả việc không loại trừ khả năng “lấn sân” thêm một số lĩnh vực hoạt động khác. Đương nhiên, sự “lấn sân” này nếu có vẫn phải bảo đảm đúng mục đích, tôn chỉ hoạt động của cơ quan báo chí đó. Thay đổi tên gọi cũng là cách để hỗ trợ các hoạt động tốt hơn.

Cùng với việc thay đổi tên gọi, đương nhiên sẽ kéo theo rất nhiều sự thay đổi khác, trong đó có sự thay đổi về hành chính. Ở đây, tôi chỉ xin nói rằng, có những thay đổi mà không giúp cho tờ báo phát triển thì có lãng phí rất nhỏ, chỉ vài trăm ngàn đồng, chúng ta cũng không chấp nhận. Nhưng có những sự thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí bứt phá, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ công tác đối ngoại của cơ quan… thì dù có tốn kém một khoản kinh phí nằm trong khả năng cho phép, chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận.

Nhân nói về câu chuyện này, cách đấy mấy năm khi Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục, trong đó có việc đổi tên trường cấp 3 là Trung học phổ thông sang Trung học cơ sở, rồi cấp 2 sang Trung học cơ sở, cũng có khá nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Nhưng sau mấy năm thực hiện đổi tên, chúng ta thấy việc này cũng có nhiều mặt tích cực, nhất là chuẩn hóa tên gọi cho phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập. Đương nhiên, giáo dục và báo chí là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu đổi tên mà mang lại hiệu quả thì chúng ta nên ủng hộ.

P.V: Ông có cho rằng, việc xây dựng luật quan trọng hơn cả là tạo ra hành lang pháp lý cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Bởi vậy, luật nên chú trọng vào việc bảo vệ phóng viên khi bị cản trở, hành hung trong quá trình thu thập thông tin?

Ông Lưu Quang Định: Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua theo dõi có thể thấy ngày càng xảy ra nhiều vụ hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp, trong khi tỷ lệ xử lý lại rất thấp.

Tôi nhớ, tại một diễn đàn về vấn đề này vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội có đưa ra còn số rất đáng quan ngại: Số vụ việc các nhà báo, phóng viên bị đe dọa, hành hung được xử lý chỉ chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số vụ xảy ra được báo chí nêu ra. Như năm 2013, có 32 vụ việc với hơn 40 phóng viên, nhà báo thì chỉ có 7/32 vụ có thông tin xử lý. Năm 2014 có 16 vụ đe dọa, hành hung nhà báo được thông tin trên báo chí, chỉ có 2/16 vụ đó được xử lý. Báo Nông thôn Ngày nay cũng có nhiều vụ việc như vậy, như năm 2014 có phóng viên bị xã hội đen hành hung khi tác nghiệp về cát lậu ở Quảng Ngãi; trước đó phóng viên của báo cũng bị đánh, phá máy ảnh khi tác nghiệp tại một vụ tai nạn giao thông ở TP. Cần Thơ.

Nêu những thống kê trên để thấy việc nhà báo bị hành hung đang là câu chuyện lớn, gây bức xúc của xã hội. Qua nghiên cứu cho thấy, Dự thảo Luật báo chí đã có các chương, điều luật về bảo về báo chí tác nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, như thế vẫn chưa đủ. Nếu không coi tác nghiệp của nhà báo là hoạt động thực thi công vụ như nhiều đề xuất trước đây, thì Dự thảo Luật Báo chí phải có các quy định cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn trong bảo vệ nhà báo. Các quy định về vấn đề này còn quá chung chung.

Dự thảo luật phải tạo được hành lang pháp lý cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, cũng như có đề ra các giải pháp bảo vệ nhà báo tác nghiệp. Bên cạnh đó, khi xảy ra các vụ việc nói trên, phía cơ quan báo chí cũng phải vào cuộc quyết liệt bảo vệ phóng viên của mình. Bản thân nhà báo cũng phải học hỏi các kỹ năng để bảo vệ mình trong những hoàn cảnh nhất định.

P.V: Dự luật Báo chí sửa đổi cũng cần quy định rõ việc các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân phối hợp cung cấp thông tin kịp thời, khách quan cho báo chí. Hiện nay, nhiều cơ quan cố tình “né” báo chí khiên việc tiếp cận thông tin chính xác, khách quan khó khăn, đôi khi dẫn đến thông tin sai lệch. Ông có thể cho biết quan điểm của cá nhân ông vấn đề này?

Ông Lưu Quang Định: Việc từ chối trả lời báo chí, nhất là các vụ việc nhạy cảm, chống tiêu cực đúng đúng là thường xuyên xảy ra. Nghịch lý ở chỗ, khó nhất trong tác nghiệp là tìm, khai thác thông tin nguồn, thông tin cơ sở thì phóng viên làm được. Nhưng khi hỏi lên cấp cao hơn, là những nơi về nguyên tắc phải có trách nhiệm trả lời những vụ việc đó, thì lại né tránh, từ chối. Giải quyết điều này, chúng ta cũng đã xây dựng Quy chế về phát ngôn, nhưng qua mấy năm thực hiện cho thấy hiệu quả của việc này không cao. Tình trạng cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương từ chối trả lời các vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng vẫn rất phổ biến.

Có lẽ nhận thấy những bất cập như thế, tại Mục 1, Điều 39 về Trả lời trên báo chí, Dự thảo Luật Báo chí quy định: Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu trên báo chí; cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

Quy định này nghe qua thì thấy rất mới, tạo ra sự dân chủ trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, quyền yêu cầu là quyền gì? Trách nhiệm trả lời là trách nhiệm gì? Những quy định này rất mơ hồ, không rõ. Nếu không quy định cụ thể, làm rõ các khái niệm trên trong Dự thảo Luật, tôi e rằng sẽ tiếp tục lặp lại những bất cập của Quy chế về phát ngôn trước đó.

Do đó, quan điểm của tôi là, đang có sự từ chối, né tránh trả lời báo chí và để giải quyết vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu trả lời. Còn nếu không quy định rõ, đề nghị bỏ Điều 39 như quy định trong dự thảo luật. Chúng ta không nên quy định một điều luật mà sự ràng buộc về mặt pháp lý là không có, không mang lại hiệu quả công việc cho chính đối tượng đã và đang bị điều chỉnh bởi dự án luật này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Thành Phong, Nhà văn, Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội:

Gọi Tổng Biên tập là Tổng Giám đốc sẽ làm giảm sức mạnh của báo chí?

Cách gọi Tổng Biên tập là Tổng Giám đốc, Giám đốc biến cơ quan báo chí trong nhận thức của người đọc là một tổng công ty hay một công ty, là kinh doanh thuần tuý. Báo chí mất đi cái thiêng liêng, như bị hạ thấp sứ mệnh, và như vậy vô hình trung, làm giảm sức mạnh của báo chí. Ông Nguyễn Thành Phong, Nhà văn, Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội chia sẻ:

  Tổng biên tập cơ quan báo chí sẽ là Tổng giám đốc? - Ảnh 2

Ông Nguyễn Thành Phong- Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội

Theo tôi, Luật Báo chí mới đưa Điều 27 vào là phù hợp với thực tế phát triển của báo chí hiện đại. Báo chí hiện nay đã thay đổi rất nhanh so với mười lăm, hai mươi năm trước đây. Điều này của dự thảo luật mới đã bao hàm các kết cấu tổ chức mới của cơ quan báo chí như hình thức tập đoàn và báo chí đa phương tiện. Việc luật hoá các chức danh cấp dưới người đứng đầu, dưới cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí là các nhân sự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm, các kênh, chuyên trang, chương trình trong một cơ quan báo chí là tăng thẩm quyền và trách nhiệm của họ, tạo hành lang pháp lý rộng hơn cho phát triển, cho quản lý.

Điều tôi băn khoăn là tên gọi. Tổng Biên tập hiện nay sẽ được gọi là Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng biên tập được gọi là Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc thì không phù hợp. Thứ nhất, nó biến cơ quan báo chí trong nhận thức của người đọc là một tổng công ty hay một công ty, là kinh doanh thuần tuý. Báo chí mất đi cái thiêng liêng, như bị hạ thấp sứ mệnh, và như vậy vô hình trung, làm giảm sức mạnh của báo chí. Thứ hai, theo quy định này thì sẽ xuất hiện thêm có khi đến mấy ngàn tổng biên tập nữa, khéo… loạn tổng biên tập mất…

Theo tôi, chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí vẫn nên gọi là Tổng Biên Tập như hiện nay, có thể thêm nhiều Phó Tổng Biên tập hoặc đưa vào luật hoá chức danh Tổng Thư ký, Thư ký toà soạn như báo Đời sống & Pháp luật đề xuất. Và cũng không cần đưa vào luật việc hiệp y chức danh này mà vẫn giao quyền tự chủ trong bổ nhiệm, đề bạt như hiện nay.

Nếu thay đổi, có tên gọi phù hợp thì việc đổi con dấu, thay đổi hành chính là cần thiết, và chi phí cũng đáng kể cho cả một quá trình phát triển sau này. Tuy nhiên, như tôi đề xuất ở trên thì không còn phát sinh vấn đề này nữa.

Về việc bảo vệ nhà báo, phóng viên tác nghiệp là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, Luật Báo chí thì chỉ nên nêu chung nhất thôi, không nên quy định cụ thể. Những vấn đề này đã có những chế tài khác trong các luật khác quy định rồi, ví dụ như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự chẳng hạn. Hơn nữa, trong các vụ việc đã xảy ra, tôi cho rằng các phóng viên, nhà báo bị hành hung, bị ngăn cấm vô lý, cũng có một phần lỗi.

Nếu họ phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, nghiên cứu kỹ và dự đoán tốt tình huống thì họ sẽ tránh được, hoặc hạn chế thấp nhất nguy cơ này. Nhà báo khi tác nghiệp những vấn đề chống tiêu cực, lao vào hiện trường “nóng” cần phải có thêm nhiều kỹ năng, hiểu biết, tâm lý, ứng xử để vừa đảm bảo tác nghiệp, vừa bảo vệ được chính mình và đồng nghiệp, thậm chí bảo vệ được cả đối tượng nữa.

Việc cung cấp thông tin cho báo chí đòi hỏi nhiều nhận thức, nhất là thái độ chủ động, tin cậy của các đối tượng phải hoặc cần cung cấp thông tin đối với báo chí. Báo chí cũng phải tạo được uy tín và lòng tin đối với họ. Quy định vào luật không thể cụ thể quá. Theo tôi, nếu cần thì sẽ được chế tài ở các văn bản dưới luật như nghị đinh, thông tư, hay thông tư liên bộ. Nhưng tôi nhấn mạnh, có quy định thế nào thì cũng không thể có tác động nếu báo chí không có uy tín, không tạo được lòng tin, báo chí trở thành kẻ chuyên bới móc và vụ lợi.

Phạm Hạnh- Trần Chung/ Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP