Cộng đồng mạng

Tình yêu hóa mong manh vì chênh lệch học thức

Dẫu biết rằng khi sống trong tình yêu thì người ta sẽ không để tâm quá nhiều đến điều kiện, học thức của đối phương. Nhưng xét ở một khía cạnh nào đó thì những điều nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình nếu tiến tới hôn nhân.

Trên mạng xã hội dạo này để ý mới thấy các bạn trẻ thường bàn tán về hôn nhân chênh lệch học thức. Và liệu rằng có nên bỏ qua “rào cản” về học thức để giữ lấy tình yêu và cùng nhau vun vén hạnh phúc?

Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề giản đơn một chút nào. Bởi người ngoài cuộc bao giờ cũng chẳng bao giờ hiểu được tường tận mọi vấn đề mà người trong cuộc đang gặp phải.

Có duyên mới gặp, có nợ mới bên nhau (Ảnh minh họa: Dương Minh Vương)

Một cô gái đăng đàn hỏi ý kiến về việc có nên tiến tới hôn nhân chênh lệch học thức, hay chăng chọn đường ai nấy đi để cả hai có cơ hội tìm người phù hợp và hạnh phúc mới? Cả thanh xuân họ đã đi cùng nhau, người con trai ấy không ngần ngại gian khổ để chăm lo, quan tâm cho cô gái mà anh yêu. Tôi cá rằng anh ấy đã hạnh phúc biết bao nhiêu khi vun đắp niềm tin về một ngôi nhà nhỏ và những đứa trẻ cùng tiếng cười với người yêu.

Nhưng cuộc đời không đẹp đẽ như giấc mơ, những bất đồng quan điểm, những suy nghĩ trái chiều nhau đã dần đẩy họ ra xa, khoảng cách ngày càng lớn dần. Điều cần xảy đến cuối cùng cũng không tránh khỏi vụn vỡ, họ chia tay.

Đến đây sẽ có nhiều người cho rằng cô gái là người mang “trái tim khuyết tật” không chút xúc cảm khi nhẫn tâm buông bỏ chàng trai đã dành cho cô cả thanh xuân. Mỗi người một quan điểm, duy chỉ có người trong hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu tất cả.

Chia tay ai không buồn, dù ai nói lời chia xa thì cũng đều quặn thắt trái tim. Bởi vậy, đừng bao giờ phán xét bất cứ ai khi bạn chỉ đứng ngoài câu chuyện của người ta. Tình yêu ba năm hay mười năm thì khi tan vỡ cũng đều mặn đắng nước mắt, nguyên do chia lìa lúc đó chẳng hề quan trọng nữa.

Tất nhiên, khi thật tâm yêu thương một ai đó thì bạn sẽ không còn để tâm quá nhiều đến vấn đề học thức, nhưng khoảng cách giữa yêu và kết hôn lại là một khía cạnh khác.

Hôn nhân là chuyện trọng đại cả đời người, thứ tình cảm sơ khởi của lần đầu tiên biết yêu bao giờ cũng đẹp đẽ và ngọt ngào, bởi thế chúng ta thường nghĩ nhất định sẽ cưới nhau.

Nhưng cuộc đời chẳng nói trước được điều gì cả, cuộc sống vốn dĩ có rất nhiều điều đáng lo, yêu thôi thì chẳng thể đủ để đi đến cuối hành trình dài dằng dặc ấy.

Yêu đôi khi chưa đủ để tiến tới hôn nhân... (Ảnh minh họa: Dương Minh Vương)

Có ai đó đã từng nói rằng, yêu đôi khi chỉ là điều kiện cần để tiến tới hôn nhân, nhưng tính cách, học thức, quan điểm sống sẽ là điều kiện đủ để phù hợp với một mối quan hệ lâu bền. Bởi cuộc sống hôn nhân sẽ gắn với những vấn đề cơm áo gạo tiền, điều này đôi khi khiến kẻ mộng mơ phải vỡ tan giấc mộng màu hồng khi yêu.

Nói thế không có nghĩa rằng khi yêu không được mơ tưởng đến tương lai cùng người ấy. Đến một độ tuổi nhất định nào đó, trước khi bắt đầu một mối quan hệ người ta không vì những xúc cảm đơn thuần ban đầu hay vì cô đơn mà chấp nhận tựa đại một bờ vai, nắm đại một bàn tay.

Dù sao đi nữa thì mỗi người đều biết cách cân bằng cuộc sống và chọn lựa con đường tốt nhất cho bản thân mình. Dù từng đau vì yêu, từng đứt gãy nhân duyên giữa một đoạn đường tuổi trẻ nồng nhiệt thì đến cuối cùng ai cũng đều xứng đáng có được hạnh phúc.

Chênh lệch học thức đôi khi sẽ là nguyên nhân chính khiến một mối quan hệ đi đến rạn vỡ rồi chia lìa là điều khó tránh khỏi.

Nếu tình yêu không đủ lớn để vượt qua tất cả thì ngay từ ban đầu tốt nhất đừng gây thương nhớ để rồi nước mắt ướt mãi ngày sau...

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tác giả: Thi Thi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP