Kinh tế

Tình trạng doanh nghiệp sử dụng 2 bảng lương vẫn diễn ra ở nhiều nơi

Để đối phó với cơ quan quản lý, trốn đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng với mức thấp nhiều doanh nghiệp đang tồn tại tới 2, 3 bảng lương.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng 2, 3 bảng lương để đối phó với cơ quan quản lý

Đánh giá về việc thực hiện chính sách tiền lương trong Bộ luật Lao động 2012, nhiều chuyên gia cho rằng, sau 3 năm triển khai chính sách này đang bộc lộ một số bất cập, trong đó có việc doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương chỉ để đối phó, không phản ánh đúng thu nhập của người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tình trạng doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản để trốn đóng bảo hiểm xã hội (đóng với mức thấp) diễn ra khá phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp đang tồn tại 03 loại lương: lương tham gia bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ chính sách, lương để quyết toán thuế, lương thực chi cho người lao động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn tới lương hưu sau này của người lao động.

Với thang bảng lương dùng để tham gia BHXH, doanh nghiệp chỉ ghi mức lương của người lao động ngang bằng hoặc cao hơn từ 5-7% so với mức lương tối thiểu. Do đó, mức lương theo kiểu này chỉ bằng khoảng 30-50 % tiền lương thực tế của người lao động.

Ở không ít doanh nghiệp, người lao động không được nâng bậc lương, chỉ khi nào mức lương tối thiểu vùng tăng thì người lao động mới được tăng theo tỷ lệ tương ứng hoặc theo một mức cố định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương như vậy thì lương hưu sau này của này của người lao động thấp là không tránh khỏi.

Từ thực tiễn này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, cần tăng cường sự minh bạch và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh để không cho phép tồn tại tình trạng 2, 3 bảng lương tại doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Thêm vào đó, cần nâng cao trách nhiệm giám sát, trong đó có trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở. Theo quy định hiện nay, việc xây dựng thang, bảng lương phải lấy ý kiến công đoàn.

Tuy nhiên, vai trò thực tế của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc đàm phán thỏa ước lao động tập thể nói chung, thỏa thuận lương bổng nói riêng là rất hạn chế.

Hiện nay, công đoàn do người sử dụng lao động trả lương để duy trì hoạt động. Nhân sự làm công tác công đoàn hầu như do chủ doanh nghiệp lựa chọn. Như vậy, khả năng bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động của tổ chức công đoàn là không cao.

Tác giả: An Nhiên

Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô

  Từ khóa: bàng lương , doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP