Việt Nam

Tình hình biển Đông có thể sẽ nguy hiểm hơn

PGS-TS Đỗ Tiến Sâm đánh giá việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 với nhiều tàu, máy bay hộ tống là nhắm tới nhiều mục đích khác nhau.

Trao đổi về tình hình biển Đông và sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa của Việt Nam, PGS – TS Đỗ Tiến Sâm – Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc nhận định:

Nhập mô tả cho ảnh

– Tôi cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 có thể dịch chuyển xuống phía đảo Gạc Ma – Trường Sa. Ở đây Trung Quốc đang xây sân bay, có cơ sở quân sự bảo vệ, có hậu cần cho giàn khoan. Hoặc có thể sau mấy tháng sóng gió các thiết bị hậu cần phải bảo dưỡng, Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan về điểm xuất phát.

Một phương án khác, Trung Quốc có thể đưa một giàn khoan nhỏ để thay thế. Sau đó, khi xây xong sân bay và cơ sở hạ tầng, có thể họ sẽ công bố vùng nhận diện phòng không. Lúc đó, vấn đề trở nên nguy hiểm hơn.

– Thưa ông, Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của ta chắc chắn không chỉ để thăm dò dầu khí mà nhằm mục đích gì khác?

– Dĩ nhiên, Trung Quốc nói đưa giàn khoan vào là để thăm dò dầu khí, nhưng ẩn chứa bên trong nhiều mục đích khác. Mục tiêu chính, mục tiêu lâu dài hiện nay của Trung Quốc là kiểm soát biển Đông.

Có người nói là khống chế biển Đông, độc chiếm là không thể, nên có người nói là độc chiếm biển Đông, tôi nghiêng về phía là kiểm soát biển Đông, biến biển Đông làm bàn đạp để tiến ra Thái Bình Dương. Trung Quốc muốn tiến ra Thái Bình Dương chắc chắn phải có biển Đông để làm bàn đạp.

Trước mắt, Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò mà họ đã tuyên bố. Họ cũng muốn kiểm soát được các tàu của Mỹ qua lại các cảng của Philippines. Quan trọng nữa là tác động về chính trị. Họ muốn xem phản ứng của lãnh đạo ta với âm mưu có thể phân hóa một phần nội bộ của ta.

Video

Sự hiện diện của vũ khí Trung Quốc trên Biển Đông

Số lượng tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam rất hùng hậu, trong đó có cả tàu và máy bay quân sự.

– Ông nhận định thế nào về tính chất của sự kiện giàn khoan Hải Dương 981?

– Đánh giá về tính chất của giàn khoan Hải Dương 981 cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói đây là sự kiện, có người nói đây là hành vi xâm lược. Nói là hành vi xâm lược là hành vi nặng nhất, nhẹ nhất là vụ việc. Cá nhân tôi cho đây là sự kiện. Sự kiện này Trung Quốc ngoài việc hiện thực hóa đường lưỡi bò, củng cố “cái chân” của họ ở biển Đông còn muốn thử phản ứng của Việt Nam, Asean và Mỹ…

– Qua nghiên cứu ông nhận thấy đối sách của Trung Quốc đối với Việt Nam, Asean và Mỹ được đề ra và thực hiện như thế nào?

– Với Mỹ, lãnh đạo mới lên của Trung Quốc chưa thể loại bỏ mà phải thừa nhận lợi ích của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Với Asean là phân hóa các nước Asean và chọn Indonesia là trục chính. Chưa bao giờ lãnh đạo của Trung Quốc lại đi nhiều nước Asean như bây giờ. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm Indonesia và có bài phát biểu rất đáng chú ý ở Quốc hội nước này.

PGS- TS Đỗ Tiến Sâm.
PGS – TS Đỗ Tiến Sâm.

Tại đây ông Tập Cận Bình phát đi thông điệp muốn hợp tác với Asean toàn diện. Còn với Việt Nam. Trung Quốc xác định dùng mấy giải pháp như: “lễ và lý”; nghĩa là vừa đối thoại hữu nghị, vừa củng cố chứng cứ pháp lý. “Lực và pháp”: nghĩa là vừa dùng vũ lực vừa cô lập tiến tới thuần phục Việt Nam.

– Ông có thể lý giải vì sao Trung Quốc lại gia tăng sức mạnh xuống hướng Nam?

– Nguyên nhân Trung Quốc tiến hành bành trướng xuống phía nam là do chênh lệch phát triển vùng giữa miền đông và miền tây. Miền Tây Trung Quốc có 350 triệu dân và miền này tiếp giáp với các nước Trung Á theo đạo Hồi khiến miền Tây Trung Quốc khó có thể phát triển được.

Miền Đông Trung Quốc muốn phát triển phải đi qua ASEAN để đi ra biển. Đó là hướng mà họ tập trung vào phát triển sức mạnh cứng – gia tăng sức mạnh quân sự bao gồm cả những loại tàu màu trắng, tàu màu xám. Tàu màu xám là lực lượng hải quân, tàu màu trắng là lực lượng chấp pháp trên biển với mục đích lâu dài là khống chế biển Đông.

– Chiến lược truyền thông của Trung Quốc về biển Đông đã được thực hiện như thế nào, phải chăng họ đang dùng chiêu bài “lộng giả thành chân”, mưa dầm thấm đất?

– Họ tăng cường nghiên cứu khoa học về biển đảo nói chung và biển Đông nói riêng. Phải nói là chưa bao giờ các nghiên cứu về biển đảo của Trung Quốc nói chung, và biển Đông nói riêng được tổ chức nhiều như hiện nay. Tôi có những số liệu về các bài viết, các công trình nghiên cứu mà thực chất chỉ là ngụy tạo, không đúng sự thật. Nhưng họ nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến trong dân chúng, thậm chí dịch ra tiếng Anh đưa ra nước ngoài, tạo dư luận, tạo chứng cứ pháp lý, chỗ dựa lịch sử, chỗ dựa pháp lý về vấn đề biển đảo.

Họ có điều kiện kinh tế đầu tư vào công tác tuyên truyền như thế thông qua phim ảnh, thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau để tuyên truyền.

Vì sao họ đặt vấn đề tuyên truyền như vậy? Qua theo dõi của chúng tôi thì họ đang kích hoạt, chuẩn bị cho dư luận trong nước, kích hoạt chủ nghĩa dân tộc chuẩn bị cho những bước leo thang nguy hiểm hơn. Đấy là chiêu thức của họ.

Xin cảm ơn ông.

Theo Phùng Nguyên – Du Nghĩa / Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP