Kinh tế

Tiểu thương chợ Kỳ Anh được hưởng nhiều ưu đãi

Để tạo sự đồng thuận trong quá trình chuyển đổi, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND TX. Kỳ Anh cùng chủ đầu tư chợ Kỳ Anh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, cam kết các khoản thu công khai cho các tiểu thương sau khi chuyển về.

>> Hà Tĩnh: Hàng trăm tiểu thương kéo về UBND tỉnh phản đối chợ mới

hatinh24h 01

Tiểu thương xem ki ốt tại chợ Kỳ Anh mới.

Dự kiến chợ Kỳ Anh sẽ đi vào hoạt động từ ngày 18/9/2015, những ngày qua tiểu thương tại hai chợ huyện cũ và chợ xép bày tỏ sự lo ngại về các khoản phí khi vào kinh doanh tại chợ và có hay không việc một số cá nhân đầu cơ ki ốt sau đó bán lại cho tiểu thương với mức giá cao, gây khó khăn cho họ.

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Chợ Kỳ Anh cũ vì không đảm bảo điều kiện về phòng chống cháy nổ nên không thể đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, do đó phải đóng cửa. Đây là chấm dứt hoạt động chợ chứ không phải là di dời chợ”.

Tiểu thương tham khảo khung giá niêm yết của chủ đầu tư.

Bà Bạch Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH XNK Châu Tuấn (chủ đầu tư Chợ Kỳ Anh), cho biết: “Chúng tôi đã thông báo tới các hộ tiểu thương có nhu cầu thuê ki ốt kinh doanh tại chợ trực tiếp làm thủ tục đăng ký và nộp tiền cọc trong thời gian từ 20/8 đến 10/9/2015 để công ty sắp xếp, bố trí gian hàng hợp lý và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Riêng đối với hộ tiểu thương đăng ký và nộp tiền cọc sẽ được hỗ trợ giảm 5% giá trị tiền thuê, miễn tiền thuê mặt bằng, ki ốt 12 tháng đầu tính từ ngày 30/8/2015. Ba tháng đầu không thu tiền điện, tiền nước đối với các tiểu thương chuyển từ chợ huyện cũ và chợ xép, có hợp đồng thuê mặt bằng, ki ốt thời hạn 10 năm trở lên; ưu tiên các tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh cũ và chợ xép. Bên cạnh đó, các gia đình chính sách muốn đăng ký ki ốt tại chợ mới được bốc thăm chọn đợt đầu. Công ty cũng đã hợp tác và kêu gọi được 2 tổ chức tín dụng đồng ý cho các hộ tiểu thương có nhu cầu vay vốn với mức vay lên đến 70% giá trị hợp đồng, thế chấp bằng chính ki ốt đó mà không phải dùng tài sản ngoài để thế chấp”.

“Hiện, đã có gần 1.000 hộ đăng ký quầy ki ốt, trong đó có 250 hộ tiểu thương tại chợ huyện cũ, 400 hộ tại chợ xép”, bà Hường cho biết thêm, đồng thời khẳng định không có chuyện người ngoài đăng ký nhiều ki ốt rồi chuyển nhượng lại với giá cao. “Chúng tôi sẽ niêm yết giá và có cuộc trao đổi trực tiếp với các tiểu thương của hai chợ. Ngoài ra, chủ đầu tư chợ Kỳ Anh mới sẽ có thông báo thu những loại phí nào sau khi các tiểu thương sinh hoạt buôn bán tại chợ như: tiền giử xe, tiền vệ sinh môi trường, tiền điện nước, phí bảo vệ…”, bà Hường nói.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ký ngày 6/4/2015 về việc hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như sau: “Hỗ trợ lãi suất thời gian tối đa 12 tháng cho các khoản vay mới ngắn hạn, trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam, được giải ngân trong từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2015. Mức hỗ trợ lãi suất 4% đối với vay ngắn hạn, 5% đối với cho vay trung, dài hạn”.

Chợ mới Kỳ Anh.

Theo bà Hà Thị Kim Chi (Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Nghệ An): “Chúng tôi áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ 7%/năm cho 4 tháng đầu tiên, với thời gian 12 tháng; áp dụng lãi suất ưu đãi 7,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên, với thời gian 12 tháng. Mức cho vay tối đa 90% nhu cầu vốn, thời gian vay tối đa 84 tháng tùy vào mục đích sử dụng vốn của khách hàng”.

Về phía chính quyền, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết: “Sau hơn 20 năm hoạt động, hiện tại chợ cũ đã xuống cấp, diện tích nhỏ, không đảm bảo các tiêu chí của chợ thị xã, do đó phải đóng cửa. Vẫn biết khi chuyển chợ, các tiểu thương sẽ gặp khó khăn nhưng thị xã sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể. Hiện, thị xã đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và cho tiểu thương khi buôn bán ở chợ mới”.

Theo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP