Tin Liên Quan

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 3 tỉnh Bắc miền Trung: Tập trung xóa bỏ trung gian

Ba tỉnh Bắc miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đều là những tỉnh có tỉ lệ hộ dân nông thôn cao, nên khi lưới điện hạ thế nông thôn được bàn giao cho ngành điện bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng, đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Không ít người dân cho rằng, đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và cải thiện đời sống cho người nông dân.

Theo Thông tư 05/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định và hướng dẫn thực hiện giá điện năm 2009, việc áp dụng giá điện mới với khu vực nông thôn sẽ được thực hiện từ 1-9-2009. Trên cơ sở nghị quyết của HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tiếp nhận lưới điện hạ thế khu vực nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng theo giá điện bậc thang như khu vực đô thị, UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, HTX không bảo đảm tiêu chuẩn vận hành, kinh doanh điện phải sớm bàn giao lưới điện cho ngành điện với quan điểm vì lợi ích của người sử dụng. Theo dự kiến, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức mua bán điện trên địa bàn từng xã sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm 2010. Sau khi đã tiếp nhận xong, hệ thống lưới điện được sửa chữa mới bảo đảm cung cấp điện ổn định cho vùng nông thôn. Hơn nữa, điều quan trọng là người nông dân sẽ được hưởng đúng mức giá điện mà Nhà nước quy định.


Điều dễ nhận thấy nhất khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại ba tỉnh Bắc miền Trung là người nông dân sẽ được hưởng lợi: Giá điện rẻ, hệ thống lưới điện được nâng cấp, an toàn, chăm sóc khách hàng tốt hơn… Đó là những lợi ích thiết thực mà người nông dân được hưởng từ chủ trương tiếp nhận lưới điện nông thôn để bán điện trực tiếp.


Trước hết, Thanh Hóa là tỉnh đông dân, nhưng phân bố dân cư không đồng đều. Đây là những trở ngại lớn trong việc đầu tư cho lưới điện nông thôn trên địa bàn. Được biết, từ tháng 6-2008 trở về trước, ngành điện lực mới chỉ bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng cho 15 xã (5 xã được đầu tư bằng vốn của ngành điện và 10 xã đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới). 6 tháng cuối năm 2008, ngành điện lực đã tiếp nhận, bán lẻ thêm 39 xã; 6 tháng đầu năm 2009 hoàn thành 80 xã. Từ nay đến hết năm ngành điện phấn đấu hoàn thành việc tiếp nhận, đầu tư và bán lẻ trực tiếp cho người dân ở 120 xã. Như vậy, đến hết năm 2009, trừ khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, Điện lực Thanh Hóa đã bán lẻ điện theo giá bậc thang như khu vực đô thị đến 254 xã/574 xã.


Còn với Nghệ An, do địa hình phức tạp, bị nhiều sông suối chia cắt, nên không chỉ gây khó khăn cho phát triển giao thông, dịch vụ- thương mại, mà còn cho việc cung cấp điện phát triển kinh tế-xã hội. Toàn tỉnh có 438 xã, với 641.350 hộ dân nông thôn. Trong đó, Điện lực Nghệ An đang bán điện trực tiếp đến 21 phường, 18 thị trấn và 39 xã. Năm nay Điện lực Nghệ An sẽ tiếp nhận, đầu tư lưới điện hạ thế tại 240 xã. 6 tháng đầu năm 2009, ngành điện lực đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận được 116 xã và dự kiến đến tháng 6-2010 sẽ hoàn thành bán lẻ điện đến 100% số xã.


So với hai tỉnh trên, Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi hơn về địa lý, nhưng đây lại là tỉnh nghèo nên việc tiếp nhận, đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn là bài toán nan giải. Được biết, toàn tỉnh có 238 xã, trong đó điện lực đã bán lẻ điện đến 25 xã, theo kế hoạch, năm 2009 sẽ hoàn thành tiếp nhận và đầu tư lưới điện hạ áp ở 121 xã.


Theo số liệu thống kê, đến nay mới có 50% số hộ dân nông thôn trên địa bàn ba tỉnh Bắc miền Trung đã được hưởng lợi từ việc mua điện trực tiếp của ngành điện theo giá bậc thang như khu vực đô thị.


Vẫn còn nhiều khó khăn


Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó giám đốc Điện lực tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số bộ phận bán điện trung gian. Tại nhiều xã các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã (HTX) làm ăn được đều không muốn bàn giao việc quản lý lưới điện cho ngành điện nên họ lôi kéo người dân phản đối, gây khó khăn cho công việc tiếp nhận”.


Còn ở Hà Tĩnh, khi biết thông tin ngành điện sẽ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp cho người dân, nhiều doanh nghiệp tư nhân, HTX bán điện đã nâng giá điện từ 700đ/kwh lên 1.900đ đến 2.000đ/kwh để tận thu.


Việc tiếp nhận và đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn vốn là bài toán khó của tất cả các địa phương. Nguyên nhân là do đầu tư vào khu vực này vừa kém hiệu quả lại vừa lâu thu hồi vốn. Các cơ quan điện lực cho rằng, mặc dù sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp ở các xã, điện lực đã đầu tư theo kế hoạch của Công ty Điện lực 1 nhưng tổn thất vẫn cao. Tuy nhiên, xét theo góc độ lợi ích thì việc ngành điện tiếp nhận lưới hạ áp đã đem lại hiệu quả khá rõ, không phải chỉ là người dân khu vực nông thôn được hưởng lợi, mà tổn thất điện năng giảm đáng kể so với khi các HTX quản lý, đây là khoản lợi to lớn cho nền kinh tế quốc dân.


Bài và ảnh: CÙ THU HƯƠNG và CTV

QDND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP