Phóng sự - Ký sự

Tiền tỷ 'rơi' xuống đầu nông dân – Kỳ 2: Thất nghiệp

Hết cảnh hớn hở mặc sức mua sắm, xây nhà tậu xe – nhiều nông dân bắt đầu chuyển sang mối lo: thiếu việc làm, con cái hư hỏng, làng xóm chẳng được bình yên như trước nữa…

Phụ nữ làm nông, xưa nay luôn tay luôn chân công việc đồng áng, từ khi đất ruộng, đất vỡ hoang bị thu hồi, hầu hết họ chẳng biết làm gì, chỉ ngồi không.


“Tụi tui ở nhà nấu cơm sáng rồi lại nấu cơm trưa, không biết mần chi. Không có ruộng năm sau không biết lấy chi ăn” – Bà Nguyễn Thị Thương, xóm Quyết Tiến than thở.


Một số hộ sau khi nhận tiền đền bù chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ như mở quán bia, bánh kẹo, hàng ăn… Tuy nhiên, theo cách nói của ông Lê Công Diến, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phương, thì ở địa phương này đang xảy ra tình trạng hai nhà một quán, vợ bán chồng mua.


Bài toán giải quyết việc làm cho người dân đang làm đau đầu các nhà quản lý địa phương. Ông Lương Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh, cho biết: Trước khi dự án về đến dân, Sở LĐ – TB&XH tỉnh, Phòng Lao động huyện Kỳ Anh đã về tuyên truyền, định hướng cho người dân đi học nghề ở các trường trung cấp của tỉnh, với các nghề như hàn xì, điện, lạnh… số này sau khi tốt nghiệp có thể quay lại Cảng Sơn Dương phục vụ cho khu công nghiệp mới.


Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng có thể đi học nghề, vì không ít người lớn tuổi. Hơn nữa, khu công nghiệp đang trong quá trình giải tỏa, xây dựng, chưa biết họ có chỉ tiêu ngành nghề cụ thể gì, khiến người dân hoang mang không dám đầu tư cho con học, nhất là khi một số thanh niên trên địa bàn đi học nghề nhưng hiện vẫn đang thất nghiệp ở nhà.


Việc giải quyết việc làm cho dân, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phương Lê Công Diến cho rằng, chính quyền trở tay không kịp. Theo lời ông Diến, ngày 17/7/2008 xã nhận được chủ trương dự án khởi công xây dựng tại địa bàn và xã yêu cầu nông dân dừng mọi hoạt động xây dựng. Kỳ Phương lại là xã bị thu hồi nhiều đất nhất, nên đảng ủy xã vẫn chưa định hướng cho dân phải làm gì.


Nguyễn Hà

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP