Giáo dục

Tiền đâu để tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính sau 2020?

Làm sao Bộ GD-ĐT có nguồn kinh phí lớn đầu tư ban đầu để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và hệ thống phần mềm AI, hệ thống các Test sites tại các địa phương và chuyển giao công nghệ tổ chức thi?

Lời toà soạn: Phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học sau năm 2020 vừa được Bộ GD-ĐT nêu ra tại phiên họp của Hội đồng đổi mới giáo dục quốc gia ngày 25/9. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được vận hành, với phương thức thi trên giấy, có tính đến sự khả thi của thi trên máy tính. Bộ GD-ĐT đã được "giao việc" hoàn thiện phương án và công bố vào tháng 7/2020. Xung quanh vấn đề này, VietNamNet xin giới thiệu các ý kiến góp ý và mong nhận được trao đổi từ độc giả, theo địa chỉ: [email protected]. Dưới đây là ý kiến của PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thi THPT quốc gia: 7 lần cải tiến

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam đối với học sinh lớp 12. Mục đích của kỳ thi là đánh giá mức độ học sinh lớp 12 đạt được chuẩn đầu ra (kiến thức và kỹ năng) của chương trình THPT và là điều kiện để được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp THPT. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để được tham dự kỳ thi tuyển sinh hoặc được xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ.

Trong mấy thập niên gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở tổ chức cùng một thời gian trên toàn quốc, theo đề thi chung của Bộ. Quy định về môn thi và hình thức thitheo từng giai đoạn (từ 1975 đến 2019) đã có 7 lần cải tiến lớn về số lượng môn thi bắt buộc, dạng thức thi và thời lượng thi.

Ảnh minh họa: Phạm Hải

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2017 đến năm 2019 giảm được gánh nặng về thời lượng thi kèm theo giảm bớt công sức và chi phí của cha mẹ học sinh cho việc đi thi của con em mình. Dù vậy, các kỳ thi này vẫn đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều nguồn lực phục vụ cho một kỳ thi chung toàn quốc và chưa loại bỏ được nhân tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi.

Để đảm bảo duy trì sự khách quan trong đánh giá mức độ học sinh lớp 12 đạt được chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT đã khẳng định sự ổn định về các môn thi và dạng thức thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn 2020-2024 (trước khi có khóa tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới).

Đồng thời để hòa nhập với xu thế phát triển của các kỳ thi tốt nghiệp THPT của các nước trong khu vực (như: Thái Lan, Trung Quốc…) và các nước phát triển (như Phần Lan, Hoa Kỳ…), năng lực của học sinh lớp 12 về Khoa học xã hội được đánh giá bằng một đầu điểm cho bài thi về Khoa học xã hội; và năng lực về Khoa học tự nhiên của học sinh cũng được đo lường bằng một đầu điểm cho môn thi/bài thi Khoa học tự nhiên.

Để chuẩn bị cho việc đánh giá năng lực học sinh lớp 12 tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2024-2025, giải pháp tối ưu giảm thiểu rủi ro trong việc in ấn các đề thi và tổ chức chấm thi trên giấy là thi trên máy tính.

Thi trên máy tính cũng ngăn chặn một cách hữu hiệu việc can thiệp của con người làm sai lệch các kết quả thi. Các đề thi trên máy tính được chuẩn hóa và mỗi thí sinh có một đề thi khác nhau. Các kỳ thi trên máy tính được tổ chức nhiều lần tại các Test sites ở từng địa phương, sử dụng mạng máy tính nội bộ của Test sites. Học sinh lớp 12 được tạo nhiều cơ hội để đăng ký dự thi nhiều lần theo nguyện vọng cá nhân. Việc tổ chức thi như vậy sẽ không còn việc nhiều lực lượng và các cơ quan nhà nước phải vào cuộc cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT duy nhất hằng năm. Sự căng thẳng và áp lực chung cho cả xã hội về một kỳ thi cùng thời điểm trên toàn quốc sẽ không còn tồn tại.

Ưu điểm của việc thi trên máy tình đã được kiểm chứng bằng việc các Test sites chuyên nghiệp của các nước phát triển đã khuyến khích các thí sinh đăng ký dự thi IELTS trên máy tính, hạn chế việc thi trên giấy. Một thực tiễn sống động hơn cả là Pearson Test of English Academic (viết tắt là: PTE Academic) hoàn toàn thi trên máy tính cả 4 kỹ năng (nghe, đọc, nói và viết) sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) để chấm điểm, có nghĩa là phần mềm của máy tính chấm điểm bài thi, không phải con người chấm thi, nên tuyệt đối không có sự can thiệp của con người vào kết quả thi. PTE Academic hiện đã có Test site tại Việt Nam.

Để chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sử dụng công nghệ AI trong giai đoạn 2024-2025, cần tổ chức song song việc thi trên giấy tại các Test sites địa phương và thi trên máy tính đối với các địa phương tình nguyện đăng ký thi bằng máy tính. Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết đánh giá so sánh giữa việc thi trên giấy và thi trên máy tính để có những điều chỉnh phù hợp về khâu tổ chức và tiến tới việc thi đại trà trên máy tính hằng năm, mỗi năm tối thiểu 2 kỳ thi do từng địa phương lựa chọn thời gian tổ chức phù hợp. Học sinh lớp 12 được lựa chọn nơi thi và thời gian thi phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng cá nhân.

Để học sinh THPT được làm quen với việc thi trên máy tính, các trường THPT cần có phòng máy tính có cài các bài thi mẫu để học sinh làm quen. Đồng thời trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các sở GD-ĐT cần có diễn đàn riêng trên đó có một số các đề thi và phần mềm thi để mỗi học sinh lớp 12 đều có thể vào để thi thử.

Việc tổ chức thi nhiều lần/năm trên máy tính tại các Test sites là giải pháp tối ưu nhất để loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp có chủ đích làm sai lệch các kết quả thi. Và đây cũng là giải pháp tạo nhiều cơ hội cho học sinh lớp 12 được đăng ký để đánh giá mức độ năng lực cá nhân đạt chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thách thức

Thách thức đầu tiên là đối với những học sinh sẽ thi tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2024-2025. Các em có tối thiểu 4 năm để chuẩn bị và làm quen với việc thi trên máy tính (máy tính bảng hoặc máy tính bàn). Thách thức tiếp theo là đối với các giáo viên ở các trường THPT, giáo viên phổ thông phải thuần thục được việc sử dụng máy tính; các trường THPT cần phải có phòng máy tính để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh của trường được sử dụng máy tính.

Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là đối với Bộ GD-ĐT. Đó là làm sao các tầng lớp trong xã hội hiểu được đầy đủ mức độ hữu ích, sự công bằng khách quan và hiệu quả kinh tế của việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sử dụng công nghệ cao. Làm sao Bộ GD-ĐT có nguồn kinh phí lớn đầu tư ban đầu để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và hệ thống phần mềm AI và hệ thống các Test sites tại các địa phương và chuyển giao công nghệ tổ chức thi cho các Test sites. Việc đầu tư ban đầu có thể nói là khá “khổng lồ”, về hiệu quả kinh tế lâu dài sẽ tiết kiệm được rất lớn tổng kinh phí hằng năm chi cho mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung trên toàn quốc.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP