Kinh tế

Tiềm năng phát triển du lịch biển Hà Tĩnh

Với 137 km bờ biển, với vùng lãnh hải rộng khoảng 20 ngàn km2, với vị trí địa lí là điểm giữa của cầu nối tuyến Bắc – Nam và cửa ngõ phía Đông của trục Đông – Tây, phải khẳng định rằng Hà Tĩnh có lợi thế để phát triển du lịch biển đảo.

Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định du lịch nghỉ dưỡng biển là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của khu vực Bắc Trung Bộ.


Vị thế chiến lược


Sau thời Bắc thuộc, vào giai đoạn đầu tự chủ của quốc gia Đại Việt (thế kỷ XI – XV), mặc dù có những biến động về không gian lãnh thổ nhưng vùng Hoan Diễn nói chung, đặc biệt là vùng phía Nam (nay là tỉnh Hà Tĩnh) luôn là miền biên viễn, trọng trấn phương Nam. Theo ý kiến chung của nhiều học giả, thì trong thế đối diện, đối thoại hằng xuyên với các quốc gia láng giềng, khu vực Nghệ – Tĩnh là đại diện, đồng thời là tuyến đầu, địa bàn chiến lược trong việc bảo vệ an ninh; thiết lập, mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài (Nguyễn Văn Kim, Tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, 2012). Trên phương diện kinh tế đối ngoại, Nghệ – Tĩnh là nơi hội lưu của các tuyến giao thương trên đất liền và trên biển, đặc biệt chiếm một vị trí quan trọng của “Con đường tơ lụa trên biển” với một hệ thống cảng biển từng sầm uất, tấp nập một thời.




Theo Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch thì vùng Hà Tĩnh có 6 cửa biển (Cửa Hội, Cửa Cương Gián, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, Cửa Xích Lỗ) và từ thời Lý – Trần đã có 5 thương cảng: Hội Thống, Cửa Sót, Nhượng Bạn, Hải Khẩu, Xích Lỗ. Nhiều tài liệu lịch sử và khảo cổ học đã chứng minh có một số cảng biển Hà Tĩnh từng rất sầm uất, như cảng Cửa Sót (ngày trước, các thuyền buôn của người Tàu sang ta đều vào cửa ấy – Nghệ An Ký), Hội Thống, hoặc cảng vùng Kỳ Anh (Kỳ Hoa thời Trần không phải chỉ là một cảng tiền tiêu của Đại Việt – bởi bên kia là đất Chămpa, mà còn là một thương cảng sầm uất cho tới thời Lê – ý kiến của nhà Khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng)…


Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì đến thế kỷ XIX hoạt động giao lưu, buôn bán ở vùng Nghệ Tĩnh vẫn còn khá sôi động; tỉnh Hà Tĩnh có đến 14 chợ, 15 quán và 31 cầu đò. Nhiều nhà khảo cổ học đã khẳng định từng có một nền văn hóa cảng thị ở Hà Tĩnh – “Văn hóa cảng thị Hà Tĩnh có hai đặc điểm lớn: một là sự hình thành một sắc thái văn hóa mang đặc điểm riêng của xứ Nghệ, thể hiện khá rõ ở Nghi Xuân trên nền tảng một nền kinh tế cảng thị đã tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc bên bờ của nó và các làng nghề nhứ gốm Cổ Đạm, bán buôn Giang Đình; hai là văn hóa cảng thị Hà Tĩnh là sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau: Việt – Chăm (cửa Nhượng), Việt – Hoa (Phù Thạch) và cả Việt – Nhật (Triều Khẩu)…” (Trịnh Cao Tưởng, Nghiên cứu khảo cổ học một số thương cảng cổ vùng miền Bắc Việt Nam).


Như vậy, có thể khẳng định rằng trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, biển Hà Tĩnh với vị thế địa – văn hóa hiếm có đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ giao thương của đất nước và trong giao lưu, tiếp biến văn hóa của dân tộc. Sau thời kỳ “bế quan tỏa cảng”, hiện nay đất nước ta đang tiến hành hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, việc xuất hiện khu kinh tế Vũng Áng và cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương trên địa bàn Hà Tĩnh cũng chính là một sự tiếp mạch của dòng chảy lịch sử, sẽ tạo nên sự đột khởi cho phát triển kinh tế – xã hội nhưng cũng cần thiết phải nhìn nhận, lưu ý thêm các yếu tố chiến lược về quốc phòng, an ninh để đảm bảo sự phát triển một cách bền vững nhất, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ trong xu thế toàn cầu hóa.


Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế du lịch


Với 137 km bờ biển, với vùng lãnh hải rộng khoảng 20 ngàn km2, với vị trí địa lí là điểm giữa của cầu nối tuyến Bắc – Nam và cửa ngõ phía Đông của trục Đông – Tây, phải khẳng định rằng Hà Tĩnh có lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định du lịch nghỉ dưỡng biển là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của khu vực Bắc Trung bộ.


Làng biển Cồn Gò

Bình minh trên biển Cồn Gò. Ảnh: Văn Chương


Cùng với điều kiện tự nhiên là có nhiều bãi biển đẹp như Xuân Thành, Chân Tiên, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Mũi Đao và dồi dào về nguồn lợi hải sản – ưu điểm của các bãi biển Hà Tĩnh là cát mịn, nước trong xanh, sóng hiền hoà, trong đó bãi biển Thiên Cầm theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là 1 trong 46 khu du lịch quốc gia, bờ biển Hà Tĩnh còn có một lợi thế rất lớn về tài nguyên nhân văn để kết hợp hài hòa giữa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.


Trước hết, đó là hệ thống di tích hết sức phong phú, đa dạng của vùng ven biển Hà Tĩnh, từ Hội Thống vào đến Hoành Sơn Quan. Trong số 73 di tích cấp quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh, có hơn 30% nằm ở các xã ven biển với đầy đủ các loại hình như đình, chùa, đền thờ, nhà thờ, am miếu.


Thứ hai là cùng với hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể vùng ven biển cũng hết sức đậm đặc. Đó là những lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia như lễ hội Sỹ – Nông – Công – Thương ở Xuân Thành, lễ hội đền Chiêu Trưng ở cửa Sót, lễ hội chùa Chân Tiên ở Lộc Hà, lễ hội Cầu Ngư ở Cẩm Nhượng, lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở Kỳ Anh… Có nhiều loại hình dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển như hát sắc bùa, hò chèo cạn, ví, giặm, đi cà kheo v.v…


Đặc biệt, là hệ thống truyền thuyết, dã sử, những sáng tác thơ văn nổi tiếng gắn với các danh thắng, di tích vùng ven biển, là tài nguyên hết sức hấp dẫn nếu biết khai thác, phát huy để thu hút du khách. Đó là truyền thuyết về những chuyến tuần du của các Vua Hùng ở núi Thiên Cầm, là dấu chân Tiên ở Thịnh Lộc, truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung hiện còn dấu tích ở khu Quỳnh Viên trên núi Long Ngâm cửa Sót, là câu chuyện về cha con Hồ Quý Ly bị bắt giữ ở Thiên Cầm, núi Cao Vọng; là những chuyến chinh phạt, tuần du phương Nam của các triều vua như Trần Duệ Tông và cung phi Nguyễn Thị Bích Châu (di tích Đền thờ Chế Thắng phu nhân), 10 bài thơ nổi tiếng của Hoàng đế Lê Thánh Tông, trong đó có 8 bài về các cửa biển, hải đảo (Tên 8 bài thơ: Đảo Song Ngư, Đan Nhai hải khẩu, Nam Giới hải khẩu, Kỳ La hải khẩu, Hà Hoa hải khẩu, Xích Mộ hải khẩu, Sa Tắc cảng ngẫu thành, Chế Thắng hải khẩu từ…).


Tiềm năng phát triển du lịch biển Hà Tĩnh

Hoàng hôn biển Xuân Thành. Ảnh: dulichhatinh.com.vn


Tuy nhiên, du lịch biển ở Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là do điều kiện thời tiết, khí hậu nên mang tính mùa vụ rất rõ nét (3 – 4 tháng/năm); là sự bất cập về cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, cơ sở lưu trú, xử lí môi trường); là nhận thức của cộng đồng, cư dân sở tại về du lịch còn hạn chế (kinh doanh mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp…); là sự tác động, ảnh hưởng khó tránh khỏi của các dự án khai thác khoáng sản, nguồn lợi thủy sản ven biển…


Thực trạng phát triển du lịch biển Hà Tĩnh


Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển được tỉnh quan tâm, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, từng bước kết nối du lịch biển với các trung tâm du lịch của tỉnh, của vùng và các tỉnh của Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan… Hệ thống tỉnh lộ như: tỉnh lộ 4 (từ thị trấn Cẩm Xuyên đi Thiên Cầm), tỉnh lộ 22 (từ thị trấn Nghi Xuân đi Xuân Thành), tỉnh lộ 9 (từ TP. Hà Tĩnh đi Lộc Hà), tỉnh lộ 19/5 (từ Thạch Hải đi Thiên Cầm), các tuyến đường nối QL1A với Thạch Khê… và đặc biệt là tuyến đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng, tuyến giao thông chiến lược quan trọng của tỉnh đang được đầu tư xây dựng thực sự sẽ mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế – xã hội của tỉnh nhà nói chung, của ngành kinh tế du lịch nói riêng.


Về công tác quản lý, tại 2 khu du lịch biển trọng điểm là Thiên Cầm và Xuân Thành đã thành lập Ban quản lý trực thuộc UBND huyện. Tại các khu, điểm khác tuy đang thuộc quyền quản lý của chính quyền cấp xã hoặc của các tổ chức cộng đồng dân cư nhưng công tác quản lý cũng ngày càng được cải thiện hơn.


Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Xuân Thành – Nghi Xuân, Thiên Cầm – Cẩm Xuyên và vùng Nam Kỳ Anh. Hiện nay, đang chuẩn bị triển khai dự án “Hạ tầng du lịch phục vụ phát triển toàn diện” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, trong đó có nội dung xây dựng hạ tầng Khu du lịch Thiên Cầm, Hạ tầng giao thông khu du lịch Xuân Thành kết nối với Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du…


Về cơ sở lưu trú, hiện có trên 1.000 phòng nghỉ, trong đó có khoảng 800 – 900 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế (có 01 khách sạn 3 sao, 03 khách sạn 2 sao).


Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung, du lịch biển Hà Tĩnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu; chưa khắc phục được tính mùa vụ, đầu tư còn manh mún, dàn trải, dịch vụ còn tự phát, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thu nhập thấp…


Một số giải pháp phát triển du lịch biển Hà Tĩnh


Trên cơ sở xác định tầm quan trọng và vị thế của kinh tế biển, phấn đấu đến năm 2020 là một trong 5 đột phá về kinh tế như mục tiêu Chiến lược biển Quốc gia đề ra, Hà Tĩnh đang tập trung phát triển du lịch biển với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm:


Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia, khu vực Bắc Trung bộ và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh, cần rà soát lại kế hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu du lịch biển trên địa bàn để điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp; ưu tiên trước hết cho khu du lịch Thiên Cầm, Xuân Thành, Nam Kỳ Anh…


Huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp khu du lịch Thiên Cầm sớm trở thành khu du lịch quốc gia; triển khai mở rộng không gian đô thị nhằm xây dựng một số đô thị du lịch biển; tập trung các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển các khu du lịch biển tại Kỳ Anh nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao cùng với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch.


Triển khai chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các điểm và sản phẩm du lịch hiện có nhằm đa dạng hoá các loại hình du lịch biển trên cơ sở khai thác các giá trị sinh thái biển, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng và bền vững như: tham quan các làng chài, làng nghề mang bản sắc vùng ven biển và tận dụng khai thác loại hình du lịch sinh thái kết hợp văn hoá tâm linh; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có như du lịch tắm biển nghỉ dưỡng; du lịch thương mại, công vụ và hội nghị, hội thảo; du lịch vui chơi giải trí, tham quan các di tích văn hoá lịch sử, danh thắng…


Mở rộng kết nối các điểm du lịch biển Hà Tĩnh với hành trình “Con đường di sản Miền Trung”, tuyến du lịch xuyên Việt và đặc biệt là khai thác tối đa tuyến hành lang Đông – Tây… Tích cực, chủ động khai thác nguồn khách truyền thống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tiếp cận và khai thác nguồn khách du lịch tiềm năng tại TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Chủ động khai thác nguồn khách quốc tế truyền thống như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, các nước thuộc khối ASEAN…


Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban quản lý khu, điểm du lịch, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn, quản lí giá cả hàng hóa, dịch vụ, không ngừng cải thiện môi trường du lịch. Ưu tiên công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, vừa đáp ứng xu hướng chuyên nghiệp hóa vừa đảm bảo yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng.


Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách và thu hút đầu tư vào các khu du lịch biển. Trước mắt cần tập trung vào 2 khu du lịch biển Thiên Cầm và biển Xuân Thành; ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí, mua sắm hàng hoá…


Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành và thục hiện tốt các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các khu du lịch biển.


Tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức của nhân dân trong việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi từ biển; nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, hướng tới phát triển bền vững biển. Hỗ trợ và quan tâm công tác xoả đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ven biển, sử dụng các nguồn lợi từ biển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và hải đảo…./.


TS. Võ Hồng Hải


(GĐ sở VH,TT&DL Hà Tĩnh)

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP