Cần phải kiểm soát việc sử dụng xe cấp cứu, vì tính mạng con người đôi khi chỉ là gang tấc, xe cứu thương đến kịp một chút thì một sinh mạng có thể giữ lại.
hatinh24h hatinh24h 01
Hình ảnh tài xế và chiếc xe được thuê “cấp cứu hồ sơ”

Thưa luật sư, đọc câu chuyện về thí sinh thuê xe cấp cứu để “cấp cứu” hồ sơ tuyển sinh đại học, luật sư có suy nghĩ gì?

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến một vài “Game-show” mà trong đó các thí sinh tham gia có một số “quyền trợ giúp”. Trong “cuộc chơi” tuyển sinh này, gia đình thí sinh đã sử dụng một “quyền trợ giúp” rất sáng tạo: thuê xe cấp cứu 115 để kịp rút-nộp hồ sơ tuyển sinh đại học.

Tuy nhiên, tuyển sinh Đại học không phải là một “game show” vì nó không những liên quan đến tương lai của một cá nhân mà còn ảnh hưởng đến nền giáo dục của Quốc gia. Còn việc sử dụng xe cấp cứu để “cấp cứu” hồ sơ tuyển sinh đại học thì đây là việc sử dụng “quyền trợ giúp” không đúng pháp luật, vô tình ảnh hưởng đến cộng đồng nếu như xảy ra yêu cầu cấp cứu khẩn cấp trong khi phương tiện cấp cứu đã đi vắng.

Câu chuyện này gây “sốc” cho xã hội về một mùa tuyển sinh đặc biệt, nhưng nếu nhìn ở góc độ pháp luật việc này có được làm không?

Cho dù rất thông cảm với hoàn cảnh “đặc biệt” của thí sinh nhưng việc sử dụng xe cấp cứu nêu trên là việc không được làm.

Sai phạm là do bên cho thuê xe cấp cứu 115, vì khi phát hiện đối tượng sử dụng không phải là bệnh nhân thì không được sử dụng xe vào mục đích khác cho dù là xe của Trung tâm 115 hay xe thuê của tổ chức cá nhân bên ngoài làm xe cấp cứu 115, vì trên xe luôn trang bị các thiết bị y tế, luôn trong tình trạng sẳn sàng phục vụ cấp cứu theo phương án kế hoạch của ngành y tế.

Trước hết, phải xác định tham gia tuyển sinh đại học không phải là “tình huống khẩn cấp”, việc đi lại của một cá nhân trong điều kiện bình thường hoàn toàn do cá nhân đó quyết định về mặc thời gian, không gian và phương tiện phù hợp. Trong giao thông, những tình huống được xem là khẩn cấp đã được quy định về ưu tiên giao thông trong Luật giao thông đường bộ trong đó có quy định “xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu”.

Mặc khác, Quyết định của Bộ Y tế số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc có quy định về “cấp cứu 115”.

Theo đó, cấp cứu 115 là việc cấp cứu ngoài bệnh viện, trên xe cấp cứu phải có Bác sỹ (y sỹ), Điều dưỡng và người điều khiển phương tiện vận chuyển cấp cứu (xe cấp cứu 115), trên xe phải được trang bị các thiết bị y tế phục vụ cho việc cấp cứu bệnh nhân.

Theo tôi, sử dụng xe cứu thương cho việc tuyển sinh ngoài chuyện không được phép mà còn ảnh hưởng đến đạo đức xã hội vì nếu có bệnh nhân cấp cứu mà thiếu xe cứu thương thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.

Theo luật sư, từ câu chuyện này, cần lưu ý gì trong việc dùng phương tiện cấp cứu vào mục đích khác (nếu có)?

Trừ trường hợp thuộc dạng “tình thế cấp thiết” cần sử dụng để phục vụ cho cộng đồng như di dân khỏi vùng nguy hiểm trong khi thiếu phương tiện, tránh bão, thiên tai. . . . nếu không thì phải được sử dụng đúng mục đích của nó.

Xin cảm ơn luật sư!

Hồng Chuyên (thực hiện)