Tin

Thực hư vụ “bóp méo” bài thơ “Thương ông” trong sách Tiếng Việt lớp 2

Nội dung bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, tập một, hiện hành:

Mở cuốn Tiếng Việt lớp 2, tập một, của con ra xem, chị Nguyễn Thị Hương (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) “tá hỏa” vì thấy bài thơ “Thương ông” trong sách hoàn toàn khác so với bài chị đã từng được học, theo hướng không hay bằng.

“Tôi thấy mọi người bàn tán xôn xao trên mạng internet nên cũng tìm sách của con mở ra đọc. Đúng là bài thơ “Thương ông” trong sách hiện nay quá khác so với thời chúng tôi học. Đây là bài thơ rất hay và vần nên dù đã mấy chục năm, tôi vẫn thuộc lòng,” chị Hương chia sẻ. Cũng vì bài thơ được hầu hết các phụ huynh thuộc nằm lòng dù học từ cấp một nên ngay lập tức, phiên bản mới trong sách giáo khoa lớp 2 đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn.

Đoạn trích bài thơ “Thương ông” trong sách Tiếng Việt lớp 2 gây xôn xao cư dân mạng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài thơ này đã được đưa vào sách giáo khoa từ mấy chục năm trước nhưng có nhiều khác biệt:

Thương ông
Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên
Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu
Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khỏe
Vì nó thương ông

Nhiều ý kiến cho rằng bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa hiện hành đã bị sao chép, bóp méo… so với bản cũ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, bài thơ “Thương ông” trong sách cũ và mới đều chỉ là đoạn trích trong cùng một tác phẩm là bài thơ “Thương ông” của nhà tơ Tú Mỡ. Trong sách giáo khoa mới cũng có ghi rõ là “trích”. Cách trích có sự khác nhau giữa sách cũ và sách mới. Sách cũ trích phần đầu của bài thơ trong khi sách mới trích chủ yếu phần cuối của bài thơ.

Sau đây là bản đầy đủ bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ (Nguồn: thivien.net – Tuyển tập Tú Mỡ)

Thương ông
Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên
Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu
Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khỏe
Vì nó thương ông
Đôi mắt sáng trong
Việt ta thủ thỉ:
– Khi nào ông đau
Ông nói mấy câu
“Không đau! Không đau!”
Dù đau đến đâu
Khỏi ngay lập tức.
Ông phải phì cười:
– Ừ, ông theo lời
Thử xem có nghiệm:
“Không đau! Không đau!”
Và ông gật đầu:
– Khỏi rồi! Tài nhỉ”
Việt ta thích chí:
– Cháu đã bảo mà…!
Và móc túi ra
– Biếu ông cái kẹo!./.

Phạm Mai (Vietnam+)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP