Trong nước

Thủ tướng: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân”.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 chiều 8/1, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình công tác tư pháp năm 2018 đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu được giao. Trong đó có sự đóng góp trực tiếp của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được trong trong tổ chức hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian qua. Đặc biệt là sự sôi nổi, trách nhiệm, toàn diện của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Nguyễn Trường).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Nguyễn Trường).

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng nhận xét quá trình xây dựng thể chế, pháp luật của ngành Tư pháp vẫn tồn tại bất cập, chưa theo kịp thực tế, thiếu tính khả thi… cần khắc phục.

“Cán bộ tư pháp, pháp chế phải giữ vai trò quan trọng trong xây dựng pháp luật, cần phải tăng cường đôn đốc, không để tình trạng bắc nước chờ gạo, nước sôi sùng sục vẫn không thấy gạo đâu” - Thủ tướng lưu ý.

Lấy ví dụ về những sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, tài sản công, cổ phần hóa được phát hiện trong thời gian vừa qua như vụ AVG, Thủ Thiêm, vụ việc ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác, Thủ tướng Chính phủ cho rằng các cán bộ pháp chế với trách nhiệm là “người gác gôn” về pháp luật có suy nghĩ gì? Đã thật sự làm hết trách nhiệm trong công tác tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý nhưng lãnh đạo không nghe?

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu ra tình trạng nhờn luật còn khá phổ biến như ở một số lĩnh vực, cụ thể trong lĩnh vực giao thông đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Đây là vấn đề rất bức xúc trong xã hội, và đề nghị ngành Tư pháp cần có đề xuất đột phá để thực thi pháp luật được hiệu quả.

Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình

Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân. Đây là những cải cánh rất quan trọng trong hệ thống, ý nói đến sự đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng”.

Nhắc lại vụ việc vừa xảy ra ở Cần Thơ khi người dân đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, Thủ tướng yêu cầu Bộ và ngành Tư pháp phải giữ vai trò “gác cửa” trong việc đảm bảo tính thống nhất, hợp pháp, hợp lý, khả thi của hệ thống pháp luật.

“Chúng ta cần rút kinh nghiệm để tạo điều kiện phát triển hoặc không chúng ta lạc hậu. Cho nên tính hợp hiến và hợp pháp, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó có việc Bộ Tư pháp kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xem xét, xử lý việc ban hành văn bản trái luật đảm bảo loại bỏ các văn bản này loại bỏ khỏi hệ thống” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị với chức năng và vai trò được giao, Bộ Tư pháp cần xác định tập trung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế.

“Các đồng chí là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật và là người gác gôn của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc” - Thủ tướng nói.

Với vai trò “gác cửa” về tính hợp pháp của các văn bản pháp luật, theo Thủ tướng, Bộ Tư pháp cần kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng để xem xét xử lý việc ban hành văn bản trái luật. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp cần phải đôn đốc, chủ trì hướng dẫn một số công việc chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy trình, khả thi, chất lượng và hiệu quả.

Ngành Tư pháp đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Tại hội nghị, Bộ Tư pháp cho biết năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và định hướng công tác nhiệm kỳ của Bộ, ngành Tư pháp. Chính vì thế, toàn ngành sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 và chủ động triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành.

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hoàn thiện thể chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính. Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2021.

Ngành tư pháp cũng sẽ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Tiếp tục phương châm hướng về cơ sở, tăng cường công tác phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, cơ quan địa phương các Bộ, ngành nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai công tác tư pháp, pháp chế.

Tác giả: Nguyễn Trường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP