Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 4-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và một số dự án trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cho biết, năm 2019 kinh tế của tỉnh tăng trưởng 10,99%, đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ; quy mô nền kinh tế đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp còn 13,3%, công nghịệp xây dựng 44,7%, dịch vụ 42%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.811 tỷ đồng, đạt 104,6% dự toán, bằng 108% so năm 2018...

Về định hướng phát triển, Hà Tĩnh xác định mục tiêu tổng quát thời kỳ 2021 - 2030 là xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người nằm trong 20 tỉnh hàng đầu cả nước. Lựa chọn quan điểm phát triển “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về Hà Tĩnh là quê hương cách mạng; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân có truyền thống vượt khó, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển toàn diện từ KTXH, làm tốt công tác xây dựng Đảng, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí. Tỉnh đạt tăng trưởng kinh tế cao, cao nhất khu vực bắc miền trung; tiếp tục là động lực tăng trưởng của khu vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh; thu ngân sách tăng nhanh; xuất khẩu tăng trưởng khá; tỉnh quan tâm xây dựng nông thôn mới, có nhiều mô hình mới; sắp xếp lại cơ quan hành chính cấp xã, thôn được làm tốt. Đầu tư xã hội, phát triển doanh nghiệp, đời sống nhân dân được cải thiện; văn hóa xã hội được quan tâm, có nhiều tiến bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm...

Cùng với sự nỗ lực của địa phương, vấn đề là nội lực của tỉnh có ý nghĩa lớn. Hai tháng qua, tình hình phát triển KTXH trên địa bàn đạt khá, là bài học kinh nghiệm tốt cho các địa phương khác. Thủ tướng nêu rõ, từng địa phương phải phấn đấu quyết liệt thì mới đóng góp vào sự phát triển đất nước bởi chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phải bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH và giữ gìn an ninh quốc phòng địa phương.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hà Tĩnh để tỉnh nhận thức rõ và có giải pháp khắc phục thời gian tới.

Đề cập phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Tĩnh cần tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số; tận dụng thời cơ của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; tìm ra các lợi thế của Hà Tĩnh như cảng nước sâu, ý chí của người Hà Tĩnh, môi trường sạch... là những tầm nhìn mà chúng ta cần tiếp thu, hoàn thiện văn kiện để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp ở tỉnh, từ đó tạo sức mạnh từ cơ sở, từ nhân dân. Nhất trí các mục tiêu tổng quát của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh cần tiếp tục phát triển thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững KTXH, an ninh quốc phòng. Thủ tướng mong chỉ tiêu GRDP của Hà Tĩnh lọt vào top 20 tỉnh thành hàng đầu nước. Tỉnh hoàn toàn có lợi thế vì nhiều đồng chí trong hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt là người trẻ, nhiệt tình.

Do đó, tỉnh phải có khát vọng vươn lên; ngay năm nay thực hiện tốt các Nghị quyết của T.Ư Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh cần quyết tâm không thay đổi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra; coi trọng việc làm quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 để xác định hướng đi đúng. Chú trọng phát triển hạ tầng, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; phấn đấu trước năm 2025, Hà Tĩnh là tỉnh tự cân đối nguồn ngân sách. Tỉnh phải có ý chí khát vọng mạnh mẽ đóng góp cùng cả nước; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn; phát triển môi trường công nghệ thông tin hiện đại, phát triển Chính phủ điện tử và trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố có chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số chiếm tỷ lệ cao. Tiếp tục đồng bộ sắp xếp lại, tinh giản bộ máy, cải cách hành chính; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ. Có biện pháp phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, coi trọng kinh tế nhưng phải coi trọng bảo đảm môi trường, phòng ngừa ô nhiễm; chú trọng công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thủ tướng lưu ý, giai đoạn này, tỉnh phải tích cực, chủ động phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh trên tinh thần yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển.

TIN: THANH GIANG. ẢNH: TRẦN HẢI

Nguồn tin: Báo Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP