Thế giới

Thỏa thuận bí mật gây tranh cãi của bang Australia với Trung Quốc

Bang Victoria của Australia đã ký một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường bất chấp giới chức tình báo nước này cảnh báo về tầm ảnh hưởng gây tranh cãi của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Thủ hiến Victoria Daniel Andrews tại Australia năm 2017. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã không nắm bắt được thông tin rằng bang Victoria từng âm thầm “vượt mặt” các quy định liên bang khi ký một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm đưa bang này tham gia vào dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuần này, ông Morrison thông báo thỏa thuận được ký hồi tháng trước giữa chính quyền Trung Quốc và bang Victoria đã gây khó khăn cho chính quyền liên bang Australia trong việc thực thi chính sách đối ngoại đúng vào thời điểm các quan chức tình báo lo ngại nguy cơ Bắc Kinh tìm cách gia tăng ảnh hưởng quá mức tại Australia.

Chia sẻ với các phóng viên, Thủ tướng Morrison nói ông “ngạc nhiên” khi biết chính quyền bang Victoria đã tự mình tham gia vào các vấn đề liên quan tới quan hệ quốc tế mà không thảo luận trước với chính quyền liên bang.

“Họ hiểu rõ chính sách của chúng tôi trong những vấn đề như vậy và tôi nghĩ đây không phải là cách thức mang tính hợp tác hay hữu ích để xử lý những việc như thế này”, ông Morrison nói.

Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: EPA)

Trong khi đó, ông Daniel Andrews, Thủ hiến bang Victoria, cho rằng thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp của bang “tiến một bước gần hơn tới việc tiếp cận các cơ hội đầu tư và thương mại trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường tham vọng của Trung Quốc”. Ông Andrews cũng khẳng định thỏa thuận với Trung Quốc sẽ có lợi cho kinh tế của Victoria.

“Thỏa thuận mới đầu tiên của một bang ở Australia (với Trung Quốc) đã tổng kết tất cả những gì chúng ta đạt được với Trung Quốc trong 4 năm qua, bao gồm hoạt động thương mại nhiều hơn, nhiều việc làm tại Victoria hơn và thậm chí cả mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”, ông Andrews, thủ hiến bang duy nhất của Australia dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường của Trung Quốc, hồi tháng 5/2017, cho biết.

Tuy vậy, giới chỉ trích đã gọi hành động của Thủ hiến Andrews là “ngây thơ” khi chưa hiểu hết cách Trung Quốc sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để đẩy mạnh tầm ảnh hưởng toàn cầu của nước này thông qua việc giúp các nước thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Một số người khác cho rằng ông Andrews muốn đạt một thỏa thuận với Trung Quốc vì các lý do chính trị trong bối cảnh chính quyền bang Victoria sắp tổ chức bỏ phiếu trong cuộc bầu cử trong chưa đầy 2 tuần tới.

Dù mục đích thực sự của của ông Andrews là gì, thỏa thuận ký với Victoria cũng tạo một tiền lệ để Trung Quốc sau này có thể tiếp tục “qua mặt” các lãnh đạo quốc gia ở thủ đô Canberra và lôi kéo từng bang riêng rẽ của Australia.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cam kết chi hàng nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm qua để xây dựng các mạng lưới đường sá, nhà máy điện và cảng biển dọc châu Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến Vành đai và Con đường, chính sách đối ngoại then chốt của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, đã sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng như một cách để giành sự ủng hộ của bạn bè trên khắp thế giới đối với Trung Quốc, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Thỏa thuận gây tranh cãi

Thủ hiến Victoria Daniel Andrews (Ảnh: AFP)

Australia từ lâu đã tìm cách cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ đồng minh an ninh chiến lược với Mỹ. Kể từ khi cựu Thủ tướng John Howard lên nắm quyền cách đây hơn một năm, Australia luôn phải nỗ lực để giữ “hòa khí” với hai cường quốc này.

“Ông Howard từng nói rằng Australia không cần phải chọn lựa giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ đồng minh với Mỹ. Nhưng rõ ràng, cả hai lựa chọn này đều không thể thực hiện cùng một lúc với cách tiếp cận “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump và sự cứng rắn của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình”, Michael Clarke, phó giáo sư tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định.

Theo ông Clarke, chính quyền liên bang Australia cần làm rõ lập trường của nước này về việc liệu các bang của Australia có được phép nhận viện trợ của Trung Quốc trong khuôn khổ các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường hay không.

Australia có thể phản đối quyết định của bang Victoria khi ký thỏa thuận với Trung Quốc, song chính quyền liên bang cũng từng ký một biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh, trong đó phần lớn các nội dung vẫn được giữ kín.

“Tôi cho rằng sẽ là sai lầm khi một chính quyền bang ký thỏa thuận kiểu như vậy. Nó thậm chí có thể coi là hành động vi hiến. Tôi nghĩ sẽ là khôn ngoan hơn nếu Victoria không đồng ý ký thỏa thuận”, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia Peter Jennings nói, đồng thời nhận định thỏa thuận với Victoria có thể coi là hình thức “can thiệp chính trị” của Trung Quốc.

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo đã ký một thỏa thuận cho phép Australia và Trung Quốc hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng tại nước thứ 3 trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chính quyền liên bang cho đến nay vẫn chưa công bố chi tiết thỏa thuận này.

Chính quyền bang Victoria ban đầu từ chối tiết lộ nội dung của thỏa thuận mà bang này đã ký với Trung Quốc. Tuy nhiên ngày 12/11, Victoria đã quyết định công bố trên mạng bản thỏa thuận kéo dài 4 trang này. Bản thỏa thuận cho biết bang Victoria và Trung Quốc sẽ hợp tác cùng nhau để thúc đẩy động lực mới nhằm phát triển chung, đồng thời tăng cường sự kết nối về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và người dân.

Cũng theo thỏa thuận, các doanh nghiệp và tổ chức tại Victoria và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ đối tác dài hạn. Ngoài ra, hai bên cũng tăng cường hợp tác chính sách và thương mại. Thỏa thuận không mang tính ràng buộc pháp lý và có thời hạn 5 năm.

Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia Peter Jennings cảnh báo bang Victoria có thể đã vượt quá giới hạn khi ký thỏa thuận với Trung Quốc trong khi chưa thông qua chính quyền liên bang.

Theo ông Jennings, lãnh đạo các bang khác không nên đi theo Victoria. “Thành thực mà nói, hiện có xu hướng lãnh đạo các bang ngả theo Trung Quốc với sự cám dỗ của đồng tiền trước mắt, cũng như với suy nghĩ rằng họ có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ thỏa thuận (với Trung Quốc)”, ông Jennings nói thêm.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP