Kinh tế

Thị trường gạo cuối năm khó dự đoán

Cuối tháng 10/2017, giá cả lúa gạo ở ĐBSCL tăng lên do tác động từ thị trường xuất khẩu. Một số DN ký hợp đồng XK gạo cần mua lúa nhưng thiếu nguồn cung. Nông dân có tâm lý nôn nóng muốn gieo sạ lúa ĐX sớm.

Chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), XK gạo từ đầu năm đến cuối tháng 9 đạt hơn 4,3 triệu tấn/5,6 triệu tấn đã có hợp đồng. Hiện lượng gạo còn tồn kho trong các DN là 978.000 tấn, lượng gạo hàng hóa trong dân khoảng 1 triệu tấn nữa, tổng cộng xấp xỉ 2 triệu tấn, ước đảm bảo đủ cho hợp đồng XK 5,6 triệu tấn. Do đó sẽ không thiếu gạo, thiếu lúa, giá cả khó tăng đột biến. Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ xuống giống vụ ĐX của địa phương để tránh rầy nâu và sâu bệnh tấn công.

Ông Vũ Quang Cảnh, Phó trưởng phòng Nông sản thực phẩm - TCty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm hoạt động XK gạo chững, đến tháng 7/2017 mới có dấu hiệu khởi sắc, thể hiện ở 4 thị trường. Chính phủ Philippines tuyên bố năm 2017 và quí I/2018 có nhu cầu nhập khẩu 1,5 - 1,6 triệu tấn gạo. Bangladesh là thị trường thứ 2 khởi động nhập khẩu gạo Việt Nam, sau khi ký kết bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 nhập khoảng 500.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo đồ. Kế đến thị trường Indonesia. Liên tục từ 3 năm qua hầu như nước này không mua gạo Việt, nhưng năm nay họ mua trở lại. Thị trường thứ 4 là Malaysia, cũng đã quay lại mua gạo Việt Nam, bước đầu nhập khẩu 40.000 tấn và chuẩn bị mua tiếp thêm 80.000 tấn...

Trong 3 tháng cuối năm có một số dấu hiệu đáng chú ý. Philippines tổ chức đấu thầu gạo 2 đợt vừa qua và tuyên bố nhu cầu nhập khẩu 1,5 - 1,6 triệu tấn nhưng cho đến nay chính phủ nước này chưa có động thái và thông tin đặt hàng mua gạo. Hơn nữa vấn đề là chính phủ Philippines vừa mua gạo theo thị trường tập trung, đồng thời giao cho thương nhân thông qua chương trình thương nhân mua trực tiếp gạo Việt Nam. Và thương nhân Philippines chỉ mua loại gạo đặc sản và gạo thơm. Do đó cơ cấu giống lúa SX trong thời gian tới rất quan trọng. Nếu chính phủ Philippines mua theo thị trường tập trung giống lúa ưu tiên là IR50404, còn nếu thương nhân Philippines mua gạo theo hợp đồng thương mại thì chỉ ưu tiên giống lúa đặc sản như Jasmine, RVT, ST5.

Đối với thị trường Bangladesh tuy có nhu cầu mua gạo Việt Nam nhưng chủ yếu gạo đồ. Tỷ trọng gạo đồ trong tổng số 500.000 tấn gạo từ 2015 - 2020 chiếm 80% trong khi gạo đồ XK của nước ta trong những năm qua rất nhỏ. Toàn vùng ĐBSCL chỉ còn 1 công ty có nhà máy chế biến gạo đồ. Do vậy dù có thị trường, nhưng không có loại gạo này để xuất. Với Indonesia vừa qua có thông tin sẽ mua gạo của Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin đặt hàng mua gạo chính thức. Malaysia có nhu cầu lớn nhập khẩu gạo Việt nhưng vụ mùa 2017 Thái Lan mới thu hoạch đã có sản lượng 3 triệu tấn gạo. Do đó Malaysia có xu hướng chuyển sang mua gạo Thái Lan vì chi phí vận chuyển thấp hơn. Tháng 11 sắp tới, Thái Lan vào mùa lúa chính vụ sẽ tạo ra sản lượng rất lớn. Từ nay đến cuối năm và vụ ĐX gạo Việt phải cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan.

Để tăng sức cạnh tranh gạo Việt trên thị trường, vấn đề đặt ra về cơ cấu giống SX sắp tới sẽ như thế nào? Theo ông Cảnh, trong thời gian qua gạo nếp chiếm tỷ trọng 22%; gạo thơm, gạo đặc sản chiếm 28%. Về nhu cầu thị trường sắp tới đứng đầu là lúa đặc sản, kế đến lúa thơm, lúa chất lượng cao và lúa thông dụng. Lúa thông dụng phát triển khi có thị trường tập trung như IR50404. Vì vậy các địa phương cần quan tâm chú trọng SX các loại gạo thơm, đặc biệt gạo đặc sản.

Vinafood 2 khuyến cáo một số địa phương phát triển diện tích trồng nếp cần lưu ý, bởi nếp chỉ tiêu thụ nội địa và XK chỉ có thị trường Trung Quốc “ăn” các giống nếp CK92, nếp Cái Bè. Từ đó dẫn đến tình trạng hồi đầu vụ ĐX vừa qua, nếp CK92 ở mức 5.800 - 6.000 đ/kg nhưng đến cuối vụ ĐX do Trung Quốc không còn “ăn” nếp nữa nên giá rớt xuống còn 4.900 đ/kg, thậm chí có lúc còn 4.200 đ/kg. Đây là vấn đề thận trọng khi mở rộng diện tích.

Tác giả: HƯNG PHÚ

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP