Hà Tĩnh ngày nay

Thị trấn Kỳ Anh: Cần một chương trình phát triển đô thị xứng tầm

“Thời gian tới, thị trấn Kỳ Anh sẽ khoác lên mình nhiệm vụ lớn với vai trò quan trọng, do đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh cần xây dựng chương trình phát triển đô thị phù hợp với vai trò thị trấn Kỳ Anh mở rộng, phù hợp với nguyện vọng, quyết tâm của tỉnh”. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh tại Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận thị trấn Kỳ Anh mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào ngày 18/11, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị còn có ông Võ Kim Cự – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND huyện Kỳ Anh cùng các thành viên Hội đồng thẩm định.

Rời xa hình ảnh của một huyện nghèo

Kỳ Anh là thị trấn huyện lỵ của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, với xuất phát điểm từ một huyện nghèo nhất Hà Tĩnh. Tới nay, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và chính quyền địa phương, huyện đã phát triển năng động, đạt nhiều thành tựu vượt bậc về các mặt kinh tế – xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực theo hướng công nghiệp hóa, nhiều dự án trọng điểm được quan tâm đầu tư trên địa bàn như nhà máy cán thép của Tập đoàn Formosa, nhà máy lọc hóa dầu, KCN nặng…

Hiện nay, huyện Kỳ Anh đang nằm trong vùng kinh tế động lực nam Hà Tĩnh – bắc Quảng Bình, có nền kinh tế đa dạng, các ngành kinh tế phát triển mạnh, kinh tế vùng hình thành rõ nét… đang tạo thuận lợi thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, khu kinh tế (KKT) Vũng Áng trên địa bàn huyện Kỳ Anh là một trong 5 KKT trọng điểm ven biển của cả nước được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư.


Một góc Khu kinh tế Vũng Áng.

Thị trấn Kỳ Anh mở rộng sẽ bao gồm thị trấn Kỳ Anh, các xã Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh với tổng diện tích 16.325,67ha. Thị trấn có tính chất là trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh và liên tỉnh; là hạt nhân phát triển của khu vực phía nam tỉnh Hà Tĩnh và vùng Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình.

Định hướng phát triển trong thời gian tới sẽ trở thành 1 thị xã công nghiệp (luyện thép, nhiệt điện, hóa dầu) – cảng biển (nước sâu, công suất lớn) và dịch vụ, du lịch. Thị xã mới sẽ trở thành trung tâm tổng hợp, là đầu mối giao thông, giao lưu, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định: “Đây là đô thị tương đối đặc thù, là một huyện nghèo nhưng trong những năm gần đây đã có sự phát triển nhanh. Cũng bởi vậy, nên dẫn đến, việc tuân thủ một số tiêu chuẩn, tiêu chí không đạt được so với tiêu chuẩn đô thị”.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn, chỉ tiêu được quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP, thì hiện trạng hạ tầng đô thị của thị trấn Kỳ Anh có 30 chỉ tiêu đã đạt và vượt mức tối đa như: tổng thu ngân sách 2013 là 319,677 tỷ đồng; tổng chi ngân sách trên địa bàn năm 2013 là 161,928 tỷ đồng, cân đối thu chi là dư. GDP bình quân đầu người năm 2013 là 26,250 triệu đồng/người, tương đương 1.250USD/người (bình quân cả nước là 1.960 USD/người), bằng 0,64 lần so với cả nước. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 20,87%; tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nghiên cứu năm 2013 là 11,5%…

Có 16 chỉ tiêu đạt trên mức điểm tối thiểu nhưng còn thấp. 3 nhóm chỉ tiêu chưa đạt điểm là mức tăng dân số hàng năm, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ đường phố chính khu vực tập trung dân cư được chiếu sáng.

Cần một chương trình phát triển đô thị xứng tầm


Đèo Ngang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: H.H

Báo cáo thẩm định của Cục Phát triển đô thị, báo cáo phản biện của Bộ Nội vụ, các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng đều nhất nâng loại thị trấn Kỳ Anh mở rộng thành đô thị loại IV với 85,5 điểm. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng lưu ý: Song song với sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, sự phát triển các ngành công nghiệp nặng của KKT Vũng Áng, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Như ý kiến của đại diện Bộ Công Thương thì “Kỳ Anh mở rộng cần có tầm nhìn dài hạn, phát triển KKT Vũng Áng đặt ra thách thức lớn, nhất là về môi trường”.

Bộ VHTT&DL cho rằng, một số chỉ tiêu về thể thao, văn hóa của thị trấn còn thấp so với các địa phương khác, do vậy, cần quan tâm phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế.

Ý kiến từ Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) lại lưu ý tỉnh Hà Tĩnh khi thực hiện chương trình phát triển đô thị phải lồng ghép với ứng khó với biến đổi khí hậu để tránh hậu quả của thiên tai.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định – Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh hoàn toàn đồng tình với các ý kiến của Hội đồng, công nhận thị trấn Kỳ Anh mở rộng là đô thị loại IV. Thứ trưởng cũng lưu ý UBND tỉnh, huyện và thị trấn cần nhanh chóng xây dựng chương trình phát triển đô thị phù hợp với vai trò, chức năng của thị trấn Kỳ Anh mở rộng, từ đó mới có căn cứ xác định các dự án ưu tiên và có cơ sở vững chắc để thực hiện quản lý quy hoạch sau khi Kỳ Anh được nâng loại.

Bên cạnh đó, cần tập trung cho công tác quy hoạch làm cơ sở quản lý quy hoạch, đảm bảo yếu tố môi trường, tăng chất lượng cuộc sống người dân, chuyển tư duy từ nông thôn lên thành thị…

Cảm ơn ý kiến của Hội đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh hứa sẽ tiếp thu ý kiến Hội đồng, phát triển Hà Tĩnh và Kỳ Anh vững mạnh trong thời gian tới.

Ngọc Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP