Tin Hà Tĩnh

Thêm 1 Giám đốc bệnh viện bị bắt trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế

Ngoài 4 cựu Giám đốc, PC03 Công an Hà Tĩnh cũng đã bắt giữ Giám đốc bệnh viện Nghi Xuân. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng đang được điều tra làm rõ.

5 cựu Giám đốc, 3 kế toán bệnh viện bị khởi tố

Ngày 7/1, thông tin từ Công an Hà Tĩnh, ngoài 4 Giám đốc bệnh viện tuyến huyện gồm: Lê Văn Bình (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà); Lê Thế Nhiên (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc); Trần Văn Nhân (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ); Nguyễn Quang Hòe (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn), cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can Hà Thanh Sơn, nguyên Giám đốc bệnh viên Đa khoa huyện Nghi Xuân.

Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Hà Thanh Sơn của VKSND tỉnh Hà Tĩnh.


Như vậy, đến thời điểm hiện tại, đã có 5 cựu Giám đốc các bệnh viện tuyến huyện và 3 kế toán bị khởi tố bị can liên quan vụ án nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại tỉnh này. Trong số 8 bị can nói trên có 3 bị can bị bắt tạm giam.

Ngày 6/1, PC03 Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án số 01; quyết định khởi tố bị can số 01 đối với bị can Mai Thị Hoa (SN 1974, Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh) từ tội Trốn thuế thành tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Bị can Mai Thị Hoa tại CQĐT.


Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước

Liên quan đến trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước để xảy ra việc nâng khống giá các bộ máy giặt, máy sấy mua từ nguồn Ngân sách, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp Luật, quy trình mua sắm máy giặt, máy sấy phục vụ cho bệnh viện được thông qua UBND tỉnh và sở Tài chính Hà Tĩnh.

Theo đó, sau khi có giá đã thẩm định, các bệnh viện tuyến huyện nói trên làm tờ trình xin chủ trương mua sắm và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch mua sắm.

Ngày 8/11/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3386/QĐ-UBND do ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy công nghiệp tại bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, giá gói thầu là 3.050.000.000 đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi đấu thầu công khai, ngày 26/12/2018, bệnh viện Đa khoa Can Lộc ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh (CP đầu tư TTBYT Hà Tĩnh).

Quyết định số 3131 do ông Đặng Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký phê duyệt mua bộ máy giặt, máy sấy tại bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ với giá 3,05 tỷ đồng.


Tương tự, tại bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, sau khi làm tờ trình, ngày 18/1/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3131/QĐ-UBND do ông Đặng Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký phê duyệt kế hoạch mua 1 máy giặt, 1 máy sấy công nghiệp với tổng mức đầu tư 3.050.000.000 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là công ty CP đầu tư TTBYT Hà Tĩnh với giá 3 tỷ đồng.

Với hình thức như trên, các bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn mua 1 máy giặt và 1 máy sấy với số tiền 3 tỷ đồng; bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà mua 2,998 tỷ đồng và bệnh viện Nghi Xuân mua 2,597 tỷ đồng. Các bộ máy giặt, máy sấy 5 bệnh viện mua đều do một hãng sản xuất và duy nhất một đơn vị trúng thầu là công ty CP đầu tư TTBYT Hà Tĩnh.

5 bộ máy sấy, máy giặt tại các bệnh viện bị nâng khống giá từ 2,712 tỷ lên 14,595 tỷ đồng.


Trước đó, đại diện sở Y tế Hà Tĩnh xác nhận với báo chí, các bệnh viện nói trên không thông qua sở Y tế về việc mua sắm. Sở Y tế chỉ được biết để thi hành sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt.

Còn sở Tài chính Hà Tĩnh lại cho hay, việc thẩm định giá là do sở Tài chính căn cứ chứng thư thẩm định giá của 1 doanh nghiệp ở Hà Nội do các bệnh viện huyện cung cấp, đơn vị không thực hiện thẩm định giá đối với tài sản máy giặt, máy sấy công nghiệp mà các bệnh viện đã mua. Sở Tài chính có thẩm định kế hoạch mua sắm nhưng không thẩm định về giá. Khi doanh nghiệp trình chứng thư thẩm định giá là cơ sở để sở Tài chính thẩm định giá đấu thầu.

Hình ảnh thời điểm cơ quan điều tra khám nhà bị can Mai Thị Hoa.

Ngoài trách nhiệm của bị can Mai Thị Hoa và 5 vị Giám đốc, 3 kế toán bệnh viện tuyến huyện vừa bị khởi tố thì trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước: UBND tỉnh Hà Tĩnh, sở Tài chính như thế nào trong vụ án nâng khống giá thiết bị y tế? Có hay không việc tư lợi, buông lỏng quản lý của các cơ quan ban ngành khiến thất thoát ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng đang được PC03 Công an tỉnh này tiếp tục điều tra, mở rộng.

Theo hồ sơ điều tra, từ 8/2018 - cuối 2019, bị can Mai Thị Hoa biết rõ giá của 1 máy giặt, máy sấy, xuất xứ Hàn Quốc từ 500 – 550 triệu đồng nhưng đã thông đồng cùng một số đối tượng tại bệnh viện Đa khoa các huyện: Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân để nâng giá trị tài sản của máy giặt, máy sấy gần 3 tỷ/bộ, thông qua hình thức thẩm định giá. Hoa đã gian lận, trong đấu thầu, sử dụng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, không có báo cáo thẩm định giá kèm theo theo đúng quy định để đề xuất giá gói thầu 3,05 tỷ đồng, riêng tại Nghi Xuân là 2,7 tỷ. Sau đó, để được trúng thầu, Hoa đã có hành vi thông thầu, nhờ hồ sơ pháp lý của các doanh nghiệp tại Hà Nội, nhờ người thân bạn bè, các người thân của Hoa dự thầu. Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh của Hoa đã trúng thầu 5 gói thầu tại 5 bệnh viện (1 bộ ở bệnh viện Thạch Hà 2,998 tỷ; 3 bệnh viện ở Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn mỗi bộ 3 tỷ đồng và ở bệnh viện Nghi Xuân trị giá 2,597 tỷ).

Qua điều tra, cơ quan công an xác định việc mua hóa đơn nhằm mục đích che dấu những hành vi nói trên không nhằm mục đích trốn thuế. Sau quá trình điều tra, ngày 18/9/2020, PC03 Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Mai Thị Hoa về tội Trốn thuế.

Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này!

Tác giả: Bùi Thị Ngân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP