Giải trí

Thế giới cổ tích Oscar Wilde - khu vườn của tình yêu và cái đẹp

Oscar Wilde khắc họa một thế giới hoàn mỹ, nơi cái đẹp và tình yêu hòa quyện tuyệt đối.

Oscar Wilde, nhà văn nổi tiếng người Ireland, đã in dấu thành công trên mọi thể loại: kịch, tiểu thuyết, tiểu luận và thơ ca. Trong đó, có hai tập truyện phong cách cổ tích: tập thứ nhất ra mắt năm 1988 với tên Chàng hoàng tử hạnh phúc và những câu chuyện khác (The Happy Prince and Other Tales) và tập thứ hai ra mắt năm 1891 với tựa đề Ngôi nhà thạch lựu (A House of Pomegranates).

Năm truyện Chàng hoàng tử hạnh phúc, Đóa hồng đỏ và chim sơn ca, Gã khổng lồ ích kỷ, Người bạn chân thành và Quả đạn pháo ngoại hạng trong tập thứ nhất, cùng bốn truyện Ông hoàng trẻ, Sinh nhật công chúa Tây Ban Nha, Chuyện chàng đánh cá và Bé Sao trong tập thứ hai vẽ ra một thế giới cổ tích rất riêng, khiến người đọc thấy vừa quen vừa lạ. Sự chân thật đến nhói lòng và sự bay bổng cực độ hiện diện cùng lúc trong thế giới ấy.

Nếu phải chọn ra dấu ấn độc đáo của loạt truyện cổ tích Oscar Wilde, đó là sự gắn kết kỳ lạ giữa cái đẹp và tình yêu. Như thể hai mặt của một trang giấy, chúng tồn tại cùng nhau, đến nỗi khó xác định được tình yêu sinh ra cái đẹp hay cái đẹp tạo nên tình yêu. Khi mỗi câu chuyện cổ tích của Oscar Wilde tiến đến những dòng chữ cuối cùng, cũng là lúc cái đẹp đạt đến độ toàn thiện, còn tình yêu vươn đến độ toàn mỹ.

Cuối năm nay, Nhà Xuất bản Kim Đồng sẽ xuất bản trọn bộ cổ tích của Oscar Wilde qua bản dịch mới của Nhã Thuyên.

Hoàn cảnh gia đình và môi trường giáo dục đã góp phần tạo nên cá tính độc đáo và khuynh hướng duy mỹ trong tư tưởng của Oscar Wilde, thúc đẩy ông dành cả cuộc đời để theo đuổi cái đẹp. Trên hành trình vô tận đó, ông đã khám phá cái đẹp trọn vẹn nhất trong tình yêu.

Đó là tình yêu của chú én nhỏ với chàng hoàng tử hạnh phúc, chim sơn ca với đóa hồng đỏ, gã khổng lồ ích kỷ với cậu bé tí hon, Hans với người bạn bội bạc Miller, cậu Lùn với nàng công chúa Infanta vô tâm, chàng đánh cá với nàng tiên cá… Có tình yêu được đền đáp, cũng có tình yêu bị hắt hủi, phản bội. Nhưng sau tất cả, những câu chuyện của Oscar Wilde vẫn là lời ca tụng tình yêu theo nghĩa rộng lớn nhất của nó. Tình yêu giữa mọi tạo vật trên thế gian này là điều đẹp đẽ và chân thật nhất.

Những truyện cổ tích của Oscar Wilde hàm chứa tính đa nghĩa khiến cho chúng có thể phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi. Cùng những câu chữ mực đen trên giấy trắng, song người đọc tám tuổi, 18 tuổi, 38 hay 80 tuổi sẽ mở ra những bản hoàn toàn khác nhau.

Cũng như vậy, khác biệt văn hóa không thể trở thành rào cản trong việc tiếp nhận truyện cổ tích của Oscar Wilde. Chẳng hạn, màu sắc tôn giáo nổi bật trong tập truyện là điều dễ nhận thấy. Song đó dường như không hề là rào cản với người đọc từ các nền văn hóa khác. Hình ảnh vườn địa đàng có thể hóa thân vào bất cứ chốn nào - nơi người ta tìm thấy sự vĩnh cửu của tình yêu và cái đẹp. Sự cứu rỗi, dâng hiến cũng không hạn chế trong ý nghĩa tôn giáo mà có thể được hiểu như những hành động thuộc về bản năng yêu thương của con người.

Nhà văn Oscar Wilde (1854 - 1900).

Trong những nhân vật nổi bật nhất phảng phất hình bóng của chính "cha đẻ" chúng - nhà văn Oscar Wilde: tha thiết với cuộc sống, yêu thương mãnh liệt và hết sức sắc sảo trong lời ăn tiếng nói. Giả sử có lúc nào đó ông giận dỗi mà thốt lên như nhân vật chàng sinh viên trong truyện Đóa hồng đỏ và chim sơn ca: “Ngớ ngẩn thay tình yêu. […] Thật chẳng hữu ích bằng nửa so với logic học, bởi nó chẳng chứng minh được gì”, thì chắc chắn cũng có khi ông cất tiếng như nhân vật trong Chuyện chàng đánh cá: “Tình yêu tốt đẹp hơn minh triết, quý báu hơn tất cả châu báu trên đời và tuyệt vời hơn đôi chân các nàng thiếu nữ…”. Truyện cổ tích của Oscar Wilde khiến người đọc rung động chính bởi cách ông chia sẻ về mọi thứ, không phải như một kẻ giáo huấn mà như người bạn.

Tác giả: Diệu Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP