Theo Luật Căn cước công dân, từ ngày 1.1.2016, người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ CCCD 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

 Đại tá Phùng Đức Thắng – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an. 

Đại tá Phùng Đức Thắng – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an cho biết: Đến thời điểm này, có 16 địa phương trên cả nước đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật để cấp CCCD theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Ngoài ra, Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình cũng đủ tiêu chuẩn cấp thẻ CCCD từ đầu năm 2016.

Không nên vội vàng

Trao đổi với Lao Động, Thượng tá Nguyễn Danh Quảng – Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công an Hà Nội cho biết: Hiện nay, tại Hà Nội công tác chuẩn bị cho việc cấp thẻ CCCD đã xong và chờ ngày triển khai. Về việc này, Hà Nội đã chuẩn bị rất chu đáo và công phu từ việc tập huấn Luật căn cước, phần mềm, quy tắc ứng xử trong giao tiếp. Thậm chí đã chỉ đạo Công an các quận, huyện chỉnh trang lại trụ sở, bổ sung phương tiện…

Khi được hỏi về việc giữa chứng minh nhân dân (CMND) và thẻ CCCD có sự khác nhau như nào, Thượng tá Quảng cho hay: Nói về bản chất thì CMND và CCCD giống nhau, là loại giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân. Về hình dáng, màu sắc, nội dung in trên thẻ CCCD cơ bản giống CMND loại 12 số. Tuy nhiên, về nội dung thẻ CCCD có 19 mục, trong khi CMND có 20 mục, bỏ phần “Họ và tên gọi khác”. Thẻ CCCD không có phần khai “Dân tộc”, nhưng có thêm mục “Quốc tịch”. Dấu in trên CMND là con dấu của Bộ Công an, nhưng trên thẻ CCCD là hình Quốc huy. Một điểm khác nhau nữa là hạn sử dụng, hạn của CMND là 15 năm. Với thẻ CCCD, sau lần cấp mới, mọi người phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.

 Mặt trước của thẻ Căn cước công dân.

Từ việc có nhiều sự tương đồng giữa CMND và thẻ CCCD nhiều ý kiến cho rằng sẽ bị lãng phí và không cần thiết phải làm thẻ CCCD. Vấn đề này, Thượng tá Quảng nói, “luật đã ban hành và có hiệu lực, tất cả công dân Việt Nam nên chấp hành”.

Thượng tá Quảng cũng khuyên, sắp tới khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, những người dân đang sử dụng chứng minh thư còn thời hạn thì không nên vội đi làm Thẻ CCCD. Bởi lẽ, những ngày đầu chắc chắn có rất nhiều người đi làm thẻ CCCD nên về thời gian sẽ lâu hơn.

Video người dân đang làm thủ tục chứng minh thư, hộ chiếu tại Công an Hà Nội địa chỉ số 44 Phạm Ngọc Thạch.