Xã hội

Thanh Hóa: Cả thôn 40 năm khổ sở vì nước nhiễm xăng

Hơn 30 hộ dân ở xã Công Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) phải sống trong cảnh đi xin nước sinh hoạt hoặc nhờ “nước trời” vì nguồn nước chính bị nhiễm xăng.

Bà Sen phải xây bể chứa nước mưa dùng để sinh hoạt, còn chiếc giếng khoan ứ đọng đầy váng xăng, dầu

Sự việc đã xảy ra hơn 40 năm nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào xử lý dứt điểm.

Nước sinh hoạt bị ô nhiễm

Có lẽ chẳng nơi nào như thôn Yên Ninh (xã Công Bình, huyện Nông Cống) khi mà cuộc sống luôn thiếu nước sinh hoạt. Những ngôi nhà không có giếng không có gì lạ với người dân nơi đây trong hàng chục năm qua.

Đồi K6 - nơi trước đây là trạm trung chuyển xăng dầu, thuộc thôn Yên Ninh, xã Công Bình trong những năm chiến tranh đã trở thành toạ độ để giặc Mỹ đánh phá. Hàng chục nghìn khối xăng, dầu cũng vì thế mà bị rò rỉ ngấm sâu vào lòng đất, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân sống xung quanh.

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, nguồn nước tại thôn Yên Ninh, xã Công Bình, huyện Nông Cống có váng dầu và mùi xăng, phân tích dầu mỡ khoáng trong nước giếng khoan cho thấy vượt quy chuẩn cho phép 2,62 lần (không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Sen (67 tuổi), trú tại thôn Yên Ninh cho hay: “Sau khi giặc Mỹ đánh bom xuống kho xăng, toàn bộ xăng trong nhiều téc và đường ống bị vỡ ngấm sâu vào lòng đất rồi chảy theo mạch nước. Đã hơn 40 năm nay, chúng tôi khoan, đào giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng không được. Dù có khoan sâu mấy nhưng nước vẫn có mùi xăng. Nơi đất cao thì đỡ nhưng càng xuống dưới chân đồi K6 càng thấy rõ. Hiện nay, chúng tôi cũng chỉ biết hứng nước mưa và nhờ kéo nước máy từ làng khác trong xã về sinh hoạt”.

Cũng theo bà Sen, những năm sau chiến tranh, bà con trong vùng thường xuyên lấy xăng từ nước để thắp sáng. Trước đây, cả thôn có hơn 100 hộ dân nhưng giờ đã bỏ đi nơi khác hết chỉ còn lại gần 40 hộ, nguyên nhân người dân bỏ làng ra đi cũng xuất phát từ việc nguồn nước bị ô nhiễm. “Những người ở lại cũng phải cố gắng sống, trong thôn có nhiều người chết vì ung thư và mắc bệnh viêm họng, nhưng nguyên nhân dẫn tới việc này cũng chưa được khẳng định là có phải do nguồn nước nhiễm xăng không”, bà Sen lo lắng.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tình (48 tuổi, trú tại thôn Yên Ninh) cho biết: “Từ khi lập nghiệp ở đây khoảng hơn 20 năm trước, gia đình đã đào 5 cái giếng nhưng nước vẫn có váng xăng, mùi xăng dầu bốc lên nồng nặc không thể sử dụng. Gia đình cũng đào một cái ao lớn để nuôi cá nhưng nước trên đồi cứ chảy theo mạch ra đỏ ngầu, mùi xăng bốc lên nồng nặc. Giờ uống nước mưa, hết nước mưa thì mua nước máy cách đó khoảng 1km về dùng”.

Khu vực đào ao của nhà ông Tình nước chảy ra vẫn còn váng xăng dầu màu đỏ

Loay hoay tìm giải pháp

Ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình cho biết: Sự việc này xảy ra từ rất lâu. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi kho xăng dầu trên đồi K6 bị vỡ rò rỉ ngấm vào lòng đất cho đến nay. Trong gần 40 hộ dân ở thôn Yên Ninh có 10 hộ ảnh hưởng nặng bởi nguồn nước bị nhiễm xăng không thể sử dụng. Có nhà đào ao nuôi cá cũng không thể được, càng đào nước đỏ có chứa xăng dầu từ mạch đất chảy ra. Những hôm nắng nóng mùi bốc lên hôi và khó chịu.

“Về biện pháp, hiện nay chúng tôi một mặt vận động nhân dân dùng bể chứa tích nước mưa. Hoặc là phải di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ra khu vực khác đến nơi ở mới. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự đồng thuận của nhân dân và quy hoạch của huyện”, ông Dùng nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Nông Cống cho biết: “Huyện cũng đã có nhiều văn bản trình lên các sở, ngành, UBND tỉnh để có giải pháp xử lý lâu dài nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý khả quan. Bước đầu, phương án múc hết đất ra để thanh lọc phần nhiễm xăng dầu nhưng cái này rất tốn kém kinh phí. Phương án thứ 2 là di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nhưng bà con không chịu”.

“Bài toán này cũng đã nói rất nhiều rồi nhưng rất khó. Sang năm có một đơn vị xây dựng nhà máy nước sạch nên chỉ còn phương án này là tốt nhất. Hiện, bà con nhân dân cũng đã tự khắc phục tình trạng này bằng việc đưa nguồn nước sinh hoạt từ nơi khác về và sử dụng bể đựng nước mưa”, ông Tùng cho hay.

Một điều bất cập ở đây là sự việc đã xảy ra hàng chục năm, nhiều văn bản, nhiều đoàn khảo sát kiểm tra từ huyện tới tỉnh nhưng đến nay vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Và đến khi người dân kiến nghị mãi rồi cũng đến lúc tự thân họ vận động, tự tìm lấy nguồn nước để duy trì sự sống!

Tác giả: Phúc Tuấn

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP