Kinh tế

Thành công từ mô hình tổng thầu trong nước

Tại lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, mô hình tổng thầu EPC và chủ đầu tư trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn sẽ là hướng đi của nhiều dự án trong tương lai. Điều này khẳng định sự tin tưởng và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước, trong đó có DN cơ khí.

Kết nối giao diện khu điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 do LILAMA làm tổng thầu EPC.
Kết nối giao diện khu điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 do LILAMA làm tổng thầu EPC.

Tin tưởng doanh nghiệp trong nước

Tại dự án thủy điện Sơn La, mô hình tổng thầu EPC, gồm Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi, Tổng Công ty Trường Sơn và chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai thành công dự án vượt yêu cầu tiến độ ba năm, làm lợi cho ngân sách hơn một tỷ USD. Mô hình này tiếp tục được phát huy và khẳng định trên công trường thủy điện Lai Châu cho dù thực tế tại công trường còn nhiều khó khăn về thời tiết, địa hình, bàn giao thiết bị chậm…, nhưng tiến độ luôn vượt yêu cầu và chắc chắn sẽ đưa tổ máy số 1 phát điện vào cuối năm 2015.

Không chỉ tại các dự án thủy điện, các dự án nhiệt điện cũng phát huy tốt vai trò tổng thầu trong nước. Gần đây nhất, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Lilama làm tổng thầu EPC. Với những kinh nghiệm triển khai tại một số dự án nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1, sự phối hợp giữa hai đơn vị này cũng đem lại nhiều kết quả khả quan. Các đơn vị của Lilama đã đảm nhận hầu hết phần việc quan trọng trong công tác lắp đặt và chế tạo thiết bị, làm lợi cho chủ đầu tư hàng trăm triệu USD về chi phí đầu tư, cũng như chi phí vận hành trong suốt vòng đời nhà máy do tăng công suất (hơn 5,8% công suất định mức), nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu. Theo Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn, các chỉ số khí về môi trường được bảo đảm, thậm chí một số chỉ số còn thấp hơn mức cam kết. Hai tổ máy đến nay phát điện ổn định lên lưới, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt điện năng vừa qua. Đây cũng là dự án thành công khi được hưởng cơ chế đặc thù, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tin tưởng, phát huy nội lực của chủ đầu tư và tổng thầu EPC đều là các DN trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (Vami) Nguyễn Văn Thụ nhận xét, thành công từ mô hình tổng thầu trong nước là do sự quyết tâm từ Chính phủ, mạnh dạn giao cho các đơn vị trong nước đảm nhiệm các dự án trọng điểm quốc gia. Thực tế đã chứng minh, các phần việc liên quan đến thi công đập của thủy điện hoặc lắp đặt, chế tạo kết cấu thép tại dự án nhiệt điện đã thành công, thậm chí năng lực một số DN trong các lĩnh vực này đã đạt tầm khu vực, có thể đảm nhận 100% việc xây dựng, lắp đặt,
thi công công trình.

Tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho biết, tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, tỷ lệ nội địa hóa chế tạo thiết bị đạt khoảng 30%, giá trị chưa cao, nhưng sắp tới tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Lilama sẽ đẩy mạnh, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa về giá trị, phấn đấu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng trên giá trị tổng thầu EPC khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, ngay từ khâu hồ sơ yêu cầu và quá trình đàm phán ký kết hợp đồng EPC, PVN đã yêu cầu Lilama dành tối đa năng lực tư vấn thiết kế, chế tạo, thi công và quản lý dự án cho các DN trong nước. Quán triệt tinh thần của Quyết định 1791/QĐ-TTg (QĐ 1791) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được đưa vào vận hành giai đoạn 2012 – 2025, Lilama đã khẩn trương huy động nguồn lực, tổ chức triển khai nhằm sớm đưa nhà máy vào vận hành, đáp ứng nhu cầu điện năng cho khu vực Nam Bộ. “Để dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 chính thức triển khai xây dựng, các bước chuẩn bị đều được thẩm duyệt và phê duyệt đúng quy định. Không có chuyện chưa có định mức dự toán mà đã triển khai thi công” – Tổng Giám đốc Lilama khẳng định.

Tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, cùng với việc toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt do các đơn vị trong nước thực hiện, hầu hết các hệ thống phụ trợ thuộc danh mục theo QĐ 1791 được giao cho các đơn vị trong nước chủ trì. Theo tính toán, khối lượng thiết bị, kết cấu mà các DN trong nước thực hiện khoảng 56 nghìn tấn, chiếm khoảng 50% tổng khối lượng toàn dự án. Đồng thời các nhà thầu nội cũng đảm nhận từ 40% đến 60% khối lượng công việc tư vấn, thiết kế tùy thuộc đặc thù bản quyền công nghệ của mỗi hệ thống. Sau sáu tháng ký hợp đồng EPC, đến nay giá trị phần việc cho các nhà thầu nội chiếm khoảng 34% giá trị hợp đồng EPC, bao gồm cả phần xây lắp, trong đó giá trị phần chế tạo thiết bị do DN cơ khí trong nước thực hiện chiếm khoảng 20,6%. Thời gian tới, tổng thầu sẽ tiếp tục lựa chọn và ký kết hợp đồng thầu phụ với các đơn vị trong nước, do đó tỷ lệ nội địa hóa thiết bị sẽ tiếp tục tăng, chắc chắn bảo đảm tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các DN cơ khí trong nước thực hiện không dưới 50% theo đúng QĐ 1791.

Theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện nêu rõ, quá trình thực hiện thí điểm đã đi vào thực chất hơn. Tỷ lệ giá trị thực hiện của các DN trong nước, bao gồm cả DN FDI trên tổng giá trị hợp đồng EPC đã tăng rõ rệt: Vĩnh Tân 4 khoảng 36%, Thái Bình khoảng 37,5%, Sông Hậu 1 khoảng 40%… Đồng thời, trong quá trình thực hiện, các DN cơ khí tham gia vào Chương trình thí điểm tại QĐ 1791 cũng phải tuân theo quy luật thị trường. Chủ đầu tư, tổng thầu EPC là các đơn vị phải chịu trách nhiệm về các dự án do mình làm chủ đầu tư và chủ trì thực hiện, do đó cần căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm, giá chào thầu… của các đơn vị cơ khí trong nước để quyết định việc sử dụng dịch vụ của các đơn vị, cùng với việc sử dụng khả năng tự thực hiện của các chủ đầu tư và tổng thầu EPC theo quy định… Do vậy, việc ký kết là minh bạch, các DN cơ khí trong nước cần tích cực, chủ động liên kết, hội nhập, không nên trông chờ vào cơ chế “xin – cho” như trước đây; tích cực tham gia thị trường xuất khẩu để bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động và phát triển bền vững.

Minh Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP