Dự án đầu tư

Thận trọng với đề xuất thành lập đặc khu kinh tế của Formosa

Nhà đầu tư Formosa đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Vũng Áng và xin hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt, nằm ngoài khung pháp lý của Việt Nam

    >> Formosa muốn thiết lập đặc khu gang thép Vũng Áng

Đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng của nhà đầu tư Đài Loan là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) hiện nằm trong Khu Kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) vừa trình lên Chính phủ đang được dư luận quan tâm rất nhiều. Đa số lãnh đạo bộ, ngành cùng chuyên gia đề nghị Chính phủ hết sức cân nhắc và không nên tạo tiền lệ.

Khó có thể chấp thuận

Theo một lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh, hiện Khu Kinh tế Vũng Áng là 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Chính phủ và chính quyền địa phương đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho Formosa. Việc đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Vũng Áng, Formosa không kiến nghị với tỉnh mà gửi thẳng lên Chính phủ.

Đề xuất của Formosa biến Khu Kinh tế Vũng Áng thành đặc khu kinh tế gây nhiều lo ngạiẢnh: ĐỨC NGỌC
Đề xuất của Formosa biến Khu Kinh tế Vũng Áng thành đặc khu kinh tế gây nhiều lo ngạiẢnh: ĐỨC NGỌC

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nêu quan điểm không đồng tình vì cho rằng hiện dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai…

Việc biến Khu Kinh tế Vũng Áng thành đặc khu kinh tế với ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ (như Formosa đề xuất), theo Bộ KH-ĐT, là chưa có tiền lệ và không cần thiết vì hiện tại đã có Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai dự án Formosa theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Để kịp hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của Formosa, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ Công tác liên ngành trung ương hỗ trợ dự án Formosa.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – cho rằng những đề xuất của Formosa không có trong khung pháp lý về thu hút đầu tư của Việt Nam.

Việc thành lập ban quản lý trực thuộc Văn phòng Chính phủ như đề xuất của Formosa là điều không thể vì sẽ gây khó khăn cho quản lý của nhà nước. Hơn nữa, tỉnh Hà Tĩnh lại có vị trí địa lý, chính trị rất quan trọng của đất nước và dự án Formosa có yếu tố nước ngoài. “Mỗi vùng, mỗi ngành đều thành lập đặc khu với ưu đãi riêng thì sẽ thế nào? Ở đây có yếu tố nước ngoài, Chính phủ cần rất thận trọng với đề xuất của nhà đầu tư, xem xét thật kỹ, nói chung là không nên chấp thuận” – ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Hết sức cân nhắc!

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp – TS Lê Đăng Doanh, đề xuất của Formosa thực chất là đòi hỏi những đặc lợi, đặc quyền không có căn cứ, không phù hợp với khung pháp luật của Việt Nam. Với trường hợp này, Chính phủ nên phân tích thận trọng, có phản biện của các chuyên gia, các nhà kinh tế trước khi đưa ra quyết định. Vì nếu giải quyết cho Formosa thì sẽ phải giải quyết các trường hợp xin ưu đãi khác.

Ông Doanh cho rằng bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay dễ dẫn đến xu hướng nhà đầu tư nâng cao yêu cầu để bù đắp. Do đó, Chính phủ cần phải hết sức cân nhắc trước những đề xuất kiểu như vậy.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (thuộc Bộ KH-ĐT), cần phân tích cụ thể đề xuất của Formosa ở những khía cạnh pháp lý của Việt Nam. Có thể đây là thời điểm doanh nghiệp cần hỗ trợ lớn hơn từ phía Chính phủ để sớm phục hồi sau biến động của môi trường đầu tư vừa qua. Kiến nghị nhà đầu tư đưa ra có những mặt họ cho là có lý nhưng chúng ta phải xem xét thận trọng, tránh tạo ra tiền lệ.

Đã được hưởng nhiều ưu đãi

Trước khi Formosa trình Chính phủ đề xuất thành lập đặc khu kinh tế, vào tháng 5-2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo giải quyết hàng loạt đề xuất cho dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương” của Formosa liên quan đến thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên nhằm bảo đảm tiến độ xây dựng của dự án.

Sau đó, Formosa tiếp tục bổ sung một số nội dung, trong đó có việc đề nghị thành lập đặc khu kinh tế Vũng Áng với mục đích xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện… Các đề xuất này hiện chưa được giải quyết.

Với đặc khu kinh tế như đề xuất, Formosa xin nhiều ưu đãi đầu tư “khủng” ngoài những ưu đãi thông thường. Cụ thể: Đề nghị Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, ưu đãi cân đối ngoại tệ; được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài miễn thuế khấu trừ tại nguồn và vay vốn ngân hàng trong nước với mức nợ cấp tín dụng gấp 4 lần vốn tự có của ngân hàng; đưa nhân viên kỹ thuật công trình nước ngoài vào làm việc trong đặc khu…

Đáng lưu ý, Formosa cũng đề nghị Việt Nam không được lấy mục đích chung, phát triển kinh tế hoặc các mục đích khác mà thu hồi đất đặc khu. Nếu vì mục đích an toàn quốc phòng phải thu hồi đất đặc khu, ban quản lý và phía đầu tư trước khi thu hồi phải thảo luận vấn đề bồi thường để đi đến thống nhất ý kiến (!).

Dự kiến tăng vốn lên 27 tỉ USD

Liên quan đến việc hỗ trợ thực hiện các dự án hiện hữu tại Khu Kinh tế Vũng Áng, sáng 26-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – ông Võ Kim Cự – đã đi thăm một số công trình, dự án trọng điểm của khu kinh tế này, như: Ban Quản lý Dự án Khu Liên hợp gang thép, cảng nước sâu Sơn Dương, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.

Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỉ USD.

Tô Hà – Đức Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP