Tin

Thâm nhập Công ty Cổ phần Kinh Đô… Bài 2: Giòi, ruồi… ‘cơ hội’ trở thành nhân làm bánh

Sau khi đăng bài 1 loạt bài viết ” Thâm nhập công ty Kinh Đô…” chúng tôi đã nhận được phản hồi từ nhiều phía, trong đó có lãnh đạo công ty cổ phần Kinh Đô. Nhận thấy công ty Kinh Đô thiếu thiện chí và để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc khi dịp Trung thu đang đến gần chúng tôi tiếp tục đăng tải thông tin phản ánh tiếp về sự việc này toàn diện và đầy đủ.

 >> Thâm nhập công ty cổ phần Kinh Đô, hé lộ những sự thật kinh hoàng!

Sau khi xác định được một số bộ phận có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình làm bánh kẹo của Công ty Kinh Đô tại Kinh Đô Miền Bắc (Km22, thị trấn Bần, Hưng Yên), nhóm PV bắt đầu hành trình thu thập thông tin, tư liệu, bằng chứng.

Trên hành trình đó, chúng tôi “gặp” một cơ số những ruồi, muỗi, kiến, thậm chí là cả giòi đang “ẩn mình” trong lòng đỏ của những hột trứng muối sẽ được sử dụng làm nhân bánh. Chỉ có sự tinh mắt của những công nhân thời vụ, vốn đang phải lao động tăng ca thường xuyên mới phát hiện và ngăn chăn được việc những “chất đạm bổ béo” này không trở thành nhân bánh.

hatinh24h 02
Trưng gà muối có “dị vật” bên trong

Thờ ơ với ruồi, giòi…

“Nhưng cũng không ai dám chắc là sẽ không có con giòi, con ruồi, kiến, muỗi nào không thành được nhân bánh. Trên thực tế với gần 20 con người làm tại tổ sơ chế trứng muối (bộ phận chịu trách nhiệm xử lí bóc tách trứng từ trong thùng rồi đem đi hấp trước khi làm nhân bánh) nhưng phải xử lí tới cả trăm ngàn quả trứng mỗi ngày trong tình trạng 12 tiếng/ca và không bị ràng buộc nhiều bởi trách nhiệm của một lao động dài hạn thì việc giòi, ruồi “lọt” vào nhân bánh là khó tránh”, một công nhân thời vụ nói với PV.

Trong khi đó, trong bài viết trước, ở phần clip do chúng tôi đăng tải, một công nhân nữ đã có thâm niên lâu năm tại Kinh Đô đã thừa nhận và “phân tích” về sự tồn tại và xuất hiện của những con giòi trong trứng như sau: “Trong trứng có giòi là do trong quá trình vận chuyển từ miền Nam ra bằng xe công tai nơ thì có lúc xe này tắt điều hòa đi, không có điều hòa là sẽ có giòi” Tuy nhiên, nữ công nhân này cũng trấn an: “Giòi nó không lúc nhúc đâu!”.

Nói về cách xử lí giòi, nữ công nhân này tiết lộ: “sẽ ngâm nước muối, ủ rượu, ủ gừng”. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng, đã có những lô hàng mà ở đó có giòi nhiều tới mức lúc nhúc nên mới phải xử lí bằng phương án ngâm nước muối, ủ rượu, ủ gừng? Vì trên thực tế, mỗi chuyến xe chuyển trứng từ trong Nam ra có tới cả trăm ngàn quả trứng. Việc nhìn thấy một vài quả có giòi ngay khi nhận hàng là rất khó. Ngoài ra, nếu chỉ có một vài quả có giòi trong tổng số hàng trăm ngàn quả thì có lẽ việc vứt bỏ một vài quả đó đi còn đỡ tốn công hơn là ngâm muối, ủ rượu, ngâm gừng!

Những chia sẻ của nữ nhân viên lâu năm trên mau chóng được chúng tôi kiểm chứng được trong quá trình lao động tại công ty. Tại buổi làm việc ngày 31/8, khi đang thực hiện công đoạn bóc, tách trứng, PV đã phát hiện một con giòi đã “yên vị” trong lòng đỏ trái trứng gà. Liên tục trong các ngày sau đó, PV tiếp tục ghi lại hình ảnh về các con ruồi, muỗi, kiến cũng chọn những lòng trứng đỏ làm nơi “cư ngụ”. Chúng tôi cũng ghi nhận được trường hợp một số công nhân khác xác nhận tình trạng “nhặt được ruồi”. Và khi chúng tôi chia sẻ câu chuyện về giòi, ruồi với những công nhân cùng làm, với những người làm giám sát thì trên gương mặt họ chỉ để lộ sự thờ ơ như thể giòi hay ruồi thì cũng chỉ là thứ “gia vị” vô tình được thêm vào trứng, chẳng có gì to tát cả!

Trong một lần khác, PV “nhặt” được chú ruồi “ẩn mình” trong trứng. Nhớ lời vị nhân viên bộ phận QC tên T. (chuyên về giám sát) dặn trước đó: “Nếu thấy ruồi, giòi thì báo anh”, PV đã nhanh chóng mang “dị vật” trên tới cho vị nhân viên QC này, mặt không đổi sắc và cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vị QC này điềm nhiêm cầm lấy quả trứng có ruồi. Lúc này, một công nhân thời vụ khác (không phải người thuộc nhóm PV) cũng “góp vui” bằng cách xác nhận: Em cũng bắt được một con ruồi trong trứng.

“Giòi thì thi thoảng nhưng ruồi thì tôi nhặt được suốt. Lúc đầu thì còn thấy ghê nhưng giờ thì quen rồi”, đây là nhận xét chung của nhiều công nhân.

“Tôi không bao giờ ăn bánh Kinh Đô”

Tiếp tục ghi nhận các diễn biến khác trong quá trình sản xuất, điều chúng tôi ghi nhận lại được trong quá trình làm công nhân tại xưởng trứng muối này là cách làm việc tùy tiện, mất vệ sinh của công nhân cũng như không gian sản xuất nơi đây. Tại rất nhiều các buổi làm việc khác nhau, hình ảnh những bàn tay trần bóng nhẫy mỡ thoăn thoắt nhặt trứng và đôi khi là nhặt ruồi, muỗi trong trứng đã không còn là hiếm. Sự việc này lặp đi, lặp lại trong một không gian sản xuất có cả sự cùng tham gia sản xuất của những công nhân lâu năm và đôi khi là cả QC giám sát. Tuy nhiên, việc nhắc nhở hay kỉ luật thì lại được “miễn” hoàn toàn.

kdo-3
Nền xưởng sản xuất phủ một các chất xả bẩn, nhờ nhợ

Tại khu vực sàn nhà nơi sản xuất của bộ phận trứng muối, hình ảnh nền nhà bóng nhẫy, các chất xả bẩn tràn ra sàn nhà một màu nhờ nhợ đã thành chuyện thường nhật. Có thực trạng này là do trong các quy trình sản xuất, công nhân phải bóp trứng với dầu ăn. Khi đó, chuyện rơi vãi dầu mỡ xuống nền và quá trình đi lại của các công nhân khiến nền nhà được phủ một lớp mỡ bẩn. Và cũng trên nên nhà mỡ bẩn đó, các lòng đỏ trứng “hạ cánh” thường xuyên, liên tục rồi lại được các công nhân nhặt lại để chế biến nhân bánh đã không còn là chuyện hiếm.

Đoạn clip gốc mà chúng tôi sử dụng để biên tập thành phân đoạn clip “Vũ điêu rơi trứng” được đăng tải kèm bài viết chỉ dài hơn 2 phút nhưng chúng tôi ghi nhận có tới 4 lần trứng “hạ cánh” xuống nền nhà ẩm ướt rồi lại “vút bay” lên về với bàn sơ chế trứng mà không có bất kì động tác xử lí vệ sinh nào theo kiểu “như chưa hề có cuộc chia li”.

Lò hấp trứng cũng là một nơi để lại nhiều “dấu tích” của những chất nhầy lạ, màu lạ, mùi lạ. Theo quan sát, ghi nhận của PV thì sau khi trứng được bóc tách, trộn mỡ sẽ được cho vào khay để hấp trứng. Sau mỗi lần hấp, một loại chất dịch trắng nhầy nhầy đọng lại lênh láng dưới đáy lò hấp, dưới nền nhà. Đôi ba lần khi ghi lại những hình ảnh khi mở lò hấp, cảnh tượng vắng tanh và đôi ba lần lại nghe những câu cảm thán dạng như: “Hôi quá!”; “Thối quá!” lại vang lên.

Đem nỗi băn khoăn về việc phải chứng kiến cảnh tượng thiếu vệ sinh này có ảnh hưởng gì tới cách nhìn về sản phẩm của Kinh Đô hay không?, một công nhân lâu năm trả lời dứt khoát: “Không! Nhà tôi không bao giờ dùng bánh Kinh Đô!”

Những cảnh tượng bẩn kinh hoàng tại các khâu sản xuất khác của Kinh Đô sẽ tiếp tục đến với bạn đọc trong bài viết và Clip của số báo tiếp theo. Mời đọc giả đón đọc.

Clip tiếp theo về sự mất vệ sinh trong quá trình sản xuất bánh trung thu của công ty Kinh Đô

Nhóm PV điều tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP