Lộc Hà

Thạch Kim mùa khát

Thạch Kim là vùng biển cửa đất chật người đông ,cả xã có 11 nghìn nhân khẩu với trên 2.000 hộ nhưng phải sống chen chúc trên 1 diện tích chưa đầy 1 km2 nguồn nước sinh hoạt của cư dân nơi đây lâu nay chỉ dựa vào các giếng đào, giếng khoan và nước mưa, những khi hạn hán nhiều người dân phải mua nước để sử dụng với giá ttrên trời 130 nghìn đồng 1m3 nước. Khó khăn là vậy nhưng biết làm sao khi nhu cầu nước sạch để đảm bảo sức khỏe là điều hết sức cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi Chị Nguyễn Thị Hà cho biết: Tuy chỉ mới bắt đầu bước vào mùa khô nhưng nguồn nước sạch dự trữ ( nước mưa) đã hết, gia đình phải đi xa hàng chục km để mua nước sạch với giá rất đắt.

Trong những năm gần đây dân số tăng trưởng cùng với áp lực của việc làm, sự thiếu ý thức của người dân đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, theo đó các nguồn nước lấy từ thiên nhiên cũng bị ô nhiễm theo. Người dân xã Thạch Kim phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về nước sinh hoạt. Tương tự như gia đình chị Hà, hàng trăm hộ dân ở xã Thạch Kim đều phải mua nước sạch để dùng ở tận núi Nam Giới cách nhà hàng chục km với giá cắt cổ 3.000 đồng một can 20 lít. Trao đổi với chúng tôi anh Trần Xuân Đức hết sức bức xúc: Do không có nguồn nước sạch để sinh hoạt nên gia đình tôi phải đầu tư một bình nước lọc liên hoàn với giá 3 triệu đồng về lọc nước giếng để dùng nhưng cũng không thể khử hết mùi tanh hôi và độ phèn của nước giếng.


Tình trạng nguồn nước sinh hoạt ở đây bị ô nhiễm cũng tất dễ hiểu bởi chất thải từ chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải làng nghề tràn lan khắp thôn, xóm, từ đường đi lối lại, từ trong nhà ra ngoài đường được tích tụ qua hàng chục năm trời đã ngấm xuống lòng đất làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng.


Không chỉ có nguồn nước bị ô nhiễm mà môI trường sống của người dân nơI đây đang bị ô nhiễm từng ngày. Ngay trước mắt chúng tôi là hàng chục hộ buôn bán và chế biến thuỷ, hải sản được nhập từ miền Nam ra. Khu vực chế biến cá, mực nằm cạnh nguồn nước và nước thải lại được đổ ra tràn lan chảy lênh láng ra cả mặt đường. Thêm vào đó là sự nhốn nháo, bề bộn của các dụng cụ chế biến bày biện tràn lan làm cho ruồi nhặng bu bám đen đặc, ai có thể đảm bảo được sức khỏe của con người không bị tấn công bởi các mầm bệnh đang tiềm ẩn.


Mặc dầu các cấp chính quyền và người dân xã Thạch Kim đã có nhiều cố gắng trong việc thu gom rác thải để xử lý nhưng với năng lực của có hạn của một hợp tác xã môi trường người thì ít, dụng cụ lại thô sơ, đồng lương không đảm bảo, trong khi đó lượng rác thải lại quá nhiều, ý thức sống tự do buông thả cùng với những tập quán lạc hậu của người dân đang đặt ra nhiều thách thức về nước sạch và vệ sinh môi trường ở đây. Đây là một trong những vướng mắc hiện nay đối với chính quyền xã Thạch Kim.

Thạch Kim mùa khát

Sứa chết và rác thải bên bờ biển. Ảnh minh họa

Ông Phạm Xuân Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: Thạch Kim là một xã có diện tịch rất hẹp nhưng mật độ dân số lại đông nhất huyện, trong khi đó nguồn nước ngầm lại bị nhiễm phèn do đó vấn đề nguồn nước sinh hoạt của người dân hiện nay hết sức cấp bách. Để có một công trình cấp nước sạch cho người dân chúng tôi thì cần được sự đầu tư của Nhà nước chứ địa phương chúng tôI thì không có kinh phí. Có chăng thì chỉ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, nhận thức về giữ gìn vên sinh môi trường không gây ô nhiễm nguồn nước như thời gian qua.


Trong những năm gần đây tình trạng mắc một số bệnh chính liên quan đến nước ở xã Thạch Kim không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng như tiêu chảy, tả, điển hình là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xảy ra năm 2008 với hơn 100 người mắc bệnh.


Thiếu nguồn nước sinh hoạt, môi trường ô nhiễm, bệnh tật phát sinh, người dân xã Thạch Kim phải đối mặt với nhiều nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, môi trường ô nhiễm. Bởi cho đến bây giờ cả xã vẫn chưa có một công trình nước sạch nào.


Khó khăn về nguồn nước sinh hoạt không riêng gì ở xã Thạch Kim huyện Lộc Hà mà là khó khăn chung của các xã vùng biển ngang, biển cửa. Để người dân vùng nông thôn được hưởng nguồn nước sạch trước tiên cần phải nâng cao nhận thức và ý thức cho mọi người dân về giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, mặt khác các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện ưu tiên cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh cho người dân, đồng thời giải quyết đồng bộ các yếu tố xây dựng, quản lý, công nghệ, nâng cao năng lực cộng đồng trong việc khai thác bảo vệ nguồn nước sinh hoạt vì sức khỏe của mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng.


Đức Thiện – Lê Vinh

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP