Dự án đầu tư

Thạch Khê- Hà Tĩnh: Dân khổ vì mỏ sắt

Mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Dự án này được triển khai với kỳ vọng sẽ biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất cả nước. Nhưng, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, dự án đã khiến người dân 6 xã bị ảnh hưởng, lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”…

Đất sản xuất của người dân thôn Thượng Hải xã Thạch Hải bị bùn,
cát vùi lấp có độ dày từ 0,5 đến 2m

Dự án mỏ sắt Thạch Khê bắt đầu triển khai từ tháng 9-2009 và được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, những hệ lụy mà người dân vùng mỏ sắt phải gánh chịu là rất lớn. Hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị bùn, cát vùi lấp; nước ngầm bị tụt khiến cây cối, hoa màu chết khô; ô nhiễm môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư chậm…tất cả đã kéo lùi sự phát triển của các xã bị ảnh hưởng bởi dự án.

Chỉ riêng xã Thạch Hải, đến nay đã có 30ha đất nông nghiệp bị tụt nước ngầm khiến cây cối, hoa màu chết khô, không thể khôi phục được; 20ha đất sản xuất bị bùn lấp phải bỏ hoang. Với 361 ha đất phải đền bù nhưng đến nay chỉ mới đền bù được 220ha; vẫn còn 59 ngôi mộ bị sạt lấp mất hài cốt và 1.500 ngôi mộ đã kiểm đếm nhưng chưa hỗ trợ đền bù…Đời sống nhân dân Thạch Hải gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo rất cao. Đang cố vớt vát miếng đất nhỏ bị bùn, cát phủ dày từng mảng để trỉa ít lạc, ông Võ Văn Luận, ở thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải than thở: “Không có đất để làm nữa tôi đành mở miếng nho nhỏ này để trồng ít lạc nhưng cũng không hy vọng gì, ít bữa chắc lại bị lấp hoặc bị chết cháy hết thôi. Không có công ăn việc làm suốt ngày ngồi không cũng chán”. Còn ông Nguyễn Văn Hùng, xóm trưởng cho biết: “Thượng Hải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bãi thải của mỏ sắt nằm trên địa phận của xóm. Xóm có tổng diện tích là 32ha nhưng đã bị lấp mất 14ha (kể cả quy hoạch bãi thải lẫn bị bùn, cát vùi lấp) với độ dày từ 0,5 đến 2m. Mấy năm nay người dân trong thôn hoang mang không biết làm nghề gì để kiếm sống, phụ nữ và người trung tuổi không có công ăn việc làm, chỉ biết đi mót củi để bán. Thôn chúng tôi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã là 18%, hàng năm có 8 đến 9 hộ thoát nghèo trong khi đó lại có 11 đến 12 hộ tái nghèo. Toàn thôn có 140/168 hộ thiếu gạo. Nguồn nước thì bị ô nhiễm nặng, màu đục như màu bùn. Đặc biệt, người dân trong thôn mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều”.

Bà Nguyễn Thị Vựng, thôn Thượng Hải (Thạch Hải) ngậm ngùi chia sẻ: “Nhà tôi có 9 người với 3 thế hệ sống trong một ngôi nhà nhỏ nên rất phức tạp. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cấp đất để tách hộ nhưng không được. Trước đây còn có thể cấy lúa, trồng lạc để sinh sống nhưng giờ thì đất bị vùi lấp hết rồi nên không biết làm gì mà ăn. Mùa gió Lào thì đất, cát bay ào ào vào nhà nên ở cũng không yên. Sống ở đây ô nhiễm, chật chội, chỉ mong họ cho đi đâu thì đi ngay chứ sống mãi thế này chúng tôi không thể chịu được”.

Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: “4 năm qua, người dân xã Thạch Hải phải lãnh rất nhiều hậu quả từ dự án mỏ sắt Thạch Khê. Không chỉ đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn mà an sinh xã hội cũng bị đe dọa. Đơn thư đề xuất, kiến nghị của người dân gửi đến xã ngày càng nhiều. Tâm lý người dân hết sức hoang mang, lo lắng”.

Cũng là xã chịu ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê, xã Thạch Bàn phải chung số phận giống như Thạch Hải. Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, bờ đê khe Trung Dân và Trung Miệu của xã Thạch Bàn đã bị vỡ hai lần khiến hàng trăm hộ dân bị ngập và phải chạy lụt trong đêm. Nguyên nhân là do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê làm bãi thải xây đường đê bao ngăn dòng chảy về các kè hướng Thạch Hải, Thạc Đỉnh, Thạch Khê và đào đường ngay chỗ đường đi thoát nước dẫn đến vỡ kè, ảnh hưởng đến người dân. Được biết, gần đây hai khe này đang được đầu tư cải tạo.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn chia sẻ: “Đối với Thạch Bàn thì người dân vùng gần bãi thải như xóm 5, xóm 6, xóm 7 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vào mùa hè khi mỏ sắt đi vào khai thác thì bụi bặm rất nhiều, có nhà phải mắc màn để ăn cơm còn mùa đông thì bị lũ lụt. Bây giờ xã chỉ mong sớm có cơ chế để các hộ dân bị ảnh hưởng được tái định cư, sớm ổn định đời sống”.

HẠNH NGUYÊN/ ( Theo ĐĐK)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP