Thạch Hà

Thạch Hà: Xây trang trại ở đầu nguồn nước – Dân phản đối vì ô nhiễm, chính quyền nói “không sao”?

Hàng trăm hộ dân ở xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang vô cùng bức xúc khi nhưng trang trại tập trung chăn nuôi của Hợp tác xã Huệ Hùng được cho xây dựng ở vị trí đầu nguồn nước…

hatinh24h 01
Đập Cầu Trắng bị hợp tác xã Huệ Hùng đắp đất chặn từng khúc phía thượng lưu

Xây trang trại lợn đầu nguồn nước

Đập Cầu Trắng là đập thượng nguồn cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các hộ dân hai thôn Trung Tâm và Trường Ngọc với khoảng 250 hộ gia đình (với 750 nhận khẩu). Việc xây dựng trang trại tập trung với mô hình lớn ở thượng nguồn đập Cầu Trắng không nhận được sự đồng tình nhất trí của người dân.

Là một trong hai thôn trực tiếp sử dụng nguồn nước ở đập Cầu Trắng, ông Hồ Văn Định – Trưởng thôn Trung Tâm cho biết, diện tích rừng thượng nguồn của đập Cầu Trắng đã được huyện Thạch Hà cấp giấy CNQSĐ thời hạn là 50 năm cho một hộ gia đình sử dựng và sau này đổi lại thành hợp tác xã Huệ Hùng. Mấy năm trước vì hợp tác xã này đã lấn chiếm một phần diện tích lòng đập nên đã bị UBND xã thu hồi không cho sử dụng, yêu cầu phải di dời toàn bộ lán trại trên đó. Tuy nhiên đến nay việc di dời vẫn chưa được thực hiện.


Ông Hồ Văn Định – Trưởng thôn Trung Tâm

Theo ông Định, điều khiến người dân bức xúc, không đồng tình với dự án này là bởi, việc xây dựng một trang trại chăn nuôi tập trung thì phải cách xa khu dân cư tối thiểu là 500m, nhưng ở đây khoảng cách đó là chưa đủ. Hơn nữa, hợp tác xã phải trực tiếp về làm việc với người dân, phải cam kết đảm bảo môi sinh, môi trường không ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt và sản xuất của bà con dưới vùng hạ lưu của nguồn nước…

Một người dân ở thôn Trung Tâm bức xúc nói: “Không hiểu lãnh đạo xã, huyện suy nghĩ thế nào mà lại chọn vị trí đầu nguồn nước để xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô lớn như thế? Và cũng không hiểu vì sao người dân nhất quyết phản đối như thế mà họ vẫn cho xây dựng?”
Vị trưởng thôn cho biết, tại hai cuộc họp có liên quan đến vấn đề xây dựng trang trại tập trung chăn nuôi thì một cuộc họp hội đồng diễn ra ở xã, sau khi lấy ý kiến của các thôn thì 5/6 thôn không đồng ý, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri ngay tại thôn Trung Tâm ngày 21/7 thì 100% người dân cũng không đồng tình.

Ông Định khẳng định rằng, chưa hề có một văn bản nào ký thống nhất việc đồng ý cho hợp tác xã Huệ Hùng làm mô hình trang trại tập trung chăn nuôi.

Dân không đồng tình… xã vẫn cho làm

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Quân – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, sau khi hộ gia đình có nhu cầu làm trang trại chăn nuôi, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành về khảo sát, nếu đủ điều kiện thì cho triển khai thực hiện và không đủ điều kiện thì thôi.


Biên bản họp thôn Trung Tâm thể hiện 100% hộ dân dự họp không đồng tình về việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại đập Cầu Trắng

Theo ông Quân, việc xây dựng trang trại phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi, đảm bảo cách xa khu dân cư hơn 500m. Và đúng đây là đập nước đầu nguồn, cung cấp, phục vụ nước sản xuất cho bà con, còn nước để sinh hoạt chủ yếu người dân sử dụng nước ngầm. Hiện tại, tỉnh đang đầu tư và chuyển giao đập Dâng của dập Khe Giao để phục vụ nguồn nước cho sản xuất trên địa bàn xã Ngọc Sơn.
Theo đề án phát triển chăn nuôi hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất vẫn đảm bảo nếu trang trại được xây dựng. Còn về tác động môi trường sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường về đánh giá (thông thường thì 3 tháng họ sẽ về đánh giá một lần).


Ông Nguyễn Quốc Quân – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn

Ông Quân cũng cho biết thêm, “khi trang trại đi vào khởi công xây dựng thì không lấy ý kiến của người dân. Vì trước đó khi hỏi ý kiến của một số người dân, họ không đồng ý nhưng khi được giải thích rồi thì họ không có ý kiến gì thêm nên vẫn cho làm”.
Khi được hỏi về việc hiện tại người dân xã Ngọc Sơn vẫn không đồng tình việc cho xây dựng trang trại thì ông Quân cho rằng, “nếu dân không đồng tình thì phải họp dân để giải thích vấn đề này, còn nếu xã giải thích không được thì sẽ mời cán bộ chuyên môn của xã và huyện, tỉnh về giải thích”.
Theo vị Chủ tịch xã thì hiện tại trang trại chỉ mới đi vào san lấp mặt bằng, khi có chỉ đạo của tỉnh thì lúc đó mới cho đi vào xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hùng, chủ nhiệm hợp tác xã Huệ Hùng cho rằng: Việc xây dựng trang trại lợn nái đã được sự đồng ý của thôn, xã, đã gửi tờ trình lên huyện, tỉnh. Vì đập Cầu Trắng chỉ cung cấp nước cho bà con phục vụ trong sản xuất nên việc xây dựng trang trại không hề ảnh hưởng gì đến sản xuất của bà con, hơn nữa nó lại là nguồn phân bón cho sản xuất, nguồn thức ăn tốt cho các hồ nuôi cá.
Theo ông Hùng, việc xây dựng trang trại của ông đã được tỉnh phê duyệt và các sở ban ngành tiến hành xuống kiểm tra đã làm đúng quy trình đề ra. Trang trại bắt đầu xây dựng vào năm 2014, hiện tại đang tiến hành đi vào xây dựng đã cam kết với huyện, tỉnh đến đầu quý 1 sẽ cho thả lứa lợn đầu tiên.
Được biết, trang trại chăn nuôi tập trung của hợp tác xã Huệ Hùng đầu tư xây dựng với quy mô 600 con lợn nái, đợt 1 sẽ cho thả 300 con, được xây dựng thành ba khu trang trại.

Theo Diễm Phước – Trí Thức / Đời sống & Tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP