Thạch Hà

Thạch Hà: Nộp tiền để mượn đường vận chuyển lâm sản

Những người trồng rừng, hoặc vận chuyển lâm sản khi đi qua các tuyến đường ở xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đều phải nộp phí mượn đường. Loại phí vô lý này đã tồn tại mấy năm nay ở xã miền núi khó khăn này.

hatinh24h

Mỗi chuyến xe chở keo khi đi qua địa bàn xã Thạch Xuân đều phải nộp 200 nghìn đồng.

Theo người dân, mỗi chuyến xe vận chuyển lâm sản qua các trục đường trên địa bàn xã Thạch Xuân phải đóng cho UBND xã 200 nghìn đồng, số tiền này được xã ghi là phí “mượn đường vận chuyển lâm sản”.

Ông Hồ Sỹ Chửng (xóm Đông Sơn, xã Thạch Xuân) cho biết: Ngày 1/7/2015, ông Chửng làm thủ tục xin thu hoạch gỗ keo (rừng trồng phòng hộ) tại vùng rừng Trúm Vó và Khe Chẹt thuộc tiểu khu 297, xã Thạch Xuân, được UBND đồng ý. Do đoạn đường qua xã Bắc Sơn (Thạch Hà) về nhà ông Chửng gần hơn nhưng đang làm khó đi nên ông chọn tuyến đường đi qua xã Thạch Xuân để chuyển keo về cho an toàn.

Từ ngày 1/7/2015 đến 18/8/2015 ông Chửng thuê người vận chuyển keo. Tuy nhiên, “chuyến xe nào đi qua cũng bị làm khó dễ, tôi phải đi tìm gặp cán bộ xã xin thì mới được qua. Sau đó tôi lên gặp anh kế toán của xã thì được thông báo lại là mỗi chuyến xe phải nộp 200 nghìn đồng. Tôi thấy rất bức xúc vì gia đình tôi đã đóng các loại thuế đầy đủ, giờ khai thác keo mà cũng phải nộp phí tiền đường như thế”- ông Chửng nói.

Khi thu phí “mượn đường vận chuyển lâm sản” và “khai thác lâm sản”, UBND xã Thạch Xuân giao cho người nộp một cái phiếu có con dấu của UBND xã và chữ ký của Chủ tịch UBND xã, kế toán, thủ quỹ. Trong phiếu mà ông Chửng đưa cho phóng viên xem thì ông phải nộp 1.000.000 đồng/5 chuyến, mỗi chuyến 200.000 đồng tiền “mượn đường vận chuyển lâm sản”. Còn chị Phạm Thị Tuyết (xóm 7 xã Bắc Sơn, Thạch Hà) vào ngày 9/7/2015 cũng phải nộp cho xã Thạch Xuân 1.000.000 đồng tiền “khai thác lâm sản”.

Khi chúng tôi đem những bức xúc của người dân lên hỏi chính quyền xã thì được ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân giới thiệu đến làm việc với bà Bùi Thị Dung, nhân viên kế toán. Bà Dung cho biết: Loại phí này là quy định của xã và đã được thực hiện từ trước đó mấy năm.

“Phí này thu dựa trên diện tích rừng trồng của các hộ dân, thu cao nhất là một triệu đồng, hộ ít hơn thì thu từ bốn trăm đến năm trăm nghìn” – bà Dung nói. Khi được hỏi thu phí theo quy định nào, bà Dung nói: “Vì mới nhận việc nên tôi cũng chưa nắm rõ?”. Ngoài ra, theo những chứng từ mà bà Dung cung cấp thì xã Thạch Xuân không chỉ thu của người dân trong xã mà có cả những người dân ở xã khác khi vận chuyển gỗ qua địa bàn đều phải đóng phí.

Việc khuyến khích người dân trồng rừng, khai thác, phát triển các nguồn lợi từ rừng là một chủ trương đúng đắn, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, xã Thạch Xuân lại lợi dụng việc này để “vẽ” ra những loại phí vô lý gây bất bình trong dân là khó chấp nhận.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Tiến Đạt – Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà, cho biết: “Xã thu phí như vậy là chưa đúng quy định. Việc thu phí đường bộ thì chỉ có các cấp có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên mới được phép thu. Văn phòng sẽ tham mưu lãnh đạo UBND huyện để tiến hành kiểm tra, xác minh rõ sự việc”. Ông Đạt cũng cho biết thêm, Hội đồng nhân dân huyện và các ngành chức năng có chuyên đề giám sát vấn đề này. Vào kỳ họp cuối năm 2015 sẽ báo cáo trước Hội đồng và thông báo công khai cho người dân biết.

Hạnh Nguyên – Đức Cảnh

(theo Đại Đoàn Kết)

[dailymotion id=”x37x1h9″]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP