Giáo dục

“Tết thầy” - Từ văn chương đến đời sống

Xưa nay, nghề “chèo đò” luôn được cả xã hội quan tâm và kính trọng. Có lẽ bởi vậy mà ngay trong câu thành ngữ của nhân dân ta, “Tết thầy” đã trở thành một trong ba việc quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người dịp đầu năm: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.

“Tết thầy” trong văn chương

“Mùng ba tết thầy” bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Những người học trò xưa theo đuổi sự nghiệp "cửa Khổng, sân Trình" khi đã dành mọi lời chúc cho bậc sinh thành của mình vào mùng một và mùng hai Tết thì đến mùng ba, học trò sẽ tề tựu ở nhà người đã trao cho mình “cái chữ” để tỏ lòng biết ơn, trân trọng công lao dạy dỗ đó.

Lúc ấy, người lớn tuổi nhất hoặc được các bạn đồng môn yêu quý, tín nhiệm sẽ thay mặt tất cả môn sinh chúc Tết thầy, thể hiện sự kính yêu đối với người đem bồ chữ trao cho học trò ham học.

Có những người đến chức Tể tướng vẫn một mực kính cẩn nghiêng mình trước người thầy vĩ đại của cuộc đời. Cho nên, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được gìn giữ, phát triển cho đến ngày nay.

“Mùng ba tết thầy” bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. (Ảnh minh họa)

Văn chương nước Việt có rất nhiều tác phẩm ra đời ca ngợi công lao, đức độ của người thầy. Ngoài câu thành ngữ “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, ta hoàn toàn có thể bắt gặp những câu thành ngữ đề cao tầm quan trọng của thầy, tiêu biểu có thể kể đến: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm nên”; “Trọng thầy mới được làm thầy”,; “Một kho vàng không bằng một nang chữ” hoặc cũng có thể kể đến những câu ca dao thấm đượm xúc cảm:

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.”

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong.”

“Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi

Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng.”

(Câu ca dao này nhắc đến triết lý Nho giáo Quân - Sư - Phụ (vua - thầy - cha)

Trong quan niệm của nhân dân, người thầy có vị thế quan trọng, không thể nào thay thế được đối với một người theo đòi nghiệp học hành, thi cử.

Thầy chính là người cho chúng ta những hiểu biết, dạy dỗ chúng ta nên người, dành tất cả mọi yêu thương, chăm sóc cho những người học trò.

Cũng vì thế, việc chúc Tết người thầy vào mùng ba Tết hàng năm là một nếp văn hóa quen thuộc của xã hội xưa, nhắc nhở người học trò ngoài công lao của những đấng sinh thành thì không bao giờ được quên ơn người thầy.

Đối với người học xưa, họ coi việc ngày Tết đến nhà thầy như để báo đáp lại phần nào công ơn dạy dỗ của thầy mà ít muốn thể hiện điều đó trong thơ ca. (Ảnh minh họa)

Đối với người học trò xưa, họ coi việc ngày Tết đến nhà thầy như để báo đáp lại phần nào công ơn dạy dỗ của thầy mà ít muốn thể hiện điều đó trong thơ ca.

Thái độ kính trọng, những người học trò nghèo chẳng mang gì nhiều đến cho thầy, đơn giản về vật chất vô cùng nhưng lại chan chứa lòng ngưỡng mộ, tình cảm chân thành là đủ.

Có lẽ vậy mà người ta hiếm khi thấy những câu thơ xưa tái hiện lại việc chúc Tết thầy, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn luôn được ghi nhớ, tiếp tục kéo dài cho đến tận nay và mãi về sau.

Đến "Tết thầy" trong đời sống...

Rất nhiều những câu thành ngữ, ca dao của văn học dân gian nói về công lao của người thầy. Và cũng nhờ tính chất ngắn gọn của những thể loại dân gian ấy mà các thế hệ con cháu luôn nhớ không quên lời dạy của ông cha ta xưa. Học sinh ngày nay cũng được dạy dỗ về truyền thống tôn sư trọng đạo ngay từ khi mới chập chững trên ghế nhà trường.

Ngày lễ là một hình thức để học sinh tề tựu về gặp lại người thầy kính yêu, để hàn huyên, tâm sự lại một thời học trò đầy rực rỡ, quay trở về để nhìn kĩ hơn một lần người cha người mẹ thứ hai của chúng ta - những người đã không tiếc cả cuộc đời để đem vốn tri thức truyền dạy cho các thế hệ, những người không quản khó khăn, thương tổn để đưa con thuyền học trò cập bến tương lai.

Việc thể hiện tình cảm của người học với thầy cô trong ngày tết đã có sự biến tướng dưới tác động của xã hội. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hình thức thể hiện tình cảm của người học với thầy cô đã có sự biến tướng dưới tác động của xã hội. Dường như người thầy giờ đây dường như không còn vị trí độc tôn trong lòng nhiều người.

Tết xưa, người học trò ngay cả đỗ đạt cao, đến nhà thầy mang mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay,… cảm tạ công lao to lớn của thầy mà hiện nay nhiều người làm cho có, chỉ mang tính hình thức chứ chưa thực sự dành tình cảm cho thầy cô của mình. Tết thầy là dịp để họ đem đến những vật dụng đắt tiền nhằm thực hiện một số mục đích nào đó của mình và vô hình trung gây áp lực cho chính người thầy, cô ấy.

Truyền thống tôn sư trọng đạo của ta và nghề giáo đang có sự phân hóa thành hai luồng: hình thức và thật tâm. Đó có lẽ là điều hiển nhiên dưới sự phát triển chóng mặt của xã hội - khi mà sự quan tâm của con người dành cho vật chất quá nhiều!

Dù thế nào thì, có là ngày Tết hay không, đối với những người có lòng, xin hãy nhớ đến những người thầy đã không quản khó khăn để dành cho ta hết thảy yêu thương, sự tận tâm không gì sánh bằng!

Lê Trần Diệu Thu

(Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP