Văn hoá Dân gian

Tết của ngư dân vùng cửa biển Hà Tĩnh

Với những người con làng biển, sau những chuyến trở về nặng đầy sản vật, họ lại cùng nhau sống trong những phút giây lắng đọng, thiêng liêng trước lễ cúng tế thần biển, thần sông – những vị thần tồn tại muôn đời trong tín ngưỡng của họ.

Đề cương văn hóa Việt Nam và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa
Lễ hội cầu ngư của ngư dân Cẩm Nhượng (ảnh: Giang Nam)

Gió mùa, mưa bão và ngư trường… là những yếu tố làm giảm sản lượng đánh bắt của ngư dân vùng biển Cửa Sót năm qua. Nhưng cuộc sống ấm no vẫn hiện hữu trên những khuôn mặt rạng ngời, trong những ngôi nhà ấm cúng bởi dưới sự phù hộ của thần Cửa sông, sự hào phóng của biển mẹ và sự năng động của ngư dân, những chuyến xa khơi của họ đã mang về các loại sản vật có giá trị kinh tế cao.

Anh Từ Văn Bé – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: “Thời tiết thuận lợi nên một số tàu thuyền chắc chắn sẽ cập bến vào những ngày giáp tết. Với họ, ngoài mâm cỗ đơn sơ được chuẩn bị ngay tại tàu và tấm lòng thành kính hướng về cửa biển quê nhà, tại địa phương, những người thân trong gia đình họ cũng đang tíu tít, bận rộn chuẩn bị cho lễ sắp ấn”.

Với bà con ngư dân, lễ sắp ấn là lễ cúng tiễn thần cửa lạch, cửa sông về thiên đình báo cáo hoạt động một năm qua. Lễ cúng được người dân chuẩn bị chu đáo với mâm cỗ, tấu sớ, hương đăng phẩm vật… Ngoài ra, lễ sắp ấn cũng là khoảng thời gian để bà con ngư dân vùng cửa lạch nghỉ ngơi, lau dọn các phương tiện chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới. Sau lễ sắp ấn, đêm 30 tết ở vùng biển cửa cũng là khoảnh khắc đáng nhớ. Trong thời khắc thiêng liêng của trời đất giao hòa, bà con lại cùng nhau ra bến làm lễ dời sào cho các phương tiện đánh bắt với niềm hy vọng một năm mới thêm nhiều may mắn.

Những ngày tết ấm áp sum vầy rồi cũng qua mau, khác với quan niệm của một số người dân về tháng giêng là tháng ăn chơi, những ngư dân ở vùng biển cửa Thạch Kim lại giăng buồm ra khơi ngay sau lễ khai hạ (bắt đầu từ mùng 3 đến mùng 7 tết – ngày đón thần cửa sông, cửa lạch trở về). Bởi theo họ, những ngày đầu năm là những ngày thời tiết thuận lợi nhất, giá thành sản phẩm cũng cao hơn. Quan trọng hơn cả, họ hy vọng đầu năm mới sẽ mang về nhiều lộc biển. Nhiều ngư dân bảo ra khơi ngày tết thường chỉ đánh bắt bằng ba phần ngày thường nhưng rất vui. Cũng bánh kẹo, rượu nồng trên boong tàu giữa trùng khơi và không quên chúc nhau một năm mới no đủ. Ông Phan Bính – một lão ngư kỳ cựu ở Cửa Sót cho biết: “Đầu năm mới mà gặp nhau trên biển thì còn gì bằng. Cập tàu vào, mời nhau ly rượu rồi tỏa đi đánh bắt” .

Thói quen tâm linh, tín ngưỡng thờ thần hầu hết là thờ phúc thần đã trở thành một phong tục, nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân vùng biển cửa. Chính vì thế, dù lăn lộn với những con sóng ngoài khơi xa, nhưng mỗi dịp xuân về, họ lại cùng nhau thành kính chuẩn bị những phẩm vật dâng lên các vị thần sông, thành hoàng để cầu mong một năm sóng yên, biển lặng, mưa thuận, gió hòa với những khoang tàu nặng đầy tôm, cá.

Anh Thư/Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP