Thị xã Kỳ Anh

Tên gọi nào cho địa giới hành chính huyện Kỳ Anh?

Sự lựa chọn “Thị xã Hoành Sơn” và những phương án khác như “Thị xã Kỳ Anh”, “Thị xã Nam Kỳ Anh”… nên chọn tên gọi nào?

Hà Tĩnh là một địa phương thuần nông trước đây vào diện nghèo nhất nước. Nay trên đà vươn lên để từng bước trở thành một tỉnh có công nghiệp phát triển. Trong tiến trình ấy, mỗi định hướng đều có nhiều cách nghĩ khác nhau.
Hà Tĩnh: Trung tâm huyện lị Kỳ Anh mới đặt ở đâu?
Chúng tôi góp thêm tiếng nói mong nhiều người, đặc biệt là con em Kỳ Anh ở khắp mọi miền Tổ quốc cùng quan tâm, bàn luận để đồng thuận, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Ngày 12/3/2014 và tiếp đến 3/4/2014, sau hai cuộc hội thảo khoa học: Điều chỉnh địa giới hành chính…. và đặt tên đơn vị hành chính mới ở Kỳ Anh gần như đã hoàn tất. Cái tên “Thị xã Hoành Sơn” gần như được ấn định. Mặc dù vậy sự phân tâm trong lòng dân Kỳ Anh vẫn chưa được giải đáp.
Xin dẫn bức thư của một vị lão thành là Giáo sư – Tiến sỹ quê Kỳ Anh công tác ở Hà Nội gửi cho lãnh đạo địa phương: “Đã gần hai thế kỷ nay, nhân dân trong Huyện đã gắn bó với tên gọi Kỳ Anh… Những người dân Kỳ Anh xa quê hương có mặt khắp cả nước và ở nước ngoài rất ngỡ ngàng và có thể đau nhói trong tim khi tìm về quê hương gặp phải một cái tên địa danh xa lạ. Theo cách nói tâm linh, khi con cháu khấn vái ông bà, tổ tiên nói lên cái tên xa lạ tổ tiên chắc không khỏi phân vân, không biết phương hướng nào mà tìm về. Xin đề nghị cho giữ tên Thị trấn hoặc Thị xã Kỳ Anh bên cạnh huyện Kỳ Anh, tương tự như người dân Nga đã có Thành phố Matxcơva và tỉnh Matxcơva”.
Ý kiến trên đây rất chí lý và đầy tâm huyết đại diện cho những người con Kỳ Anh có trách nhiệm với quê hương.
Những người soạn thảo đề xuất tên đơn vị mới là “Thị xã Hoành Sơn” cũng có cái lý và cái tình… vẫn luôn lắng nghe ý nguyện của muôn dân, các bậc tiền nhiệm và chờ đợi những ý kiến thuyết phục hơn, được đồng tình cao hơn.
Là con em của Kỳ Anh, chúng tôi xin góp một tiếng nói về sự kiện khá trọng đại này:
Lê-Nin, trong một lần tham gia bàn bạc về tên gọi của một đơn vị hành chính mới, Người đã tham gia ý kiến: “Không nên bàn cãi nhiều về một danh từ. Nếu cứ mất công sức về cuộc bàn cãi ấy là không thông minh. Vấn đề là chúng ta làm gì để xứng danh với cái tên gọi ấy”. 

Khu TĐC Ba Đồng nhìn từ Đèo Con
Xét về lịch sử từ “Kỳ Anh” xuất hiện từ triều Nguyễn năm 1836 đến nay là 178 năm, khi chia tách Kỳ Hoa thành hai huyện Hoa Xuyên (nay là Cẩm Xuyên) và Kỳ Anh. Còn từ “Hoành Sơn” đã có lịch sử từ thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), cách triều đại nhà Nguyễn là vị vua đặt tên “Kỳ Anh” khoảng 500 năm.
Ngày 14/12/1470, trong một lần kinh lý vào phương Nam vua Lê Thánh Tông neo thuyền ở vũng Ô Tôn, nay là Vũng Áng gần dưới chân Hoành Sơn đã có bài thơ “Trú Hoành Sơn dịch”, tạm dịch “Nghỉ ở trạm Hoành Sơn” và nhiều bài thơ khác về địa danh Hoành Sơn.
Lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) mãi ghi vào tâm khảm người Việt: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” chỉ hướng đi cho anh em nhà họ Nguyễn tránh tai họa từ họ Trịnh vào mỡ cõi phương Nam.
Sau Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm và rất nhiều danh nhân, thi sĩ nổi tiếng của đất Việt đều có thơ, văn ca ngợi cảnh đẹp của Hoành Sơn:
Bùi Huy Bích (1744-1781) với “Thị tín Hoành Sơn biên ải tráng” (Biết Hoành Sơn nơi biên ải hoành tráng).
Ngô Thì Nhậm (1746-1803) với”Đăng Hoành Sơn vọng hải” (Lên Hoành Sơn ngắm biển).
Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?) với “Hoành Sơn độ – Trùng trùng liệt chướng bán thiên già” (Núi giăng giăng trùng điệp che khuất cả lưng trời).
Bùi Dương Lịch (1757-1827) với “Hoành Sơn nam khứ trùng sơn viễn” (Rừng xanh lớp lớp hướng về nam).
Nguyễn Đề (1760-1806, anh trai Nguyễn Du) với “Quá Hoành Sơn –Danh sơn sơ đáo vọng mang nhiên” (Vừa đến núi danh tiếng đã thấy biển mênh mông).
Phạm Quý Thích (1760-1925) với “Quá Hoành Sơn – Bích thụ trùng trùng bích hải lưu” (Cây xanh trùng điệp biển xanh mênh mông).
Nguyễn Du (1766-1820) với “Thiên nhẫn Hoành Sơn nhất đái hà” (Muôn trượng Hoành Sơn xen sông lượn).
Hà Tôn Quyền (1798-1829) với “Mạc mạc phù vân tự vãng hoàn” (Bồng bềnh mây trắng lang thang giữa trời).
Phạm Văn Nghị  (1805-1881) với “Đăng Hoành Sơn – Nhất đới Hoành già vạn nhân Sơn” (Non cao một dải chắn đường mây).
Vũ Phạm Khải (1807-1872) khi qua Hoành Sơn để lại tâm trạng:
 “Hạnh phùng tứ hải vi gia hội

 Nhất nhật đăng lâm vạn cổ tình”

Tạm dịch:
“Bốn biển về đây cùng họp mặt
Một ngày lên núi vạn tình xưa”.
Cao Bá Quát (1808-1854) với “Hoành Sơn vọng hải ca” (Lên Hoành Sơn nghe biển hát).
Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm, 1819-1870) với “Hoành Sơn – Hàn vu thiên chướng hợp” (Núi hoang vu nghìn thuở).
Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) với “Hoành Sơn quan hữu cảm” (Cảm xúc khi qua cửa Hoành Sơn).
Dương Thúc Hạp (1835-1920) với “Hoành Sơn – Sơn liên đáo hải, hải liên sơn” (Trên rừng, dưới biển nối liền nhau)
Nguyễn Khuyến (1835-1909) với “Nhất đới Hoành sơn thiên địa gian” (Một dải Hoành Sơn đứng giữa trời đất).
Vua Thiệu Trị (1807-1847) với “Nhất đái miên Hoành hạn tiệt san” (Một dãy núi giăng ngang chốn này).
Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) “Hoành Sơn xuân vọng – Lập mã tình vân ngoại” (Ngày xuân dừng ngựa ngắm Hoành Sơn)…
Và nhiều vị khoa bảng, các nhà hoạt động cách mạng, các thi sĩ nổi tiếng như Lê Văn Huân, Huỳnh Thúc Kháng, Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật… mỗi người ít nhất đều có một bài thơ lưu danh gọi tên “Hoành Sơn” trong tâm khảm và ghi lại trong tác phẩm của mình.
Một mảng tâm tình khác trong ý niệm của người dân Kỳ Anh qua bao thế hệ những người yêu văn chương, ai mà chẳng biết câu ca:
* “Đến đây so sắc so tài
So cao Bàn Độ, so dài Hoành Sơn.
– Chữ rằng Nhân Kiệt, Địa Linh
Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới sinh ra anh tài”
* “Vai anh mang khẩu súng dạo khắp dải Hoành Sơn
Săn con nai lấy lộc, trả công ơn mẹ thầy”
Từ những cứ liệu trên đây chứng tỏ: “Hoành Sơn” ghi dấu ấn lâu đời trong lịch sử đất nước, trong tiềm thức người dân xứ Nghệ.
“Hoành Sơn” hiểu theo nghĩa thuần Việt “Núi Ngang”. Khi một vùng núi mà có đường đi qua thì Núi ấy được gọi là Đèo. Như vậy “Núi Ngang” còn có tên là “Đèo Ngang”, cũng là một bộ phận của Hoành Sơn. Nơi ấy là nguồn cảm hứng cho hàng trăm thi sĩ có thơ viết về “Đèo Ngang” mà tiêu biểu là bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
“Hoành Sơn” có trước “Kỳ Anh” khoảng 500 năm đã đi vào lịch sử, thi ca và tiềm thức con người, thấm sâu hơn, lan xa hơn so với hai từ “Kỳ Anh”.
Khi nhắc đến “Hoành Sơn” người ta liên tưởng đến một dãy núi nằm bên bờ biển, nơi sơn thủy hữu tình. Hoành Sơn là một trong những danh thắng của đất Việt được vua nhà Nguyễn chọn khắc lên chín đỉnh đồng đặt ở sân Thái miếu.
Từ cõi xa xưa, theo truyền thuyết đây là một vùng đất hữu tình, công chúa Liễu Hạnh, con nhà trời cũng đã giáng thế xuống Hoành Sơn nay còn có miếu thờ Liễu Hạnh.
Cuối Hoành Sơn phần núi chạy ra biển vòng vào đất Quảng Bình được gọi là Long Sơn tức là Núi Rồng – một phần của dãy Hoành Sơn, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn làm nơi yên nghỉ; nhân dân gọi Đại Tướng là Đức Thánh Võ.
Việc lựa chọn đơn vị hành chính mới của phía Nam Kỳ Anh được đề xuất  có tên gọi là “Thị xã Hoành Sơn”, ý tưởng ấy rất thuyết phục, có chiều sâu về lịch sử, phù hợp với địa danh mà thiên nhiên đã ban tặng không những cho con cháu những bậc “Tiều phu xưa” ở đất này… mà còn là sự ưu đãi cho người dân những vùng phụ cận như các nước bạn Lào, Thái Lan…
Trao đổi với chúng tôi, một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh nêu quan điểm: “Hai chữ Hoành Sơn mang một khí thế mạnh mẽ của một đơn vị hành chính mới được thành lập đúng như sức vươn nội tại của vùng quê đầy tiềm năng đã đang và sẽ phát triển thành một Thị xã và tương lai là Thành phố công nghiệp không chỉ là của Bắc miền Trung mà là của cả nước… “.
Năm 2008, khởi công xây dựng Cảng Sơn Dương của tập đoàn Formosa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Kỳ Anh – Hà Tĩnh – Việt Nam đã dành cho các bạn một vùng đắc địa mà không phải nơi nào cũng có được. Nhiệm vụ của các bạn là phải có trách nhiệm với nhân dân xứ sở này…”.

Trong quá trình vận động của một vùng quê cũng như một gia đình việc chia tách để phát triển là tất yếu: “Ranh giới có phân chia nhưng nhiệm vụ chẳng khoanh vùng” (Chế Lan Viên). Đây cũng là việc làm cần thiết xác định lại công việc cụ thể của từng vùng miền, chuyên sâu hơn…

Việc đáng bàn hơn là mỗi người, mỗi địa phương cần xác định được trách nhiệm của mình phải làm gì trong quá trình hội nhập để có tư thế và tâm thế làm chủ được mọi tình huống, góp phần cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Tháng 3/2014
      Võ Minh Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP