Văn Hoá Hà Tĩnh

Tản mạn về trang phục của người Hà Tĩnh xưa & nay

Nhân dân ta có câu: Được bụng no, còn lo ấm cật, sau cái ăn là đến cái mặc. Nhưng nhu cầu mặc không chỉ dừng lại ở mục đích “che thân” mà còn mang nhiều ý nghĩa xã hội, có khi là sự phân biệt về đẳng cấp: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Cởi ra bóc trần ai cũng như ai”, có khi là vì mục đích làm đẹp: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, chân tốt vì hài, tai tốt vì hoa”…

Cho nên đi qua thời gian, không gian, cùng tác động của những yếu tố địa lý, lịch sử, cách ăn mặc trở thành yếu tố văn hóa được giao thoa, tiếp biến với bên ngoài để trở thành bản sắc riêng của dân tộc Việt.

Cách ăn mặc của người Hà Tĩnh nói riêng, người Việt Nam nói chung gắn chặt với điều kiện địa lý, triết lí nhân sinh, sản xuất, sinh hoạt và phản ánh một mặt đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Sống trong điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi và ở vào vị trí có địa thế chiến lược trong phòng thủ của quốc gia, cư dân Hà Tĩnh làm ăn, sinh sống chủ yếu bằng hoạt động kinh tế nông nghiệp. Để đương đầu với những khó khăn, con người nơi đây phải chịu khó chắt chiu “có bữa hôm, dành bữa mai”, “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Người Hà Tĩnh quan niệm, con người là vốn quý nhất “một mặt người bằng mười mặt ruộng” nên phải sống có nhân, có nghĩa; luôn hướng về cộng đồng, đùm bọc, chia sẻ lúc hoạn nạn; sống lạc quan. Từ nhân sinh quan ấy đã hình thành nên nếp sống – văn hóa làng, thẩm thấu trong khuôn khổ gia đình, chi phối đến thiên hướng đặc thù về nhận thức cái đẹp: đẹp trong lối sống – chết vinh còn hơn sống nhục; đẹp trong ăn, mặc – ăn cho mình, mặc cho người; đẹp cả trong cách ở, đi lại…

Tản mạn về trang phục của người Hà Tĩnh xưa & nay

Ảnh: Minh Huệ

Trước tiên, quan niệm về cái mặc, do đời sống khốn khó nên nhìn chung, người Hà Tĩnh thường có tâm lí ăn chắc, mặc bền, bất kể giàu nghèo, làm dân hay làm quan cũng sống, ăn mặc giản dị với ước muốn Áo ba manh không ấm, không rét. Cơm ba trét không đói, không no. Thế nên, từ lối sống cho đến cách ăn mặc đều cốt ở bền lâu chứ không hoa mỹ, phô trương. Quan niệm về cái đẹp hình thể vẫn là sự khỏe khoắn: Đàn ông đóng khố đuôi lươn – đàn bà mặc ướm (yếm) hở lườn mới xinh. Cái ăn đi liền với cái mặc nên nếu chọn Cơm tấm ăn no thì phải vải to mặc bền. Vải to ở đây là vải khổ hẹp được dệt bằng tay, nhuộm đen hoặc nhuộm nâu ở Kẻ Hạ – Việt Yên Hạ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (từ thế kỷ XIX, lụa Hạ đã nổi tiếng trong nước và được lưu truyền trong dân gian Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc áo lụa Hạ, uống chè Hương Sơn, hay sách “Đại Nam nhất thống chí” của Sử quán triều Nguyễn viết về thổ sản tỉnh Nghệ An (tức Nghệ An và Hà Tĩnh) viết: Lụa sản ở xã Việt Yên, huyện La Sơn, lụa rất dày), Đồng Môn (trước thuộc Thạch Hà, nay thuộc TP Hà Tĩnh: Đất Đồng Môn dệt vải/ Đất Cổ Đạm vắt nồi…)… Cũng như nhiều vùng khác trên khắp cả nước, chất liệu may mặc lúc bấy giờ phải làm sao đảm bảo đối phó hữu hiệu với môi trường tự nhiên và thường tận dụng chất liệu có nguồn gốc thực vật – sản phẩm trồng trọt, lại mỏng nhẹ, thoáng, phù hợp với xứ nóng.

Thông thường, khi nói đến trang phục thì gồm có loại mặc phía trên, phía dưới, đội đầu, đi chân, trang sức; theo giới tính thì có trang phục nam, nữ; theo mục đích thì có trang phục lao động, lễ hội; cũng có khi quy định theo thành phần trong xã hội (vua, quan, dân). Màu sắc trang phục cũng có sự biến đổi tùy vào thời điểm, đối tượng, mục đích sử dụng… Nếu xét về chủng loại, chức năng thì đồ mặc dưới của đàn bà thường là váy, đàn ông là khố hoặc quần. Váy là đồ mặc dưới phổ biến, điển hình, xuất hiện và duy trì từ xa xưa của đàn bà ở Nghệ Tĩnh, bởi thế, nhân dân ta mới tự hào với câu đố về cái mấn (váy): Hình như cái trống, thộng lộng hai đầu, Nghệ Tĩnh thì có, Kinh Cầu thì không.

Còn đàn ông thường đóng khố. Đó là mảnh vải dài, quấn một hoặc nhiều vòng quanh bụng và luồn từ trước ra sau. Khi tiếp xúc với các nền văn hóa bên ngoài, chiếc quần du nhập vào đời sống trang phục của người đàn ông, lúc đầu, với hai loại là quần lá tọa và quần ống sớ. Quần lá tọa có ống rộng, thẳng, đũng sâu, không may dải rút mà may cạp quần to bản, có thể điều chỉnh cho ống quần cao, thấp dễ dàng bằng cách kéo cạp quần lên xuống. Váy, khố, quần lá tọa… đều là những trang phục mặc mát, phù hợp với khí hậu, dễ thao tác trong lao động. Đồ mặc trên của đàn bà chủ yếu áo cánh nâu, yếm nhuộm. Yếm là đồ mặc mang tính thuần túy, nữ tính, do họ tự cắt may, nhuộm… Phụ nữ nông thôn thường nhuộm màu nâu; ở thị thành thường nhuộm trắng; còn yếm lễ hội thường là yếm đào, yếm hồng… Yếm là một vuông vải góc trên khoét thành cổ, có dải kiểu bơi chéo bằng chiếc đũa, đồng màu, dùng để buộc qua cổ. Yếm thường được may 2 lớp, khoảng giữa 2 lớp đóng vai trò như cái túi đựng đồ. Yếm của những người con gái Nghệ dãi nắng, dầm mưa trên đồng cho đến các hội hè, đình đám đều mang vẻ đẹp nhuần nhị, quyến rũ: Ai xây cổ yếm em tròn; cho em càng đẹp, càng giòn thêm ra.

Trên cơ sở các chủng loại, trong cách ăn mặc cũng có sự phân biệt nhỏ về nghề nghiệp, gu thẩm mỹ, đời sống và bối cảnh, mục đích sử dụng. Theo tài liệu Dư địa chí các huyện trong tỉnh (Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ): ngày thường, đàn ông đóng khố, ở trần, về sau thì mặc áo ngắn 5 thân, 4 thân, gọi là áo khách; quần dài quá gối, không cầu kì ở cách may, màu vải mà đều may tay bằng vải to nhuộm nâu. Mỗi khi hội hè, đình đám thì mặc áo dài 5 thân vải thâm hay vải to nhuộm nâu bầm, quần trắng. Đàn bà mặc áo cánh nâu, yếm nâu hoặc trắng, váy đen thường nhuộm nâu bầm, nhúng bùn, khá hơn thì có áo dài nâu non mặc ngoài, thân áo thắt ra phía sau.

Tản mạn về trang phục của người Hà Tĩnh xưa & nay

Ảnh: S.N

Còn đối với người khá giả hơn hay chức dịch, nho sĩ thì kiểu áo dân dã được may bằng loại hàng tấm mua ở chợ thị thành và may dài hơn, mặc với quần vải hoặc lụa, để mộc hay nhuộm da bài; ngoài là áo dài the, lương đen, có khi trong áo đen còn có một áo dài trắng. Người sang hơn thì mặc áo gấm, sa tanh, quần lụa trắng hoặc vải “Tây cống” (loại vải ngoại buôn từ Nam ra Bắc, theo tiếng Quảng Đông chỉ Sài Gòn – Xà goòng là cách người Nghệ Tĩnh nói trại tiếng Sài Gòn). Đàn bà mặc áo vải trúc bâu, nhuộm màu nâu non hay áo tơ ngang, áo lụa nhuộm da bài, áo cát trắng, yếm đào hoặc trắng, váy sồi hay lụa thâm, bên ngoài thường khoác thêm áo dài the, hoặc vải nhỏ nhuộm nâu non. Mỗi khi hội hè, đình đám thì đàn bà thường mặc áo lụa “mớ ba” (màu tím, đào, ngãi).

Đi liền với mặc, người Hà Tĩnh cũng quan tâm tới đồ đội đầu, chân đi, đồ trang sức tùy theo điều kiện kinh tế. Chẳng hạn, người dân dã, lao động thường vấn khăn thủ rìu hay khăn vành, khăn chít đầu thường bằng vải thâm hoặc xanh thẫm, khi chít thì xếp nếp cẩn thận, chít theo chữ nhất hoặc chữ nhân, quấn 4, 5 vòng, chân đi guốc quai mây đế cao, mỏ cong hoặc chân đất đối với đàn ông, còn đàn bà thường bận thêm khăn thâm hoặc nâu non. Người khá hơn thì đàn ông có thêm dây lưng nái hoặc lụa, vấn khăn nhiễu hoặc đội khăn đóng, đi guốc Xà goòng hoặc giày hạ; đàn bà có thêm thắt lưng sồi, khăn nhiễu hoặc sa tanh, chân đi guốc hoặc đi dép mỏ cong. Chiếc thắt lưng cũng là điểm nổi bật có tác dụng giữ cho bộ đồ mặc gọn gàng, đối với đàn ông thì thường buộc cạp quần, bỏ múi xòe ra phía trước, còn đối với các chị, các mẹ thường để dắt thêm ruột tượng (bao rút)…

Đàn ông, đàn bà thường đội nón Thượng hoặc nón chợ Vi, chợ Cồ, người sang hơn thì đàn ông đội nón Gò Găng (nón dứa), nón lông chim, đi ô lục soạn; đàn bà đội nón quai thao (nón Hạ). Nón Hạ được làm ở làng Yên Hội, xã Việt Yên Hạ chỉ dành cho phụ nữ; công phu, tinh xảo nổi tiếng khắp cả nước. Người các huyện mua ở chợ Thượng nên gọi là nón Thượng, còn người ngoại tỉnh thường gọi là nón Nghệ. Nón được lợp lá kè non, may bằng sợi tơ được đánh rất tỉ mỉ. Để tạo được cái khung nón vững chắc, giữa các vành khung dày đặc những vành tre vót nhỏ, mỏng, làm cho mặt nón trông như có vân. Khung nón được hun khói nên óng ả, bộ quai thao được tạo bằng nhiều sợi dây tết từ tơ đánh màu trắng hoặc vàng, đỏ. Nón Nghệ xưa thường là đồ vật quý hiếm chỉ dành cho người khá giả hoặc có khi là đồ thách cưới, nên mới có câu: Ba trăm nón Nghệ đội đầu.Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh. Sau này, người Hà Tĩnh đều đội nón Ba Đồn (Quảng Bình), Ba Giang (Phù Việt – Thạch Hà)…

Ngoài ra, khi ra đồng, ra đường, tránh mưa, tránh nắng, tránh rét, người dân nông thôn còn dùng các loại áo tơi. Áo tơi thường được chằm cũng bằng chất liệu tự nhiên như lá kè non, vừa thuận tiện trong lao động sản xuất, vừa hợp với túi tiền. Tuy nhiên, tùy vào mục đích sử dụng mà việc chọn lá chằm tơi cũng có sự khác nhau, chẳng hạn, theo Dư địa chí huyện Đức Thọ thì người Đức Thọ không dùng loại tơi lá kè như vùng Nam Hà Tĩnh, mà chọn loại lá nón già khi mang vào bù xù như con nhím, chỉ dùng che mưa (khác với người Thạch Hà còn dùng tơi che nắng). Người Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, không chú ý trau chuốt, nhất là phụ nữ, thường không xem trọng việc làm duyên, làm dáng bên ngoài mà quan niệm: Khăn nâu, áo vải là thường/Cốt trau cho được luân thường là hơn. Chính điều này là sự khác biệt với cô gái ở chốn kinh kỳ của xứ Huế cầu kỳ, trang nhã hay cô gái xứ Kinh Bắc duyên dáng, đằm thắm.

Khoảng từ năm 1930 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, thanh niên, trí thức Hà Tĩnh dần thay đổi cách ăn mặc, con trai vẫn mặc áo dài đen, quần trắng, đi guốc, có người đi dép xăng-đan hoặc giày da, đội mũ cát trắng, lẻ tẻ có người mặc âu phục, đồ xoóc hoặc com-lê. Thiếu nữ mặc quần lụa trắng hoặc đen, áo ngắn cài khuy, áo dài tân thời, đi guốc cao gót hoặc dép. Riêng áo dài tân thời là loại áo có sự biến tấu, cách điệu từ áo tứ thân cổ truyền bằng cách ghép 2 thân trước thành vạt dài kín đáo, tôn thêm vẻ đoan trang, dịu dàng của người phụ nữ – là biểu tượng, tinh hoa của văn hóa Việt Nam, được phụ nữ Hà Tĩnh ở mọi lứa tuổi ưa dùng.

Ngày nay, cùng với tác động của hội nhập giao lưu văn hóa, các xu hướng thời trang, phim truyền hình, giải trí… cốt cách, lối sống, cách ăn mặc của người Hà Tĩnh đã có sự thay đổi, bắt nhịp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại. Người Hà Tĩnh đã vươn lên từ đói nghèo, thành công trên con đường khoa cử, kinh doanh, nghệ thuật nên khi đến mọi miền đất nước và cả nước ngoài đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng từ những sở thích, gu thẩm mỹ, kiểu cách trang phục phong phú, đa dạng của bên ngoài. Do có sự khác nhau về trình độ nhận thức, tâm lý, lứa tuổi, nghề nghiệp, thói quen nên một bộ phận giới trẻ có sự lệch lạc, chạy theo mốt thời thượng, thích thể hiện, thích nổi bật với những kiểu trang phục hở hang, phản cảm, kèm theo đầu tóc xanh, đỏ, tím, vàng, xa rời truyền thống văn hóa.

Bên cạnh xu hướng lệch lạc cần thay đổi, đại đa số người Hà Tĩnh vẫn lựa chọn cho mình những trang phục gần gũi với truyền thống văn hóa, vùng đất, con người, dân tộc. Mặc dù có sự cách tân trong thiết kế nhưng vẫn thể hiện được sự kín đáo, lịch lãm, tế nhị. Ngoài những trang phục bắt buộc của một số ngành đặc thù, thì com-lê nam; áo dài, ký giả, váy dành cho nữ… vẫn là những trang phục phổ biến cho cả thanh niên, trung niên khi đến hội nghị, công sở, các lễ trọng, dạ hội… Cha ông ta đã dạy: Cái răng, cái tóc là vóc con người, để phát triển cái vóc con người, không chỉ cái “răng”, cái tóc mà cần cả vẻ đẹp hình thức qua trang phục, nên nó là một nét văn hóa. Điều quan trọng là phải làm sao để nét văn hóa ấy vừa kết tinh những giá trị truyền thống, bắt sâu từ cội rễ nhân cách, ý thức, đạo đức của con người, vừa phản ánh được hơi thở của thời đại.

Phan Hương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP