Kỳ Anh

Tan giấc mơ sang Angola làm giàu!

Cuộc sống cơ cực đủ đường, những người phụ nữ ở Kỳ Anh chạy vạy vay tiền xuất ngoại sang Angola với hy vọng đổi đời. Chưa kịp nhìn thấy thiên đường, có người đã phải ra đi mãi mãi. Người may mắn thoát chết trở về mang theo khoản nợ cả trăm triệu đồng mà không có khả năng hoàn trả.

Cái chết thương tâm của người phụ nữ xấu số


Kỳ Khang là địa phương có người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhiều nhất huyện Kỳ Anh. Nằm ở xóm Quảng Ích cách quốc lộ 1A chừng 300m, nhà chị Xuân trông như chiếc hộp diêm, đứng trơ trọi giữa một vùng đất cằn cỗi. Hơn nửa tháng trước, chính quyền địa phương, người dân trong xóm đã tổ chức mai táng cho người phụ nữ xấu số này nên mùi nhang khói vẫn còn nguyên. Trong ngôi nhà rộng chừng 20m2, nhìn tấm di ảnh của chị Xuân trên chiếc bàn thờ nhỏ leo lắt, không ít người chạnh lòng. Sinh năm 1978, chị Xuân là con gái đầu lòng của vợ chồng ông Nguyễn Văn Niềm, bà Nguyễn Thị Thủy. Gia đình nghèo khó, đông anh em nên chị Xuân đã phải bỏ học giữa chừng để kiếm kế sinh nhai. Năm 2001, chị vừa cưới chồng, đang mang thai đứa con trai đầu lòng 3 tháng thì người chồng đột ngột qua đời do căn bệnh ung thư. Chị đành dắt con về ngoại nương nhờ.


Làm thuê mãi mà vẫn nghèo, một năm trước, nhờ mai mối, chị Xuân làm quen được với một người phụ nữ tên H. ở thị trấn Kỳ Anh, chuyên đưa người sang Angola làm ăn. Quyết tâm đổi đời, chị Xuân âm thầm hoàn tất các thủ tục xuất ngoại. Ông Niềm gạt nước mắt buồn kể lại: “Trước ngày đi, Xuân bảo với vợ chồng tui sang Angola nấu ăn, chi phí 110 triệu đồng. Tiền người ta cho ký nợ rồi lấy lương (từ 600-700 USD mỗi tháng) trả dần. Thấy cháu háo hức nên vợ chồng tui cũng hy vọng kiếm được ít tiền nuôi con và có chút vốn sau này làm ăn”.


Nhưng những hy vọng của chị Xuân và vợ chồng ông Niềm đã không bao giờ trở thành hiện thực. Kể từ khi đặt chân đến Angola, chị Xuân đã trải qua những ngày tháng trong địa ngục. Theo lời kể của ông Niềm, khi sang đến Angola, chị đã bị bà chủ tên Lý cùng quê Kỳ Anh ép bán dâm. Ban đầu chị từ chối, nhưng thân cô thế cô, cuối cùng đành phải cắn răng bán thân trả nợ. Những ngày nhục nhã bán thân, chị bị đối xử chẳng ra gì. Bao nhiêu tiền lương đều bị chủ trừ nợ, đã thế tiền bo của khách cũng bị chủ chung chia, không bằng lòng là bị bà chủ cho người đánh đập dã man.


Vợ chồng ông Niềm đành giấu nỗi cơ cực của con cho đến buổi sáng ngày 25-1-2010 định mệnh. Một người tên là Lý ở Angola gọi điện về báo với gia đình ông và một người phụ nữ cùng quê tên Hải đã bị cướp giết. Khi bị giết, trên người chị không còn một mảnh vải che thân, trên cơ thể có nhiều vết dao đâm, đồ đạc bị mất sạch. Mãi gần 1 tháng sau, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, thi thể chị mới được đưa về quê an táng.


Và những chuyến xuất ngoại bất thành


Sau cái chết của chị Nguyễn Thị Xuân, chúng tôi nhận được không ít lá đơn kêu cứu từ những người bị lừa “xuất lậu” sang Angola. Về nước đã hơn 5 tháng nhưng chị Nguyễn Thị Nhi (xóm 3 – Kỳ Tây – Kỳ Anh) vẫn chưa quên được chuỗi ngày đau khổ sau chuyến xuất ngoại sang Angola. Do cuộc sống vất vả nên khi biết được đường dây đưa người sang Angola làm ăn của một người tên H. trú tại xã Kỳ Trinh, chị Nhi đã tìm đến với hy vọng tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống. Theo lời kể của chị thì ngay khi gặp, H. đã điện thoại với đầu mối ở Angola tên là L. Qua điện thoại, L. hứa hẹn sang Angola cùng hùn vốn mở kiốt bán hàng với lợi nhuận cao. Trọn gói chi phí cho chuyến đi là 4.800 USD, chị Nhi phải đặt cọc trước 10 triệu đồng. Đầu tháng 5-2009, sau khi chạy vạy vay “tiền nóng” lo lót, chị Nhi lên đường sang Angola cùng giấc mơ đổi đời.


Sang đến Angola, chị Nhi cũng được bố trí bán hàng, nhưng được 2 ngày bà L. yêu cầu chị Nhi gọi điện về quê nhắn người thân gửi sang 100 triệu đồng nếu muốn hùn ốt. Không có tiền chị Nhi đành sống ẩn nấp trong nhà bà L. và bị cảnh sát bạn bắt giữ 2 lần, phạt hơn 1.500 USD. Thấy tình cảnh quá bi đát, chị đã âm thầm tự lo thủ tục về nước.


Qua 2 trường hợp đi Angôla bị chết và bị trục xuất trên, đã hé lộ đường dây “xuất lậu” lao động sang Angola bắt nguồn từ một nhóm người tại huyện Kỳ Anh. Nắm được tâm lý của một số người dân, chúng đứng ra thành lập một đường dây đưa người sang Angola bằng đường du lịch với giá trọn gói khoảng 5.000 USD. Tại Angola, những người này đưa đến các công trình xây dựng của người Trung Quốc “bán” để lấy hoa hồng hoặc bán vào các “động” mại dâm tại các khu ổ chuột tại Angola.


Không những tan giấc mơ làm giàu, chị Nhi còn phải gồng mình gánh thêm một khoản nợ lớn mà không biết bao giờ mới có khả năng trả.


Quang Linh

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP