Người đương thời

Tâm sự của những người mẹ, người vợ Cảnh sát biển

Căn nhà nhỏ của gia đình chị Võ Thị Nghĩa, vợ Trung úy Nguyễn Văn Ngọc, Cảnh sát biển (CSB) tàu 4033 nằm lọt thỏm trong khu dân cư phường Thọ Quang, TP Đà Nẵng. Khi chúng tôi đến, chị Nghĩa đi vắng, chỉ có mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Đài mới từ Hà Tĩnh vào chăm cháu, chăm con dâu mới sinh. Câu chuyện của chúng tôi với bà Đài chẳng mấy chốc trở nên thân mật và xoay quanh chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam.

“Từ ngày 1/5 đến nay, một tháng hơn rồi Trung Quốc vẫn không chịu rút đi. Cả 3 đứa con trai tôi ở ngoài đó, ở vùng điểm nóng Hoàng Sa giữ biển…”. Bà Đài im lặng, đôi mắt nhìn ra hướng biển, đượm buồn. Bà Đài kể: Quê bà ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh; gia đình khó khăn nên vất vả quanh năm. Bà có 3 người con trai, là anh Nguyễn Văn Viên (công tác tại Kiểm ngư Đà Nẵng), hai anh Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Tú là CSB. Sinh con khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh; nghèo khó, lắm đỗi gian nan nhưng vợ chồng bà đã luôn cố gắng hết mình để nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. “Trải qua một thời chiến tranh nên tôi hiểu rất rõ giá trị của cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Các con tôi đi làm nhiệm vụ ngoài xa, tôi chỉ biết được tình hình qua chương trình thời sự trên đài, báo nhưng cũng đủ yên lòng rồi. Chắc ít ngày nữa, tàu về cảng, gặp các con, tôi cũng sẽ dặn dò các con yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà đã có mẹ, vợ và người thân chu toàn mọi chuyện”, ôm đứa cháu gái mới 8 tháng tuổi vào lòng, bà Đài tâm sự. Dường như bà muốn dồn tình thương yêu của mình nhiều hơn cho đứa cháu mới được sinh ra đã phải đằng đẵng xa bố.

Câu chuyện của chúng tôi chợt dừng lại khi chị Nghĩa trở về. Chị Nghĩa cho biết, thời gian qua, nhà chị luôn có nhiều người đến hỏi thăm, tặng quà. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh và chia sẻ phần nào nỗi lo trong lòng chị. Hôm biết tin tàu CSB 4033 bị tàu của Trung Quốc cố tình đâm hư hỏng phải quay về đất liền sửa chữa, chị chạy vội đi tìm chồng. Họ hàn huyên không được bao lâu thì anh lại phải quay về đơn vị, tiếp tục vượt sóng gió ra khơi. “Thương  lắm, nhớ lắm nhưng biết làm sao được. Lấy chồng lính thì phải chấp nhận thôi!”. Chị Nghĩa rưng rưng đưa mắt nhìn mẹ chồng: “Hôm nọ xem tivi, thấy tàu Trung Quốc đâm vào tàu có chồng em trên đó, tim em như bị bóp nghẹn. Thấy em run lẩy bẩy, mẹ ôm nhẹ vai em, khẽ bảo: “Ngọc đi làm nhiệm vụ, trên tàu còn có đồng đội. Anh em nó sẽ biết chăm lo cho nhau. Con phải vững vàng thì mới yên lòng người nơi tiền tuyến nghe chưa con”. Nghe mẹ em nói vậy, dần dần em mới bình tĩnh lại…”.

Các thầy, cô giáo trường THCS Đỗ Đăng Tuyển đến thăm hỏi, động viên mẹ con chị Nguyễn Thị Thương (thứ 3 từ trái qua).

Tại tổ 82, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, vợ của anh Ngô Trọng Hiếu, thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng câu nói nghe khá khí phách: “Lấy chồng bộ đội phải chấp nhận để chồng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Anh Hiếu là Kiểm ngư thì phải làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Cũng là lẽ thường thôi”.

Thương kể, trong một lần giao lưu văn nghệ tại Đà Nẵng, anh và chị gặp nhau. Rồi như duyên trời định, họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi đó chị vừa tốt nghiệp đại học, về công tác tại trường Đỗ Đăng Tuyển, Đà Nẵng. “Khi mới cưới, tụi em vất vả lắm phải ở nhà thuê, nhưng khổ nhất vẫn là ít người thân bên cạnh. Gia đình anh Hiếu ở tận Thái Bình. Khi em sinh con đầu lòng, đặt tên là Ngô Thục Trang, làm lễ đầy tháng cho cháu xong thì ngày 2/5, anh ấy nhận nhiệm vụ lên đường bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Anh ấy bảo, sinh ra từ vùng biển, theo nghiệp nhà binh và anh sẽ gắn trọn đời mình với biển đảo quê hương”, Thương tự hào nhắc lại câu nói của chồng.

Rồi Thương kể rằng, từ hôm anh Hiếu đi, Thương cũng chỉ nắm được tin tức qua báo, đài, biết chồng và đồng đội khỏe mạnh thì cũng phần nào yên tâm. Mẹ chồng Thương cũng vừa từ Thái Bình vào đây ở cùng. “Anh ấy thương em một mình nuôi con dại nên trước khi tàu rời bến, anh chỉ kịp gọi điện về quê, giục mẹ vào ở với em”. Chỉ bức tranh vẽ bằng màu nước treo trên tường, Thương như vui hẳn lên: “Em vẽ gia đình em đó!”. Bức tranh thật giản dị dễ hiểu nhưng sao tôi thấy thân thương quá. Người vợ ôm con nhỏ vào lòng, đôi mắt đong đầy yêu thương hướng về phía anh lính biển. Tôi chợt nhận ra rằng đằng sau nét vẽ đó là cả một khoảng trời mênh mang ngập tràn nắng, gió, hạnh phúc và niềm yêu thương của hậu phương gửi ra tiền tuyến

Hoàng Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP