Tin

Tâm sự chua chát của Thủ khoa ĐH Thương mại chật vật xin việc

Mặc dù đã từng là thủ khoa đầu ra của một trường lớn ở Hà Nội nhưng nữ thủ khoa rất khó khăn trong việc xin một công việc.

“Với mục tiêu học tập để ngày mai lập nghiệp, được cống hiến cho đất nước nên tôi đã nỗ lực rất rất nhiều. Nhưng thật trớ trêu, dù là thủ khoa nhưng nó chưa hề đem lại cho tôi một lợi thế gì khi đi tìm kiếm công ăn việc làm, ngược lại nó còn là bất lợi khi tôi đi xin việc”. Đó là lời tâm sự của Đồng Thị Ngân một trong 123 nữ thủ khoa ĐH xuất sắc nhất được vinh danh năm 2013”.

Bằng cao… trở ngại cho xin việc
Đồng Thị Ngân sinh năm 1991 quê tại Hải Dương. Năm 2009 Ngân đỗ ĐH Thương Mại, chuyên ngành Tài chính ngân hàng. Suốt quãng đường học tập cô luôn nỗ lực hết mình đạt thành tích học tập cao.
Cụ thể, điểm học tập toàn khóa: 3,76/4. Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc. Giấy khen Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc toàn khóa 2009 – 2013. Nhận học bổng dài hạn STF-KFC năm học 2011 – 2012. Công trình Nghiên cứu Khoa học năm học 2010 – 2011 đạt loại khá.
Với thành tích nổi bật nên trên Ngân góp mặt trong danh sách 123 thủ khoa ĐH xuất sắc nhất được thành ủy Hà Nội tổ chức lễ vinh danh.
Tâm sự chua chát của Thủ khoa ĐH Thương mại chật vật xin việc - Ảnh 1

Cựu thủ khoa ĐH Thương Mại – Đỗ Thị Ngân

Với tấm bằng đỏ trên tay Ngân háo hức nộp đơn xin việc, nhưng mọi chuyện lại khác hoàn toàn so với cô nghĩ.
“Tôi đã nộp hồ sơ rất nhiều nơi, cả đi nộp trực tiếp lẫn trực tuyến nhưng rất ít nơi gọi tôi đi phỏng vấn. Sau khi được 2 công ty gọi đi phỏng vấn nhưng tôi vẫn không được việc làm, tôi có gửi mail lại hỏi họ lý để có thể trau dồi và sẽ rút kinh nghiệm cho các cuộc phỏng vấn sau.
Họ có mail lại trả lời: Họ yêu cầu tôi phải có kinh nghiệm và họ cho rằng nếu tôi có làm ở đây cũng chỉ là tạm thời. Vì Nhà nước đã có những chính sách đãi ngộ riêng với những đối tượng như tôi nên khi có cơ hội tôi sẽ đi luôn mà không gắn bó lâu dài với công ty họ. Họ nói vậy nhưng thú thực, cho tới bây giờ, đã 3 năm trôi qua tôi chưa hề nhận được bất kỳ đãi ngộ nào”, Ngân tâm sự
Ba năm ra trường chưa làm đúng nghề
Không thể xin được việc đúng chuyên môn, kinh tế gia đình cũng cũng khó khăn sau mấy năm ăn học. Ngân đành làm tạm những công việc lao động phổ thông để trang trải cho cuộc sống hiện tại.
Sau một thời gian, cô xin làm ở một chi nhánh Viettel ở Hà Nội với nhiệm vụ chính là Giao dịch viên.
“Tôi đã phải vượt qua 3 vòng thi và phỏng vấn để được vào làm, nhưng chỉ là cộng tác viên, làm theo ca, không có chế độ nghỉ, không có chế độ bảo hiểm. Xét thấy công việc không còn phù hợp nên sau hơn một năm tôi chuyển công tác”, Ngân kể lại.
Hiện tại Ngân đang làm phòng hành chính tại Chi nhánh Tư vấn giám sát & Quản lý dự án trực thuộc Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam.
“Công việc được làm cũng không đúng chuyên ngành tôi được học, họ xếp tôi vào vị trí này vì tôi chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính” Ngân thở dài.
Theo nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 28/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII về chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, thu hút nhân tài có nêu: Có chính sách tuyển dụng đặc cách cho những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Tuy nhiên Ngân lại luôn vướng vào những kỳ thi “sát hạch” với nội dung: Kiến thức về công vụ, công chức, kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành. Vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản.
“Để đạt được kết quả học tập như vậy, tôi đã phải cố gắng rất nhiều, đó không hề là điều dễ dàng. Do vậy tôi hi vọng Nhà nước sẽ thay đổi chính sách chiêu mộ, thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho chúng tôi phát huy để được cống hiến cho đất nước,” Ngân nghẹn ngào.
Công Luân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP