Dự án đầu tư

Tái định cư Ngàn Trươi – Cẩm Trang: “Dồn dân vào chỗ khát”

Hàng trăm hộ dân tái định cư của xã Hương Điền và Hương Quang nhường đất cho đại dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Họ vào khu tái định cư đã gần một năm nay nhưng không có nước sạch, có chăng chỉ được một số ít nhà có nước sạch. Có người cho rằng như thế là “dồn dân vào chỗ khát (!?)”.

Hàng trăm cái giếng nước không sử dụng được…

Trung tuần tháng tư, nhận được thông tin phản ánh của người dân tái định cư khu vực Hói Trung, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang – Hà Tĩnh, nhóm PV trực tiếp đến khu tái định cư “xóm nước đen” rùng mình chứng kiến cảnh nước chuyển màu đen như mực.

Chị Bùi Thị Điểm than phiền “ có lẽ ung thư chết cả làng, nước này rửa cũng không rửa được nói gì đề ăn, uống. Dân hoang mang sợ chết, dân ở đây khổ lắm các chú ạ”.

Chị Bùi Thị Điểm than phiền “ có lẽ ung thư chết cả làng, nước này rửa cũng không rửa được nói gì đề ăn, uống. Dân hoang mang sợ chết, dân ở đây khổ lắm các chú ạ”.

Chúng tôi vào Khu 54, thuộc xóm tái định cư xã Hương Quang ở khu vực Hói Trung, tới nhiều hộ dân để tìm hiểu thông tin về nước sinh hoạt nơi đây, tận mắt chứng kiến, hộ thì giếng không có nước, hộ có thì nước không sử dụng được, hoặc nước bơm lên đỏ như bùn, đóng váng và cặn.

Chị Bùi Thị Điểm (30 tuổi) dân tái định cư Khu 54, xóm Kim Quang, xã Hương Quang cho biết: Gia đình chị về tái định cư ở đây được 6 tháng, gia đình chị đã không sử dụng được nước, vì nước bơm lên, ban đầu trong suốt, nhưng có mùi tanh. Bơm lên từ tối để trong chậu qua đêm, sáng mai trong chậu nổi một lớp váng, trông như váng xăng dầu, còn phía dưới đóng cặn màu vàng. Chị Điểm than phiền, “rồi có lẽ ung thư chết cả làng, nước này rửa cũng không rửa được nói gì đề ăn, uống. Dân hoang mang lắm các chú ạ”.
Giếng Hộ Bùi Thị Ngọc bơm lên có màu vàng như bùn

Giếng Hộ Bùi Thị Ngọc bơm lên có màu vàng như bùn…
Chị Bùi Thị Lịch (37 tuổi) thì cho rằng: Giếng nhà chị có cũng như không, vì không thể bơm nước lên được, đành phải tháo máy cất xó nhà. Gia đình và đa số người dân khu vực này phải đi xách nước suối về dùng, chứ nước giếng nơi đây không dám nấu cơm. Trạm y tế xã cũng thiếu nước. Người dân bị bệnh không giám đến Trạm, mà phải lên bệnh viện đa khoa huyện cách nhà gần 20km, các cháu nhỏ đang học mầm non cũng phải dùng nước như thế này. Cha mẹ sau này già yếu thì không nói, chứ sợ con cái lỡ bị bệnh tật thì quả thật không còn nỗi đau nào lớn hơn.

... để một lúc có váng như váng xăng dầu.

… để một lúc có váng như váng xăng dầu.

Chúng tôi tớ hộ chị Bùi Thị Ngọc (32 tuổi) ở Khu 54, khi chị Ngọc đang bơm nước từ giếng của dự án để vệ sinh chuồng lợn. Thấy chúng tôi đến tìm hiểu về vấn đề nước sạch ở đây. Chị Ngọc cho vòi bơm vào chậu thau, nước từ dưới lòng đất vào chậu là có màu vàng như nước bùn mới khấy lên, để một lúc, chừng 5 phút nó đóng một lớp váng phía trên như váng xăng dầu, còn nước vẫn vàng au như nước đãi vàng. Chị Ngọc cho biết: Nước giếng nhà chị chỉ dùng để vệ sinh chuồng lợn chứ không thể sử dụng sinh hoạt được, nếu khuấy tay vào nước này nó sẽ bám vàng tay không thể rửa sạch.
Bà Vi Thị Huệ (63 tuổi) thì cho rằng: Dân đây khổ lắm chú ạ, từ ngày về đây toàn thân bà bị nổi mẩn ngứa.

Bà Vi Thị Huệ (63 tuổi) và nhiều người dân bị nổi mận ngứa khi vào tái định cư sử dụng nguồn nước không đảm bảo.

Bà Vi Thị Huệ (63 tuổi) và nhiều người dân bị nổi mận ngứa khi vào tái định cư sử dụng nguồn nước không đảm bảo.

Chúng tôi đi đến hộ dân nào của khu tái định cư Ngàn Trươi – Cẩm Trang, người dân cũng than phiền về tình trạng thiếu nước sạch để sử dụng và tình trạng không có đất sản xuất ở nơi ở mới. Một số người dân làm thí nghiệm cho chúng tôi xem, chúng tôi đã không khỏi rùng mình khi một cốc nước chè nấu từ nước suối đang xanh đẹp, đổ một ít nước bơm từ giếng ở đây lên, nước chè ngay lập tức chuyển thành màu đen như nước mực.

Rùng mình chứng kiến nước chè xanh cho nước giếng vào chuyển màu đen như mực.

Rùng mình chứng kiến nước chè xanh cho nước giếng vào chuyển màu đen như mực.

… Cán bộ vẫn trả lời “đáp ứng đầy đủ hạ tầng”!
Chiều ngày 18/4 trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng, Phó ban chuyên trách Bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi  – Cẩm Trang. Ông Hùng cho biết: Năm 2013 xã Hương Quang có 197 hộ di dời vào khu tái định cư Hói Trung và đang trong quá trình di dời. Cơ sở hạng tầng đáp ứng đầy đủ hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, đời sống nhân dân được nâng lên so với chỗ ở cũ. Được hỗ trợ 48 tháng lương thực đầu tiên, mỗi tháng 30kg gạo/1 người, tiếp theo nhận đất rừng mỗi hộ bình quân 2ha.

Ông Trần Ngọc Hùng, phó Ban chuyên trách Ngàn Trươi – Cẩm Trang: “đang tiến hành tổ chức khắc phục, nhưng bao giờ thì không biết”.

Ông Trần Ngọc Hùng, phó Ban chuyên trách Ngàn Trươi – Cẩm Trang: “đang tiến hành tổ chức khắc phục, nhưng bao giờ thì không biết”.

Vấn đề nước sinh hoạt và sử dụng thì ông Hùng cho biết: Khu tái định cư Hói Trung khoan 206 giếng, đã lắp đặt 136/197 giếng,  trong đó 136 cái đã bàn giao sử dụng có 55 cái dùng được, 81/136 đã đưa vào sử dụng có sự cố: Không có nước, nước yếu, nước nhiều phèn nhiều sắt.
Xã Hương Điền có 111/141 hộ di dân vào khu tái định cư Khe Ná, đã khoan 129 giếng, trong đó có 85 cái đã bàn giao sử dụng thì chỉ có 24 cái dùng được và có tới 61 cái có sự cố.
Như vậy, Khu tái định cư của cả 2 xã có 221 giếng khoan bàn giao sử dụng cho nhân dân, thì có tới 142 cái giếng có sự cố hư hỏng không sử dụng được, chỉ còn lại là 79 giếng dùng được. Nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Chúng tôi đề nghị ông Hùng đưa đi tới 1/79 giếng, mà ông Hùng cho rằng “dùng được”, thì  ông Hùng  đã không dám đưa chúng tôi đi.

Giếng hộ chị Bùi Thị Lịch “có cũng như không”

Giếng hộ chị Bùi Thị Lịch “có cũng như không”

Khi chúng tôi hỏi ông Hùng số tiền mỗi giếng là bao nhiêu, và tổng tiền làm các giếng này, thì ông không trả lời. Nhưng theo điều tra riêng của phóng viên Báo Đời sống và Tiêu dùng số tiền này khá lớn, mỗi giếng bình quân khoảng 17 triệu đồng. Theo ông Hùng. có 221 giếng đã bàn giao cho dân nghĩa là số tiền ở vào khoảng trên 3,7 tỷ đồng, và 142 giếng “có sự cố”, tương đương số tiền trên 2,4 tỷ đồng.
Quy trình khảo sát thiết kế đảm bảo (!?)
Để khắc phục tình trạng dân không có nước sạch ở khu tái định cư, ông Trần Ngọc Hùng cho biết: UBND tỉnh giao sở Tài nguyên môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có hướng khắc phục. Sở, ban, ngành kiến nghị UBND tỉnh, trước mắt mua cho mỗi hộ có giếng bị hỏng một thùng 1000 lít (trị giá 3 triệu), để tích nước mưa hoặc xin nước từ giếng dùng được về dùng. Hỗ trợ mỗi hộ có giếng bị hỏng một bể lắng lọc hoặc giếng khơi, trị giá 5-6 triệu đồng. Về lâu dài, kính đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống nước tự chảy. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản giao UBND huyện Vũ Quang chọn phương án hỗ trợ phù hợp. Khi phóng viên đặt vấn đề, lúc nào thì một trong 3 phương án khắc phục trên được thực hiện? Thì ông Hùng chần chừ và nói “đang tiến hành tổ chức khắc phục, nhưng bao giờ thì không biết”. Như vậy, đồng nghĩa dân ở 2 khu tái định cư của xã Hương Điền và Hương Quang còn phải chờ dài về vấn đề nước sạch.
Nước sạch ở 2 khu tái định cư Khe Ná và Hói Trung không sử dụng được thì đã rõ, nhưng nguyên nhân do đâu thì chưa thể kết luận. Vậy, trách nhiệm của việc khảo sát thiết kế ban đầu của 2 khu tái định cư này đã đảm bảo hay chưa? Tại sao khi khảo sát, khoan thăm dò không đưa vấn đề này ra?
Ông Trần Ngọc Hùng, phó Ban chuyên trách cho rằng: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hà Tĩnh khảo sát thiết kế, quy trình đảm bảo. Sự cố như vậy, nhưng nguyên nhân do khách quan, ta không lường trước được.
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Theo Đời sống và Tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP