Kinh tế

Sự thật Tùng Nhật Bản chục tỷ đồng về Việt Nam

Đa phần cây Tùng từ Nhật Bản đưa về Việt Nam chủ yếu được trồng ngoài vệ đường, thậm chí có thể được người dân cho không.

Những năm gần đây nhiều nhà vườn ở Việt Nam nhập Tùng ngoại có xuất xứ từ Đài Loan, Nhật Bản về chăm sóc được đồn đoán có giá trị lên tới hàng triệu USD.

Theo thông tin từ một nhà vườn ở thị trấn Neo - huyện Yên Dũng, Bắc Giang hiện đang trồng hàng trăm cây Tùng Nhật Bản với giá trị lên tới vài tỷ đồng mỗi cây, thậm chí có cây tại nhà vườn này còn được đồn đoán có giá lên tới cả chục tỷ đồng.

"Có cây không chỉ một đời người chăm sóc mà có thể vài đời người chăm sóc nên giá cây rất đắt. Người có tiền chưa chắc đã mua được những cây đẹp”, chủ vườn Tùng Nhật Bản ở thị trấn Neo chia sẻ.

Một cây Tùng Nhật Bản ở vườn cây thị trấn Neo được chủ nhân đem đi triển lãm và quảng cáo có giá hàng tỷ đồng.

Tại Thái Nguyên, vườn Tùng có nguồn gốc ngoại nhập của đại gia Dũng "K cơ" cũng được đồn đoán có giá cả trăm tỷ đồng. Giá trị của vườn cây này không chỉ đến từ những cây nội có tuổi đời hàng trăm năm mà có cả những cây Tùng nhập về từ Đài Loan, Nhật Bản...

Tuy nhiên, theo nhiều đại gia trong giới chơi cây cho biết, Tùng ngoại nhập đang bị thổi phồng giá trị. Khác với Tùng của Việt Nam, những cây Tùng nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản sẽ tự bỏ cành, bỏ lá rồi chết sau một thời gian ngắn chăm sóc.

Ông Phan Văn Toàn - biệt danh Toàn "đô - la" ở TP. Việt Trì, Phú Thọ cũng vừa phải làm lễ "giỗ" vườn Tùng Nhật Bản trị giá 40 tỷ đồng chỉ sau 3 năm chăm sóc.

"Mặc dù thuê cả chuyên gia Nhật Bản về để chăm sóc, cộng với kinh nghiệm mấy chục năm của tôi có về cây cảnh nhưng cuối cùng cũng không cứu được. Tùng Nhật Bản tự chột, bỏ cày rồi chết hết..." - ông Toàn cay đắng nói.

Cũng theo đại gia Toàn đô-la, cây Tùng Nhật Bản được đưa về Việt Nam không phải là cây gì quý hiếm. Loại cây này được trồng đầy ở ven đường bên Nhật Bản, thậm chí có cây còn có thể xin không được. Khác với Tùng của Việt Nam, Tùng Nhật Bản sinh trưởng rất nhanh. Nếu như một cây Tùng ở Việt Nam phải mất vài chục năm mới thành hình dáng nghệ thuật thì Tùng Nhật Bản chỉ mất có vài năm.

Đó cũng là lời lý giải cho nguyên nhân vì sao Tùng Nhật Bản lại có ít giá trị đến thế trong khi Tùng cổ của Việt Nam lại có giá trị rất cao, không phải ai có tiền cũng sở hữu được.

Vườn tùng của Dũng "K cơ" ở Thái Nguyên.

Không chỉ có Toàn đô-la, mà ngay cả những đại gia trong giới chơi cây khác ở Việt Nam cũng đang gặp trái đắng với Tùng Nhật Bản như Trầm Bê, Bầu Kiên, Minh Bình Dương... với vườn Tùng Nhật Bản được nhập về có giá hàng trăm tỷ đồng đang dần lụi tàn mặc dù thuê nhiều chuyên gia ngày đêm chăm sóc.

Một chủ vườn ở huyện Thường Tín, TP. Hà Nội cũng chia sẻ: "Với những người chơi cây lâu năm sẽ không bao giờ lựa chọn hàng ngoại nhập. Nguyên nhân là do ở nước ngoài họ cũng quý cây cảnh, sưu tầm những cây mang hương sắc dân tộc và không bán với bất cứ giá nào. Chính vì thế, để mua được một cây quý hiếm từ nước ngoài đưa về Việt Nam rất khó".

Cũng theo chủ vườn này, Tùng Nhật Bản đưa về Việt Nam đã bị thổi giá lên gấp cả chục lần so với giá trị thực. Thậm chí, có cả một nhóm đầu nậu đứng sau việc thổi giá này. Điều đó đã làm ảnh hưởng tới giới cây cảnh của Việt Nam.

"Cũng có nghi vấn rửa tiền thông qua việc mua bán cây cảnh nhưng đó là câu chuyện quản lý nhà nước. Còn sự thật thì Tùng Nhật Bản không có giá trị cao trong mắt người chơi cây lâu năm" - vị chủ vườn này khẳng định.

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thông đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận những cuộc giao dịch cây cảnh có giá trị lên tới hàng tỷ đồng đang tiềm ẩn hình bóng tội phạm rửa tiền biến tướng. Tội phạm rửa tiền đã dùng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng.

Việc rửa tiền qua cây cảnh thường khó xác định giá trị, người đứng sau các cuộc giao dịch. Hơn nữa, các cuộc giao dịch này đều được thực hiện bằng tiền mặt nên rất khó xác định.

Việc xác định tội phạm rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật càng trở lên khó khăn hơn khi cái cây đó có nguồn gốc từ nước ngoài. Khi các cuộc giao dịch thành công thì một số lượng tiền rất lớn được chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp.

Để ngăn chăn được tình trạng này, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiên quyết hơn. Buộc các cuộc giao dịch cây cảnh có giá trị từ trăm triệu trở lên phải thông qua việc chuyển khoản ngân hàng để kiểm soát nguồn tiền từ đâu mà có, ai là người đứng sau các cuộc giao dịch này.

Tác giả: Vân Lâm

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP