Tin Hà Tĩnh

Sông Ngàn Phố ở mức đỉnh, cảnh báo lũ trên diện rộng

Chiều 17-7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hiện lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đang lên, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) dao động ở mức đỉnh.

Mực nước lúc 16 giờ 17-7 trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 10,38 m, xấp xỉ mức báo động 1; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 11,38 m, xấp xỉ mức báo động 2.

Dự báo, lũ trên sông Ngàn Sâu tiếp tục lên, sông Ngàn Phố xuống dần. Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 7,5 m, ở mức báo động 1; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức 9,0 m, dưới báo động 1 là 1,0 m.

Mưa lớn khiến mực nước trên các sông miền Trung lên cao. Ảnh: VIẾT LONG

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên trong đêm nay (17-7), ở Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to.

Từ chiều mai (18-7) đến đêm 19-7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có mưa rất to trở lại.

Theo đó, từ ngày 18-7 đến 20-7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức báo động 1 và báo động 2. Riêng sông Bưởi (Thanh Hóa) lên trên mức báo động 2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức báo động 1.

Trung tâm cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Cùng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cơn bão số 3 (cơn bão Sơn Tinh) cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 680 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo đến 10 giờ ngày 18-7, tâm bão ở khoảng 19,5 độ vĩ Bắc; 108,5 độ kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc bộ, cách bờ biển Hải Phòng-Hà Tĩnh khoảng 270 km, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ và đổ bộ vào đất liền trong tối và đêm 18-7.

Đây là cơn bão di chuyến rất nhanh, cường độ tương đối mạnh, đi qua vịnh Bắc bộ là khu vực có nhiều tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch.

Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai - Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành, địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão chỉ đạo khẩn trương, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trú tránh bão; quản lý chặt chẽ việc ra khơi, đặc biệt đối với các tàu du lịch; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Tùy theo diễn biến bão, các địa phương chủ động cấm biển.

Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn. Đồng thời, kiên quyết thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là những nơi bão có khả năng đổ bộ và phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 18-7.

Huy động lực lương, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, hầm mỏ, bến bãi, chặt tỉa cành cây. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo.

Tác giả: VIẾT LONG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP