Thế giới

Sông băng giữ xác vợ chồng nguyên vẹn 75 năm như thế nào?

Điều kiện trong lòng sông băng cũng như phản ứng cơ thể biến thi thể đôi vợ chồng người Thụy Sĩ thành xác ướp suốt 75 năm.

Tuần trước, trong một chuyến đi kiểm tra định kỳ, kỹ thuật viên thang kéo trượt tuyết của khu nghỉ mát Glacier 3000 ở Thụy Sĩ phát hiện tập hợp nhiều khối đá đen gần sông băng Tsanfleuron ở phía tây rặng núi Bernese Alps, theo New York Times. Khi xem xét kỹ hơn, người kỹ thuật viên phát hiện những khối đá thực chất là xác ướp.

Kiểm tra ADN giúp xác nhận xác ướp thuộc về đôi vợ chồng Marcelin và Francine Dumoulin, mất tích sau khi rời khỏi nhà để cho gia súc ăn sáng hôm 15/8/1942.

Khả năng hai người nhà Dumoulin rơi xuống một khe nứt vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng có thể một trận bão tuyết đã bao phủ họ, khiến đội tìm kiếm không thể trông thấy cặp đôi. Bất kể điều gì xảy ra, cuối cùng nước trong cơ thể họ đông cứng. Tuy nhiên, tinh thể băng trong mô của họ chắc chắn không ở trạng thái cố định, theo Dan Fisher, giáo sư khoa học Trái Đất và môi trường ở Đại học Michigan, người không tham gia nhận dạng hài cốt.

Xác ướp hai vợ chồng Dumoulin lộ dưới sông băng. Ảnh: Telegraph.

"Lúc đầu các mô có lượng nước cao, nhưng số nước đó sẽ đóng băng, và trong nhiều trường hợp, dưới điều kiện đông lạnh, khi bao quanh là không khí với lượng hơi nước thấp, tinh thể băng trong mô có thể thăng hoa", Live Science dẫn lời Fisher. Thăng hoa là quá trình trong đó băng cứng biến đổi trực tiếp thành hơi nước mà không chuyển thành dạng lỏng. Nói cách khác, các mô bị khô đi, theo Fisher.

Trong trường hợp này, cả điều kiện lạnh khô ngăn cản vi khuẩn và nấm mốc hoạt động lẫn các quá trình hóa học phân hủy mô người đều góp phần bảo quản hoàn hảo cơ thể nạn nhân.

Ngoài ra, hai thi thể vẫn còn tương đối nguyên vẹn chắc chắn bởi sông băng Tsanfleuron khá ổn định, dù các dòng sông băng chảy chậm thường xuyên dịch chuyển. Chúng tiến về phía trước khi lượng băng tuyết mới hình thành nhiều hơn lượng băng tuyết mất đi và rút lui trong trường hợp ngược lại, theo Martin Callanan, phó giáo sư khảo cổ học ở Đại học Khoa học Kỹ Thuật Na Uy.

Sự lút lui của sông băng tạo điều kiện các nhà nghiên cứu nhìn ngược lại quá khứ. Năm 2003, tại sông băng Schnidejoch cách sông băng Tsanfleuron chưa đến 32 km, giới nghiên cứu phát hiện những đồng xu, da, một mảnh bát gỗ và một bộ cung tên. Những đồ vật đó có niên đại gần nhất từ thời Trung Cổ và xa nhất là thời Đồ đá mới cách đây gần 4.500 năm trước Công nguyên.

Callanan cho rằng sự gia tăng số lượng vật thể được phát hiện trong lòng sông băng là kết quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ toàn cầu trong các năm 2014, 2015 và 2016 liên tục lập kỷ lục nóng nhất hành tinh tính từ năm 1880, theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ. Sự ấm lên này khiến các sông băng trên toàn thế giới co lại.

Phát hiện thi thể vợ chồng Dumoulins mang lại niềm an ủi lớn lao đối với con gái của họ là Marceline Udry-Dumoulin. Udry-Dumoulin, một trong số 7 người con nhà Dumoulins, chỉ mới 4 tuổi khi cha mẹ bà mất tích. Sau khi họ biến mất, đội cứu hộ địa phương đã tìm kiếm hơn hai tháng nhưng không có kết quả.

Tác giả: Phương Hoa

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP