Giáo dục

Sinh viên chi tiền triệu tất bật tất niên

Chỉ đơn giản được ngồi lại với nhau, hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời thì những bữa tất niên "cây nhà lá vườn" ngay tại phòng trọ của sinh viên cũng tạo nên một buổi gặp mặt cuối năm "linh đình".

Thời gian có thừa, tiền bạc được gia đình chu cấp hoặc chính từ việc đi làm thêm mà mật độ sinh viên tổ chức các bữa tất niên còn có thể còn "vượt mặt" so với người đi làm.

Khoảng thời gian sắp nghỉ Tết là lúc sinh viên bắt đầu chạy đua với tiệc tùng "chia tay năm cũ, đón chào năm mới" bên bạn bè thân hữu, bạn bè xã giao, người cùng chỗ trọ...

"Trong kế hoạch mấy ngày cuối năm còn lại thì đã có 4 ngày mình phải dành thời gian cho việc đi ăn với bạn bè. Đi học và cả đi làm nên mình có nhiều bạn, bạn đại học cũng có một bữa, anh chị cùng công ty, bạn cùng xóm trọ, cả bạn chơi điện tử nữa - đám bạn này là thú vị nhất." - Việt Huy (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) hào hứng chia sẻ về lịch trình tất niên dày đặc của bản thân.

Huy cho biết thêm: "Mỗi bữa chi phí khoảng 200.000 đồng, 4 bữa tính ra là 800.000 nghìn đồng nhưng đấy là tính tròn chưa kể chi phí phát sinh rượu, bia, đi hát nữa".

Chẳng riêng gì những bạn nam, các bạn sinh viên nữ cũng có cuộc "nhậu" cuối năm không hề kém cạnh.

Thanh Mai - sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường góp chuện: "Cuối năm có mà đến cả chục cái tất niên, bạn bè đại học, chỗ làm, bạn chơi cùng, thêm cả họp lớp. Chưa kể với bạn bè chơi cùng có khi còn phải nhân đôi nhân ba các bữa lên vì thích gặp nhau là cứ gặp để ăn uống. Tiền đi làm thêm cuối năm chỉ đủ để tụ tập với bạn bè. Riêng tất niên, mình đã phải dành ra hơn 1 triệu cho việc hội họp."

Cũng dành hơn 1 triệu cho việc ăn tất niên với bạn bè, Nguyễn Trang - sinh viên Báo chí nói vui: "Mình còn là sinh viên mà ăn tất niên hơn cả người đi làm. Mình chủ yếu tụ tập với bạn cấp III, những đứa bạn đi du học chỉ dịp Tết mới được gặp mặt, ngoài ra còn các anh chị cùng công ty... Mỗi bữa ăn khoảng trên 300.000 đồng vì chủ yếu chúng mình gặp nhau ở nhà hàng. Cuối năm bạn bè sum vầy, vui thì có vui nhưng nghĩ đến số tiền bỏ ra cũng hơi "méo mặt".

Khác với hầu hết sinh viên "chạy sô" ăn tất niên mỗi dịp cuối năm, Phương Linh - sinh viên Báo chí nói cô cũng cũng có tất niên, nhưng chỉ duy nhất một bữa với hội bạn chơi cùng đã lâu, thời gian còn lại thì sắp xếp về quê dọn dẹp nhà cửa cho bố mẹ. "Số tiền chi trả cho các cuộc vui cuối năm kia có thể mua được kha khá những thứ cần thiết cho gia đình trong dịp Tết này, vậy nên mình sẽ tự động từ chối các bữa hội họp không cần thiết".

Đằng sau những cuộc vui sum vầy...

Sau vài bữa nhậu nhẹt cùng bạn bè khi mới chớm vào mùa tất niên, Việt Huy đã ngán ngẩm:

"Cứ mỗi bữa tất niên là không thể nào không có rượu, mà khi đã rượu vào là hôm sau đi làm thêm hay đi học chẳng thể tập trung được, chỉ muốn về phòng ngủ luôn. Mà cái giống có hơi men rượu vào lời ra, nói năng lung tung, cãi nhau tranh luận ầm ĩ, đau đầu lắm!".

"Con gái còn đỡ say xỉn, con trai tất niên là kiểu gì cũng say không ít thì nhiều. Mà đã say thì không làm chủ được bản thân, có bao nhiêu vụ đánh chém nhau trên bàn nhậu rồi. Việc những bạn sinh viên ăn tất niên triền miên vừa tốn thời gian lại hại sức khỏe. Mình còn biết có bạn ở Hà Nội thêm một vài ngày không về quê để chờ ăn uống với bạn bè" - Phương Linh bộc bạch.

Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe, hệ lụy trông thấy rõ ràng sau mỗi bữa tất niên là phát sinh chi phí. Một bữa ăn có thể chỉ khoảng 200.000 đồng nhưng nhân lên thành 4 đến 5 bữa thì số tiền không hề nhỏ đối với sinh viên. Trịnh Mai - sinh viên Sư phạm tâm sự: "Không đi ăn uống thì mọi người lại nghĩ mình không hòa đồng, nhưng có những cuộc tụ họp đi chỉ vì trách nhiệm, vui thì ít mà tiền làm thêm kiếm được lại chẳng thấy đâu, chưa kể thiếu tiền còn phải đi vay mượn để ăn uống". Một số sinh viên ăn tất niên ít còn bị đánh giá là "không ai chơi" nên chẳng có bạn để tụ họp.

Mặc dù, mặt trái sau mỗi bữa tất niên của sinh viên vẫn còn là câu chuyện dài muôn thuở, nhưng hơn hết các bạn sinh viên đều cảm thấy "rất đáng" vì "cả năm mới có một lần" bạn bè được ngồi lại với nhau đông đủ, hiểu về nhau hơn, có những giây phút thoải mái ôn lại đủ thứ chuyện trên đời từ học hành, công việc, đến chuyện yêu đương và những dự định tương lai. Những con người của tuổi trẻ gặp nhau thoải mái mà nói cười, bỏ qua mọi áp lực bên ngoài cuộc sống đang chờ đợi trong một năm mới đang đến .

Tác giả: Lan Hương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP