Tuỳ bút Quê hương

Siêu phẩm tiếng Nghệ

“Bửa nớ đi ngoài cươi bấp cái cẳng bổ trợt cái trục cúi, mai đi mần không đặng. Quê choa nói rứa đó, bọn bây dịch đi”.

Chẳng biết Việt Nam ta có mấy vùng phương ngữ khác nhau, chỉ biết trong 3 miền Bắc, Trung, Nam, thì ngay mỗi cái vùng lớn ấy đã có mấy thứ tiếng khác nhau, mà dễ nhận thấy là tiếng Thanh, Tiếng Nghệ, Tiếng Quảng, tiếng Huế, tiếng Sài gòn, tiếng miền Tây (đôii khi cũng gọi là giọng)…

Mỗi thứ tiếng (giọng) có một sắc thái tình cảm riêng, một chất riêng, cũng có thể gọi đó là nét cơ bản dễ nhận dạng góp phần tạo nên bản sắc văn hoá vùng miền.

Tiếng Nghệ quê tôi của cả Nghệ An và Hà Tĩnh (trước kia là Nghệ Tĩnh), mang âm vực nằng nặng khó nghe nhất đối với ai sống ở vùng miền khác, lại là khi mới tiếp xúc lần đầu. Người Nghệ tôi yêu quê nên tự hào về tiếng nói ấy, có nhiều người đi xa hàng chục năm trời vẫn nặng nặng tiếng nói ấy, có người đã pha lẫn ngai ngái giọng Bắc, giọng Nam nhưng không lẫn đi đâu được cái giọng Nghệ.

Có phải giọng Nghệ nặng nên khó thay đổi, hay vì chính người Nghệ không muốn thay đổi? Xét từ bản thân mình, đôi khi mình muốn nói nhẹ hơn, chuẩn mực phổ thông hơn để bè bạn và mọi người khác xứ dễ nghe, song những âm vực ấy, chất giọng Nghệ ấy đã ngấm vào máu, trụ lại ở thanh quản, chẳng dễ gì phôi phai. Tôi chỉ có thể nói tiếng ngôn ngữ phổ thông hơn, nhẹ hơn để dễ hiểu hơn một chút, còn cái giọng ấy, âm vực nằng nặng ấy vẫn đi theo tôi dù đã xa quê lâu ngày, chỉ có con gái là mềm mại hơn nên dễ đỗi giọng, nếu cố tình thay đổi thì cũng có thể nói được giọng Bắc nghe chẳng khác chi người Bắc.

Hồi đi học đại học, mấy bạn gái ở quê ra bắt chước giọng Hà Nội thật chuẩn, có khi chính người thân như tôi còn thấy ngỡ ngàng, thì người lạ cũng không dễ gì phát hiện ra gốc gác. Đôi lần tôi đùa “Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”(Nguyễn Bính), thì mấy cô bạn gái tôi cười, ừ thì cũng phải biến tấu ít để ngoại giao chứ! Ấy vậy nhưng mỗi khi gặp đồng hương thì xả những tràng tiếng quê giòn như pháo, tự nhiên, khoan khoái, như đang chính ở nhà mình. Cái giọng nằng nặng của tôi cũng gặp không ít phiền phức nho nhỏ, vì có khi người khác phải hỏi lại mới rõ mình nói gì, mà trong giao tiếp như thế cũng là bất tiện. Một anh bạn đồng nghiệp người Bắc có lần hỏi tôi, anh không thay đổi được giọng của mình nhỉ? Tôi bảo, ừ cũng khó! Mà nếu tôi thay đổi chắc tôi sẽ là người khác mất rồi, tôi nghĩ bụng thế! Ông cha quê tôi có câu mắng mỏ những kẻ lai căng mất gốc thế này “Chém cha không bằng pha giọng”. Pha giọng còn nặng hơn tội bất hiếu với cha.

Dân gian có cái lý của mình, tôi không thuộc típ người nệ cổ và bảo thủ song vẫn mến yêu giọng nói quê mình và tự thấy có lẽ giọng ấy là chút quê của tôi còn lại sau bao năm tha hương.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiện sống và làm việc tại Liên bang Nga, đã từ lâu ông viết một bài thơ về quê hương, trong đó ông có mấy câu nói về giọng quê: “…Tiếng mộc mạc nhận ra người xứ Nghệ/Đi muôn nơi, giọng nói vẫn quê nhà …”

Người ta dễ dàng nhận ra con người Nghệ nhờ chất giọng không lẫn vào đâu được, giọng quê nhà, giọng của người đất Nghệ.

Giữa những người Nam đất Bắc nghe một tiếng Nghệ bỗng thấy quê hương gần lại, người xa lạ cũng hoá thân quen. “Nhiều khi chợt nhớ điếng người/Không cao sang – chỉ những lời “mô, tê”/Thôi thì cũng một tiếng quê/Người chê nằng nặng mình nghe chính mình” (Giữa Hà Nội gặp đồng hương – Hồ Huy Sơn).

 Cũng có đôi khi có những thoáng sánh so đáng yêu. Trong bài thơ “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội”, tác giả Phan Thuý Thảo có viết: “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội/Ngẩn ngơ: Lời họ quá mềm/Chao ôi! Giọng mình giật cục/ Người ta nói sao ngọt êm” Nhưng không hề tự ti ngược lại tự hào một cách tếu táo, đáng yêu: “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội/“Mô, tê, răng, rứa” làm quà/Bạn cười gãi “tróôc” bào chữa/ “Rứa thôi dân Nghệ nhà choa!”

Thế mới thấy những gì thuộc về hồn, cốt đâu dễ gì quên, đâu dễ gì bỏ, trái lại ai cũng nhân lên niềm yêu mến, nỗi tự hào. Không hiểu các nhà ngôn ngữ đã lí giải như thế nào về giọng Nghệ quê tôi. Trong cái vốn hiểu biết của mình, tôi hiểu rằng, ngôn ngữ là sản phẩm của con người, của sản xuất, sinh hoạt và giao lưu trao đổi tình cảm nhưng bị chi phối bởi phong thổ, khí hậu. Cái chất giọng nằng nặng ấy là sản phẩm của thiên nhiên gió Lào nắng nóng khắc nghiệt, của bão lũ hoành hoành hàng năm, của những con người bộc trực, thẳng thắn, nhiệt tình nơi một miền quê còn nhiều gian khó.

Cũng nhờ thứ tiếng ấy mà có những điệu hò xứ Nghệ sâu lắng, trữ tình, chẳng lẫn vào đâu được. Thật cảm động khi nghe “Giữa Mác Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, người đi xa thương nhớ, nao lòng. Thật xúc động khi Trần Hoàn viết một khúc ca có chi tiết lịch sử về lãnh tụ Hồ Chí Minh, rằng trước lúc Người đi xa “Bác muốn Nghe một câu hò xứ Nghệ”.

Ai đi xa mà lòng chẳng mang nỗi nhớ quê hương, với lãnh tụ Hồ Chí Minh tình cảm ấy đã ăn sâu vào máu thịt dẫu hàng chục năm bôn ba xa ngái quê hương. Một câu hò trước lúc đi xa để được là trở về, là tìm về cội nguồn, một phút giây lắng lại như dân gian từng nói “lá rụng về cội”.

Bởi tình yêu quê hương đất nước luôn day dứt trong tim, mà chỉ có những câu hò, điệu ví mới giúp nguôi ngoai nỗi nhớ thương.

Với tôi lâu không nghe tiếng quê cũng thấy nhớ, không gần thấy thiếu, và mỗi lần được nói bằng chính giọng quê lại thấy gốc gác của mình.

Tôi hiểu, tiếng Nghệ, với người Nghệ không chỉ là tiếng quê mà tiếng gọi trở về, là tiếng lòng thổn thức khôn nguôi.

Mỗi vùng, miền trên đất nước Việt Nam lại có bản sắc văn hóa của riêng mình, trong đó tiếng địa phương (phương ngữ) là một nét văn hóa quý báu cần được bảo tồn. Tiếng Nghệ Tĩnh (khu vực gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) là một trong những phương ngữ như vậy.

Trong thời gian gần đây, một bài viết có tựa đề “Giáo trình tự học tiếng Nghệ trong 24h” đã lan truyền trong cộng đồng mạng Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Với nội dung gồm những những kiến thức cơ bản kèm theo ví dụ minh họa sống động, “Giáo trình” này đã xuất hiện trên hàng chục diễn đàn lớn nhỏ và thu hút rất đông các bạn trẻ hào hứng vào học tiếng Nghệ.

Tiếng Nghệ thật là phong phú

Trong phần mở đầu của “giáo trình” tiếng Nghệ, người biên soạn cho biết “công trình” của mình được thực hiện nhằm “khắc phục tình trạng mình nói mà các bạn ngoài Bắc nghe không hiểu gì, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tiếng Nghệ An ngày càng cao của một số anh chị em ngoài Bắc muốn làm dâu rể Nghệ An”.

Theo giáo trình, tiếng Nghệ có ngữ pháp thống nhất với tiếng Việt nói chung và khá giống các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế) ở các từ vựng cơ bản như “mô, tê, răng, rứa”.

Đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa tiếng Nghệ Tĩnh với tiếng của các địa phương khác là ở âm điệu và hệ thống từ loại. Theo đó, về mặt âm điệu, người xứ Nghệ đọc dấu ngã (~) thành dấu nặng (.), cho nên nghe giọng Nghệ mới “nặng trình trịch”. Thậm chí, ở một số vùng, dấu hỏi (?) cũng được đọc thành dấu nặng (.). Các phụ âm “s” và “x”, “tr” và “ch”, “r” và “d” người Nghệ Tĩnh phát âm rất rõ, chứ không đọc bằng nhau như giọng Hà Nội.

Về hệ thống từ vựng, mỗi địa phương ở Nghệ Tĩnh lại sử dụng những từ khác nhau, đặc biệt là danh từ, nhưng về toàn thể thì ở mọi vùng đều dùng chung một số từ thông dụng và phổ biến. Những từ vựng này được liệt kê ở một “từ điển” đi kèm “giáo trình”.

Từ điển tiếng Nghệ:

Đại từ – Mạo từ:

* Mi = Mày

* Tau = Tao

* Choa = Chúng tao

* (Bọn)bây = Các bạn

* Hấn = Hắn, nó

* Ci (ki, kí), cấy = Cái.

Danh từ:

* Con du = con dâu

* Chạc = Dây

* Chủi = Chổi

* Con me = Con bê

* Đọi = (cái) Bát

* Nạm = Nắm.

* Trốc = Đầu.

* Tru = Trâu.

* Trốc tru = Đồ ngu.

* Trốc gúi = Đầu gối.

* Khu = Mông, đít.

* Mấn = Váy.

Thán từ – Chỉ từ:

* Mô = 1. Đâu. 2. Nào.

* Mồ = Nào.

* Ni = 1.Này. 2.Nay.

* Tê = Kia.

* Tề = Kìa.

* Rứa = Thế

* Răng = Sao.

* Chi = Gì.

* Nỏ = Không.

* Ri = Thế này.

* A ri = Như thế này.

* Nớ = Ấy .

* (Bây) Giừ = (Bây) Giờ.

* Hầy = Nhỉ.

* Chư = Chứ.

* Rành = Rất.

* Đại = 1. Khá. 2. Bừa.

* Nhứt = Nhất. Động từ:

* Bổ = Ngã.

* Bứt = Bẻ.

* Chưởi = Chửi.

* Ẻ = Ỉa.

* Đấy = Đái.

* Đút = Đốt.

* Đập (chắc) = Đánh (nhau).

* Dắc = Dắt.

* Gưởi = Gửi.

* Hun = Hôn.

* Mần = Làm.

* Nhởi = Chơi.

* Rầy = Xấu hổ.

* Vô = Vào.

Tính từ:

* Cảy = Sưng.

* Ngái= Xa.

* Su = Sâu.

* Túi = Tối.

Kết hợp gữa âm điệu và từ vựng, một số câu ví dụ về ngôn ngữ của người Nghệ được đưa ra như sau:

Bây đi mô đó, cho choa đi với = Các bạn đi đâu đấy, cho chúng tôi đi với.

Giừ mi ở chộ mô rứa? = Giờ cậu ở chỗ nào thế?

Đóng ci cựa lại = Đóng cái cửa lại.

Cấy chi rứa = Cái gì thế?

A ri là răng? = Như thế này là thế nào?

Phim ni xem hay đại = phim này xem khá hay.

Dắc con tru ra đồng = dắt con trâu ra đồng.

Ao ni su ri = Ao này sâu thế.

Giải mã bài thơ tiếng Nghệ bí hiểm

Ngay sau khi nghiềm ngẫm giáo trình tiếng Nghệ, cảm nhận đầu tiên của nhiều bạn trẻ không phải người Nghệ An, Hà Tĩnh là tiếng Nghệ cực kỳ khó “nhằn”. Thành viên kubihihihi, diễn đàn Vozforum nhận xét: “Học tiếng này cũng như học tiếng Anh, cứ phải tiếp xúc nhiều mới nói sõi được, chứ cứ đọc công thức thì không thể nào mà nhớ nổi”.

Theo những thành viên là người gốc Nghệ thì “giáo trình” trên mới chỉ cung cấp những kiến thức cực kỳ sơ đẳng, đặc biệt là từ vựng tiếng Nghệ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn rất hào hứng bắt tay ngay vào thực hành tiếng Nghệ bằng cách học dịch “Nghệ ngữ”. Thành viên có nick tinhyeudimat, một “chuyên gia” tiếng Nghệ đưa ra đề bài: “Bửa nớ đi ngoài cươi bấp cái cẳng bổ trợt cái trục cúi, mai đi mần không đặng. Quê choa nói rứa đó, bọn bây dịch đi”.

Đáp án đúng được thành viên yeu2lan đưa ra: “Bữa kia đi ngoài sân vấp cái chân ngã trầy đầu gối, mai không đi làm được”.

Nhưng hóc búa nhất vẫn là một bài thơ tiếng Nghệ mà người tỉnh ngoài đọc thì chỉ có nước… ú ớ như đọc mật mã. Thậm chí, nhiều người Nghệ chính gốc cũng không thể “giải mã” đúng 100% bởi bài thơ sử dụng khá nhiều từ địa phương riêng biệt.

Dưới đây là nội dung bài thơ: “Mùa nực với mùa gắt/Kêu chắc đến rồi tề/Dừ sốt hơn bựa tê…/Khát khô mui nẻ họng/Ung bứt toóc dới rọng/Mụ cào ló trửa cươi/Con chắt ả mô rồi/Hắn cợi tru vô rú/Bếp lạnh tanh mun trú/Cho ga trọi ga bươi/Nác chát ở mô rồi/Múc cho tui một đọi/O tê ngong rành sọi/Ả nớ chộ cũng tài/O ả có thương ngài/Nấu cho nồi nác chát/Tui uống vô mát rọt/Thứ chè gay rành tài/Nắng ra răng mặc trời/Cũng thua nồi nác chát”.

Và đây là một “bản dịch” được cho là tương đối “chuẩn” của thành viên có nick thanhve:

Mùa nực với mùa gắt – Mùa nóng với mùa gặt

Kêu chắc đến rồi tề – Kêu nhau đến rồi kìa

Dừ sốt hơn tự tê – Giờ nóng hơn dạo trước

Sốt khô mui nẻ họng – Nóng khô môi nẻ họng

Ung bứt toóc dới rọng – Ông gặt lúa dưới ruộng

Mụ cào ló trửa cươi – Bà cào lúa giữa sân

Con chắt ả mô rồi – Con bé chắt của chị đâu rồi

Hắn cợi tru vô rú – Nó cưỡi trâu vào núi

Bếp lạnh tanh mun trú – Bếp lạnh tanh mun trấu

Cho ga trọi ga bươi – Cho gà chọi gà bươi

Nác chát ở mô rồi – Nước chát ở đâu rồi

Múc cho tui một đọi – Múc cho tôi một bát

O tê ngong rành sọi – Cô kia ngong(?) giỏi thật

Ả nớ chộ cũng tài – Chị kia thấy cũng tài

O ả có thương ngài – Cô với chị có thương người

Nấu cho nồi nước chát – Nấu cho nồi nước chát

Tui uống vô mát rọt – Tôi uống vào mát ruột

Thứ chè gay rành tài – Thứ chè gay tài thật

Nắng ra răng mặc trời – Nắng thế nào thì mặc trời

Cũng thua nồi nước chát – Cũng thua nồi nước chát

Sưu tầm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP