Kinh tế

Shopee tràn lan "đồ chơi" và thuốc hỗ trợ chuyện chăn gối giá rẻ: Đâu thật đâu giả, an toàn ở đâu?

Mới đây, thông tin về việc Shopee để doanh nghiệp bán "cần sa" núp bóng các mặt hàng thực phẩm bánh kẹo khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Từ đây đặt ra câu hỏi, liệu những sản phẩm được bày bán tại sàn thương mại điện tử này có đảm bảo an toàn, chất lượng khi những mặt hàng cấm khác vẫn có thể lách luật và buôn bán công khai?

Shopee là một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất hiện nay. Sàn thương mại điện tử này đã cùng Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn. ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" hồi tháng 4/2019.

Nhưng mới đây xuất hiện thông tin "bánh cần sa" được tiến hành giao dịch ngay trên sàn thương mại điện tử này khiến không ít người tiêu dùng hoang mang. Đại diện Shopee đã lên tiếng xác nhận thông tin này và thừa nhận họ "không đủ sức để kiểm duyệt". Vụ việc đã được Shopee trình báo cơ quan chức năng để điều tra làm rõ.

Từ đây cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn, chất lượng những sản phẩm được bày bán trên sàn thương mại điện tử này. Nếu những mặt hàng cấm như bánh cần sa chỉ cần núp bóng một vài thương hiệu thực phẩm đã có thể được bày bán công khai như vậy, liệu những sản phẩm tiêu dùng khác được bán trên đây nhưng giá chỉ bằng 1/2 so với giá thị trường có đảm bảo về mặt chất lượng cũng như an toàn cho người sử dụng.

Khảo sát mặt hàng được cho là khá "tế nhị", ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng được bán trên sàn thương mại điện tử này đó là những sản phẩm liên quan đến chuyện ái ân vợ chồng, có thể dễ dàng thấy được sự phức tạp cả về sản phẩm lẫn giá cả. "Ma trận" sản phẩm và giá cả khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang vì cùng một mặt hàng, trên Shopee được bán giá rẻ đến bất ngờ.

Trước hết vấn đề giá cả, điều dễ dàng để nhận thấy đó chính là giá các sản phẩm nói chung được bán trên sàn thương mại điện tư này rẻ hơn so với các sàn thương mại điện tử khác như Tiki hay Adayroi... chứ chưa nói đến các cơ sở kinh doanh ngoài thị trường.

Một hộp bao su (BCS) chỉ có giá 9.000 đồng, dù mức giá chưa giảm của sản phẩm này là 15.000 đồng cũng quá rẻ so với các cơ sở kinh doanh khác. Thông thường, sản phẩm BCS nhập ngoại này được bán với giá không dưới vài chục nghìn đồng cho một hộp gồm 3 chiếc.

Tuy nhiên, số lượng bán ra trên vẫn rất lớn, lên đến hàng nghìn hộp. Dường như người mua không thực sự quan tâm đến vấn đề giá cả có đi cùng với chất lượng sản phẩm. Cái giá quá rẻ để có sản phẩm mang thương hiệu quốc tế khiến họ háo hức và mạnh tay đặt hàng.

Cùng một sản phẩm BCS, nhưng khi được bày bán ở những cơ sở kinh doanh có địa chỉ cụ thể ở ngoài thị trường, giá cả không thấp đến mức "dọa người" như vậy. Có thể thấy ở dưới đây, dòng siêu mỏng của Durex này đã được bán với giá 77.000 đồng, và Ultima chắc cũng phải hơn con số 15.000 đồng chứ?

BCS được bán ngoài cửa hàng, giá được niêm yết sẵn trên website.

Thêm vào đó, có hàng nghìn sản phẩm tình dục như BCS, gel bôi trơn... khi được bày bán trên Shopee đều có giá thấp hơn ngoài thị trường gấp nhiều lần, thậm chí thấp hơn 1/2, 1/3 so với những cơ sở kinh doanh bên ngoài. Như dưới đây, cùng 1 loại combo trên Shopee bày bán giá 250.000, còn một số shop người lớn lại có giá lên đến 420.000; chưa bàn đến chất lượng xuất xứ sản phẩm, con số chênh lệch lớn đến vậy cũng có thể khiến nhiều người hoài nghi về combo ưu đãi mà Shopee mang đến cho người dùng.

Cùng 1 loại sản phẩm, nhưng giá trên Shopee chỉ bằng 1 nửa...

so với ngoài cửa hàng

Ma trận giá cả như thế này khiến không ít người hoang mang về chất lượng sản phẩm:

Chênh nhau gần 1 nửa giá..

dù cho đó là cùng 1 sản phẩm

15 chiếc chỉ 61.000 đồng nhưng...

12 chiếc đã hơn 200.000 đồng?

Chưa kể đến việc, các mặt hàng này có nguồn gốc rõ ràng hay không. Hàng loạt sản phẩm bao bì in, chữ và nhãn mác nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng lại được bán với giá khá rẻ và quảng cáo rằng đây là sản phẩm nhập khẩu hoàn toàn.

Sản phẩm in chữ và nhãn mác nước ngoài nhưng giá thành khá rẻ.

Một trong các lý do thường xuyên được đưa ra để giải thích mức giá "rẻ đến như cho" này là shop online không mất chi phí mặt bằng, chi phí nhân viên, tự chủ vận hành, vân vân và mây mây. Tuy nhiên, kể cả giảm bớt sạch các chi phí như chủ shop nói, mặt hàng chỉ có thể rơi xuống điểm sàn gần sát giá gốc, chứ không thể nào tụt xuống tận mức... thanh lý kể trên. Họa chăng, BCS chỉ còn 1, 2 ngày date sử dụng, trong khi quá trình vận chuyển của Shopee thông qua các đơn vị ngoài đã lên đến ít nhất 1 ngày. Tóm lại, thứ được đưa đến cho người tiêu dùng là cái gì?

Cách đây ít lâu, một lượng lớn BCS, gel bôi trơn giả suýt được đưa vào thị trường nhưng may mắn được phát hiện và đem đi tiêu hủy. Những BCS, gel bôi trơn gia này được làm từ loại hóa chất, nguyên vật liệu không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rồi "nhái" các thương hiệu nổi tiếng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Và nếu chỉ là người tiêu dùng thì rất khó để phát hiện đâu là sản phẩm BSC thật, đâu là sản phẩm BSC giả.

Không dừng lại ở đó, việc sử dụng các loại BCS, gel bôi trơn giả, không đảm bảo chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa, nam khoa và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Các sản phẩm kém chất lượng này còn có khả năng lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai... và nghiêm trọng hơn cả là dẫn đến nguy cơ gây vô sinh.

Việc các sản phẩm được bày bán trên các sàn thương mại điện tử không đảm bảo an toàn chất lượng, nguồn gốc... đã từng xảy ra với nhiều mặt hàng khác. Mới đây, thương hiệu sách First News đã phải nhờ đến pháp luật khi hàng hóa của họ bị làm giả bán và chủ yếu số hàng đó được bán trên Shopee, Lazada... cũng với hình thức giảm giá kịch sàn, chiết khấu cao hơn so với giá bạn tại các cơ sở kinh doanh.

Một lần nữa vấn đề hàng giả tiếp tục trở thành nỗi lo đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã đưa ra cảnh báo đối với người tiêu dùng: "nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...". Song vì "hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc".

Quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trên sàn TMĐT đang bị đe dọa và chưa được đảm bảo một cách triệt để, tối đa. Khi có sự cố, người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng, các sàn TMĐT cần có những biện pháp tối ưu hơn để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, không thể đợi vi phạm mới biết có sai phạm, rồi dùng lí do "không đủ sức kiểm duyệt" để trốn tránh trách nhiệm.

Bởi, sản phẩm đến tay người dùng rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc thì trách nhiệm của Shopee ở đâu khi chính họ đã tiếp tay cho việc phân phối hàng không rõ xuất xứ và không an toàn?

Tác giả: Hạ Vũ

Nguồn tin: helino.ttvn.vn

  Từ khóa: hàng thật , Shopee , hàng giả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP