Trong nước

Sẽ không còn chuyện ‘đùng một cái’ ra trường làm Phó chủ tịch xã

Việc đưa trí thức trẻ về làm lãnh đạo tại các xã nghèo sẽ phải qua thử thách làm công chức xã, nếu đạt yêu cầu mới được bổ nhiệm chứ không còn "đùng một cái" ra trường về làm Phó chủ tịch xã như trước nữa - ông Vũ Đăng Minh cho biết.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc dự án 600 Phó chủ tịch xã cho biết, vì ban đầu không nói rõ các đội viên là người của địa phương nên nhiều nơi có suy nghĩ các các đội viên là người của dự án, là biên chế của TƯ.

Do đó mới có chuyện, có xã vẫn còn biên chế nhưng không bố trí cho đội viên của dự án, có huyện vẫn còn biên chế nhưng báo cáo đã hết như ở Hà Giang, Thanh Hóa. Thậm chí có nơi còn có ý định chuyển Phó chủ tịch xã của dự án thành công chức xã trong khi chiếc ghế Phó bí thư xã vẫn trống để bầu lên làm Chủ tịch xã.

Ông Vũ Đăng Minh

Để giải quyết việc này, Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án báo cáo với Thủ tướng ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện mở rộng mô hình này một cách căn cơ, lâu dài, thường xuyên trong công tác cán bộ.

Để tránh tình trạng người của TƯ, người của địa phương, biên chế địa phương hay biên chế TƯ, văn bản này phải nói rõ, địa phương khi có nhu cầu xin biên chế tăng cường thêm Phó chủ tịch xã trong 5 năm thì phải cam kết: "Phải bố trí biên chế cho họ sau khi hết thời hạn 5 năm". Lúc này, Bộ Nội vụ chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát.

Thử thách 2 năm không đạt mời về

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên cũng thông tin thêm, khác với lúc thí điểm, tới đây việc tuyển chọn trí thức trẻ đưa về địa phương không bố trí thẳng vào vị trí Phó chủ tịch xã mà phải qua vị trí công chức xã thử thách một thời gian nhất định từ 1-2 năm, phải tuyển chọn đúng chuyên ngành của địa phương.

Sau quá trình theo dõi, đánh giá nếu đáp ứng mới tiến hành bầu vào các vị trí lãnh đạo. Tức là có thời gian trải nghiệm, có quá trình tập dượt nhất định để có sự trưởng thành, đỡ bỡ ngỡ hơn trong quá trình chỉ đạo ở địa phương.

“Hướng sắp tới không phải xác định đội viên dự án về 5 năm rồi đi, mà xác định tuyển chọn những trí thức trẻ về gắn bó lâu dài với địa phương, để trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương sau này. Vì vậy phải tuyển chọn đúng người đúng việc và khi bố trí người về thì các địa phương hào hứng tiếp nhận”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Vũ Đăng Minh nói chuyện với các trí thức trẻ trước giờ phỏng vấn tại Quảng Nam

Theo đó, ngay từ ban đầu, chính quyền địa phương phải chủ động trong quy hoạch, bố trí sau này, phải coi các em là người của mình, để đào tạo, phân công, giao nhiệm vụ ngay từ đầu, có hướng đào tạo để sau này kết thúc có phương án chuyển ngay vào các vị trí lãnh đạo.

Một điểm khác biệt nữa là sau này, những cán bộ trẻ được đưa về địa phương sau 1-2 năm thử thách, nếu không đáp ứng yêu cầu thì thôi, tuyển người khác.

“Nếu 2 năm mà được đánh giá là không có khả năng, không có năng lực, tổ chức cuộc họp không biết điều hành, không biết chỉ huy thì thôi mời anh về để tuyển người khác. Như thế là công bằng và không mất cơ hội cho các em”, ông Minh khẳng định.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP