Nông Thôn Hà Tĩnh

Sẽ bồi hoàn tiền giống và… tiền lãi cho nông dân

Thừa nhận sự cố cung ứng giống lúa VTNA2 chất lượng nảy mầm kém trên địa bàn Hà Tĩnh, phía Tổng Công ty cung ứng đã xem đó là một bài học đắt giá và chấp hoàn trả lại tiền giống cho nông dân, kể cả việc tính theo lãi suất ngân hàng.

Bài học đắt giá

Sau sự cố cung ứng giống lúa VTNA2 “dởm” vì chất lượng nảy mầm kém xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh, sáng ngày 16/1, Phó Tổng GĐ Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, ông ông Lê Văn Minh cũng thừa nhận sự việc nói trên.

Trước khi đóng giống đã kiểm tra tỉ lệ nảy mầm rồi. Nhưng khi tiến hành đóng giống theo yêu cầu thì độ ẩm phải nằm dưới 13%. Nhưng vụ vừa rồi mưa nắng thất thường, độ ẩm cao hơn nên mình cẩn thận quá đã cho sấy lại rồi xảy ra cái sự cố đó.” Ông Minh nói.

 
Ông Hoàn, PGĐ Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh (trái) và ông Thanh, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh tại buổi làm việc với PV.

PV đặt câu hỏi, phải chăng sau khi sấy xong, công ty đã không tiếp tục kiểm tra chất lượng nảy mầm thì ông Minh trả lời đầy mâu thuẫn “Sấy xong cũng có kiểm tra rồi, thấy tỉ lệ vẫn đạt. Vì sấy theo từng bin, trong đó có bin đảm bảo, có bin mình không kiểm tra, kiểm soát được thì không đảm bảo nên mới xảy ra sự cố.”

Cũng theo ông Minh, trong quy trình ngâm ủ, nếu độ ẩm cao hơn thì thời gian ngâm dài hơn. Nhưng cái khuyến cáo của Công ty trên bao bì khi tính độ ẩm nằm khoảng 120 thì ngâm 30 giờ chẳng hạn.

Khi độ ẩm cao hơn đáng lẽ phải ngâm 40 giờ nhưng khi nông dân ngâm, ủ lại căn cứ trên hướng dẫn của bao bì mà không có khuyến cáo bổ sung nên mới có lỗi đó.

Trong khi đó, ông Doãn Trí Tuệ, cán bộ kĩ thuật của Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An giải thích do hàng trăm tấn giống chứ không phải ít nên có xảy ra sự cố nhưng chỉ có rất ít, chỉ vài ba chục tấn bị lỗi thôi.

Khi lấy giống ở cơ sở về có máy kiểm tra rồi, nhưng có lô ẩm độ 12, có lô 13, có lô 14. Cái nào ẩm độ quá cao thì phải sấy lại. Mà đã sấy thì phải sấy liên tục.

Nên trong đó có số khoảng vài ba chục tấn khi đóng ra do sấy hơi quá nhiệt nên nảy mầm không đều, chậm nảy mầm. Khi đó, đáng lẽ ẩm độ cao thì phải ngâm kéo dài ra mà ẩm độ thấp thì ngâm ngắn lại.

“Chúng tôi đã khuyến cáo bổ sung rồi nhưng dân cứ đọc ngoài bao bì thôi. Còn đã có quy trình khuyến cáo bổ sung kèm theo, nhưng cái này cán bộ nhận giống có một tờ khuyến cáo mà đọc không rõ ràng nên nông dân có người nghe, người không…” – ông Tuệ phân trần trái ngược.

Chấp nhận hoàn trả lại tiền

Cũng theo ông Minh, đây là một sự cố đáng tiếc, một bài học đắt giá, một sự cố lần đầu tiên xảy ra ở Tổng Công ty mà cần phải rút kinh nghiệm ngay.

Hiện Tổng Công ty đang tiến hành thu hồi những lô giống nảy mầm không đạt yêu cầu và bổ cứu giống mới thay thế nếu người dân có nhu cầu để sản xuất kịp thời vụ.

 
Chị Phong bức xúc với giống lúa “dởm” dù quảng cáo rất hấp dẫn.

Những trường hợp không có nhu cầu lấy giống bổ sung của Tổng Công ty thì sẽ hoàn trả lại tiền, kể cả tính tiền lãi cũng phải chấp nhận.

Ông Minh cũng cho rằng sự cố trên khiến thiệt hại nhiều cho Tổng Công ty, bởi những lô giống dân ngâm đi rồi thì họ vứt đi cũng phải chịu, rồi cái thu hồi được về nếu cái nào ngâm ủ rồi thì vứt đi, cái nào chưa ngâm mà kiểm tra thấy kém thì làm thức ăn chăn nuôi.

Trước mắt phía Tổng Công ty đang tập trung thu hồi những lô giống nảy mầm kém, sau đó sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm, kiểm điểm những cán bộ kĩ thuật, những người thiếu trách nhiệm trong các công đoạn.

Trả lời về trách nhiệm của ngành để giống nảy mầm kém nhưng vẫn được cung ứng về địa bàn, ông Bùi Quang Hoàn cũng Phó GĐ Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh cũng thừa nhận có phần lỗi thuộc về trách nhiệm của Sở và sẽ rút kinh nghiệm trong việc phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát.

Ông Hoàn cũng thừa nhận có lỗ hổng khi giao quyền chủ động cho huyện đăng ký hợp đồng cung ứng giống về cơ sở.

“Quá trình làm thì Sở Nông nghiệp cũng đã giao cho huyện quá trình đưa một giống về sản xuất phải báo cáo cho Sở qua Phòng quản lý chất lượng để cùng phối hợp lấy mẫu giám sát, kiểm định chất lượng trước khi giao cho dân.

Nhưng đôi khi các xã vì thấy các vụ trước tốt rồi nên chủ quan, mà khi chủ quan lại gặp rủi ro nữa nên mới xảy ra sự việc như trên“. Ông Hoàn cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cũng cho rằng, có thể vì khi tiến hành lấy mẫu kiểm định do lấy mẫu không hết tất cả các lô nên mới xảy ra sự cố.

Trần Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP