Tin Hà Tĩnh

Sau vụ “Du thuyền triệu đô” không phép: Phát hiện hàng loạt bến thủy nội địa hoạt động chui

Không phải sau khi “Du thuyền triệu đô” được đưa về Hà Tĩnh để phục vụ hoạt động vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, vấn đề bến thủy nội địa mới được đặt ra, mà việc cấp phép bến thủy nội địa ở Hà Tĩnh đã nhiều lần được “cân lên đặt xuống” vì nhiều vướng mắc, bất cập liên quan.

Gần 100% bến thủy nội địa hoạt động không phép?

Đây là con số khiến người đọc giật mình, nhưng là thực tế đang diễn ra không chỉ ở Hà Tĩnh, mà còn là con số ở hầu hết các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Với đặc tính địa lý nhiều sông ngòi, trên các dòng sông đều có các mỏ vật liệu xây dựng hoạt động, nhất là mỏ cát, bãi tập kết cát của các công ty…

Nên Hà Tĩnh có rất nhiều bến cát tập trung trên bờ sông La, sông Lam, sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu… Và 100% các bến bãi tập kết vật liệu hai bên bờ sông, đều chưa được cấp phép là bến thủy nội địa, mặc dù theo quy định của pháp luật, các bến bãi này phải được cấp phép mới được hoạt động.

Một bến cát trên sông La chưa được cấp phép bến thủy nội địa ở Đức Thọ.

Không chỉ các bến bãi tập kết vật liệu cần được cấp phép, mà ngay cả các bến thuyền du lịch, bến đò ngang… cũng cần phải được cấp phép, quản lý theo luật định.

Tuy nhiên, từ trước đến nay các cơ quan chức năng biết đó là vi phạm, vẫn phải “nhắm mắt làm ngơ”, vì những bất cập liên quan. Cụ thể như bến khách du lịch Chùa Hương Tích - Đập Nhà Đường và bến thuyền phục vụ lễ hội Đền Lê Khôi..v.v….

Theo Trung tá Nguyễn Văn Khánh - Thủy đội trưởng Đội 1 - CSGT đường thủy Hà Tĩnh, năm 2016, đơn vị đã kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm tại bến thuyền phục vụ khách du lịch Chùa Hương Tích, phạt hành chính Ban quản lý 15 triệu đồng, vì bến chưa được cấp phép là bến thủy nội địa mà vẫn đưa vào hoạt động.

Phòng CSGT đường thủy Hà Tĩnh kiểm tra bến bãi, phà cát hoạt động trên sông La.

Trung tá Khánh cho biết, về nguyên tắc, các bến thuyền du lịch, dịch vụ hoặc bến bãi tập kết vật liệu ở 2 bên bờ sông, phải được cơ quan chức năng cấp phép là bến thủy nội địa, theo Thông tư 50/2014.

Nhưng từ trước đến nay, do đặc thù mang tính truyền thống, tập quán và thói quen… các bến thuyền, bến cát đều mặc nhiên hình thành và tồn tại, muốn xử lý triệt đễ rất khó.

Phía cơ quan chức năng chỉ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở vi phạm. Nghiêm trọng mới lập biên bản xử phạt hành chính.

Trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, trước tháng 8/2017, 100% các bến thủy nội địa ở Hà Tĩnh đều chưa được cấp phép.

Chỉ mới đây, 2 bến thủy thủy nội địa được cấp phép là Bến Xuân Giang và Bến Xuân Hội (Nghi Xuân), còn lại 31 bến chưa được cấp phép.

Trong các bến chưa được cấp phép, có 24 bến đã được cho thuê đất, có trong quy hoạch bến thủy nội địa được Sở trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bến thuyền du lịch Chùa Hương Tích từng bị phạt 15 triệu đồng vì chưa được cấp phép bến thủy nội địa.

“Sở GTVT Hà Tĩnh đã đình chỉ hoạt động toàn bộ các bến thủy nội địa chưa được cấp phép này và giao chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế các bến vẫn tiếp tục hoạt động”- Đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh cho hay.

Những rào cản cần được tháo gỡ

Đại diện Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, việc cấp phép bến thủy nội địa ở Hà Tĩnh đã được đặt ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân và khó khăn, khiến việc này bị đình trệ.

4 nguyên nhân được Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ ra, gồm: Bến tự phát không có trong quy hoạch; bến có trong quy hoạch nhưng chủ quản lý bến không làm hồ sơ cấp phép; bến đã được quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt để thực hiện đầu tư xây dựng và hệ thống đò ngang dân sinh hình thành từ lâu, ít có tính chất kinh doanh.

Như vậy, để việc cấp phép bến thủy nội địa ở Hà Tĩnh được kịp thời, đảm bảo theo luật định, phải xuất phát từ ý thức của người dân, doanh nghiệp, khi hình thành bến cần phải kê khai, báo cáo với chính quyền và cơ quan chức năng để đưa vào quy hoạch (chấm dứt bến tự phát).

Khi bến đã đưa vào quy hoạch, cần sớm làm hồ sơ để có chủ trương đầu tư, xây dựng để được cấp phép (chấm dứt tình trạng không làm hồ sơ cấp phép).

Về phía chính quyền địa phương, cần sớm phải xem xét, phê duyệt để cấp phép cho các bến đủ điều kiện, để chủ đầu tư xây dựng, lên phương án quản lý bến (chấm dứt tình trạng chậm phê duyệt).

Riêng với hệ thống đò ngang dân sinh, đây là hình thức vận chuyển truyền thống của người dân, ở nơi chưa có điều kiện làm cầu qua sông.

Chủ đầu tư "Du thuyền triệu đô" đang loay hoay tìm bến tạm cho tàu Giang Đình cổ độ.

Do đó, chính quyền và cơ quan chức năng cần sớm khảo sát, đưa vào quy hoạch xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an toàn cho người dân qua sông, cũng như xóa bỏ được các bến đò ngang dân sinh tự phát.

Được biết, Sở GTVT Hà Tĩnh, CSGT đường thủy Công an Hà Tĩnh năm nào cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến các chủ bến bãi tập kết vật liệu, bến thuyền du lịch, dịch vụ, cũng như chủ tàu, thuyền… về an toàn giao thông đường thủy nội địa, ký cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, thực trang vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Tĩnh, năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, xử lý 22 trường hợp vi phạm xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, xử phạt số tiền 69.650.000đ; kiểm tra và xử lý 5 trường hợp chở quá số người quy định, phạt 1.560.000đ.

Tác giả: Trần Hoàng - Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP